Hơn 50 trường đại học chấp nhận kết quả bài thi Đánh giá năng lực
Hiện có hơn 50 đại học đăng ký sử dụng kết quả bài thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội làm một trong những phương thức xét tuyển đại học năm 2022.
Đây là thông tin được Tiến sĩ Lê Thanh Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ trong buổi livestream tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp mang tên “Chọn chuẩn trường - Đi chuẩn đường” do Cổng Tư vấn tuyển sinh và Hướng nghiệp của HOCMAI phối hợp với nhà trường tổ chức miễn phí cho học sinh THPT.
Khoảng 70.000 thí sinh sẽ tham gia kỳ thi Đánh giá năng lực
Cũng theo Tiến sỹ Lê Thanh Sơn, năm 2022, số lượng thí sinh tham dự kỳ thi Đánh giá năng lực (ĐGNL) của Đại học Quốc gia Hà Nội đạt khoảng 70.000 lượt dự thi. Vì vậy, năm nay nhà trường có sự điều chỉnh sử dụng đến 20% chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào kết quả bài thi ĐGNL.
Thí sinh đăng ký dự thi ĐGNL sẽ làm bài thi trên máy tính và sau khi kết thúc sẽ biết kết quả ngay. Đây là một bài thi đánh giá tư duy tổng hợp của học sinh, gồm có cả tư phân tích; kiến thức phổ thông lớp 10, 11, 12; kiến thức về xã hội; kiến thức về tự nhiên.
Các trường đại học thành viên, các khoa trực thuộc của Đại học Quốc gia Hà Nội, ĐH Huế, ĐH Thái Nguyên…; các trường đại học Ngoại Thương, Kinh tế Quốc dân, Thương Mại, Công nghệ Giao thông Vận tải, Kỹ thuật Y Dược, Tài nguyên Môi trường,… đã chính thức đăng ký sử dụng kết quả bài thi ĐGNL của ĐHQGHN để làm một trong những phương thức xét tuyển đại học năm 2022. Thông tin chi tiết về hình thức xét tuyển, chỉ tiêu của từng ngành được thông báo tại Đề án tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học.
Từ đầu tháng 3 cho đến nay, Trung tâm khảo thí - ĐHQGHN đã tổ chức nhiều đợt thi ĐGNL tại Hà Nội cũng như một số địa phương và tiếp tục sẽ tổ chức cho đến tháng Bảy. Không chỉ học sinh Hà Nội mà học sinh ở nhiều địa phương khác như Nam Định, Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Nguyên … đều có thể tham gia kỳ thi này.
Ngành “hot” của hiện tại có thể hết “hot” trong vài năm tới
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình - Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên, khái niệm ngành “hot” hiện nay được đánh giá theo quán tính. Học sinh khi đăng ký nguyện vọng đa phần lựa chọn trường “hot”, ngành “hot”. Tuy nhiên, các ngành trong những năm gần đây được coi là ngành “hot”, thu hút nhiều sự quan tâm hoàn toàn có thể bão hòa trong những năm tiếp theo. Đây là bài toán mà phụ huynh cũng như cả xã hội cần giải quyết để định hướng cho học sinh lựa chọn được ngành nghề phù hợp.
Theo Tiến sĩ Thanh Bình, thí sinh cần xác định bản thân mình thích gì, năng lực của mình phù hợp với nhóm ngành nào, tính cách của mình thích hợp với công việc gì trước khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Ngoài ra, học sinh cần tìm hiểu đối với ngành nghề đó thì nó có phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của bản thân mình hay không. Đặc biệt, các chương trình đào tạo của nhà trường như thế nào, trang bị cho mình những gì trong quá trình học tập và tạo ra những cơ hội nghề nghiệp ra sao trong tương lai.
Chẳng hạn đối với trường Đại học KHTN - ĐHQGHN, trường có đào tạo song bằng, tức là sau một năm theo học, những sinh viên đủ điều kiện có thể đăng ký học thêm một chuyên ngành nữa. Như vậy sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể nhận hai bằng đại học và nhân đôi kiến thức, kinh nghiệm cũng như cơ hội việc làm. Hiện nay, nhiều sinh viên mong muốn học bằng kép vì muốn gia tăng cơ hội việc làm. Một số khác bắt nguồn từ việc do sinh viên sau một thời gian học tập cảm thấy chuyên ngành hiện tại không phù hợp nên muốn học thêm một chuyên ngành khác.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Lê Thanh Sơn cũng cho biết thêm, khi đăng ký học song bằng, sinh viên phải hy sinh rất nhiều thứ như thời gian, tiền bạc, công sức… Vì vậy, theo ông Sơn, các bạn học sinh nên tìm hiểu thật kỹ về định hướng nghề nghiệp của bản thân để lựa chọn được đúng ngành nghề phù hợp. Khi học một chuyên ngành mà mình yêu thích và học tập một cách nghiêm túc, cũng như tích cực trau dồi, tích lũy kinh nghiệm ngay từ khi còn ở giảng đường thì chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội tốt cho sinh viên lựa chọn sau khi ra trường.