Hơn 33.600 tỷ trái phiếu BĐS đáo hạn trong quý III, doanh nghiệp sẽ thu xếp dòng tiền như thế nào?
Lượng trái phiếu BĐS đáo hạn trong quý III gấp gần 2,7 lần quý II và gấp hơn 3,5 lần cùng kỳ 2021. Giá trị đáo hạn tăng mạnh do nhiều doanh nghiệp BĐS đã phát hành lượng lớn trái phiếu với kì hạn ngắn (1-2 năm) trong giai đoạn 2020-2021.
Theo thống kê của Chứng khoán VnDirect, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ đáo hạn trong quý III/2022 đạt mức 64.696 tỷ đồng, (tăng 82,7% so với quý trước; tăng 243,8% so với cùng kỳ). Trong đó, TPDN đáo hạn của ngành Bất động sản, Tài chính – Ngân hàng, Khác lần lượt chiếm 52,0%, 37,2% và 10,9%.
VnDirect cho rằng giá trị TPDN riêng lẻ đáo hạn tăng mạnh phần lớn đến từ việc nhiều doanh nghiệp BĐS đã phát hành một lượng lớn trái phiếu với kì hạn ngắn (1-2 năm) trong giai đoạn 2020-2021. Trong quý III, bất động sản (BĐS) sẽ là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất với 52,0% tổng giá trị đáo hạn trái phiếu riêng lẻ trong quý, tương đương 33.624 tỷ đồng (+166,9% so với quý quý II/2022, +252,3% so với cùng kỳ). Các doanh nghiệp BĐS có giá trị đáo hạn cao nhất trong quý III sắp tới bao gồm: Công ty TNHH Kinh doanh BĐS Mediterranena Revival Villas (7.200 tỷ đồng), CTCP Bông Sen (4.800 tỷ đồng), CTCP Osaka Garden (3.400 tỷ đồng).
Còn theo Chứng khoán KB (KBSV), giá trị TPDN đáo hạn của các doanh nghiệp BĐS năm 2022 đạt 123.400 tỷ đồng.Trong đó, tỷ trọng phần lớn đến từ nhóm doanh nghiệp BĐS không niêm yết chiếm 84,5%, và nhóm niêm yết chỉ chiếm 15,5%.
Trong bối cảnh kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản và giám sát chặt chẽ hoạt động phát hành TPDN do rủi ro vi phạm phát hành và đấu giá quyền sử dụng đất, nhóm phân tích cho rằng các doanh nghiệp bất động sản sẽ khó khăn hơn trong việc huy động vốn trong vài quý tới, kết hợp với việc cần số tiền lớn nhằm phục vụ cho việc đáo hạn trong năm nay có thể làm gia tăng áp lực lên cân đối dòng tiền của các doanh nghiệp này, và cả ngành BĐS nói chung.
Theo KBSV, điểm tích cực ở nhóm BĐS niêm yết là các doanh nghiệp quy mô lớn đang tập trung đẩy mạnh hoạt động bán hàng để cải thiện dòng tiền, thông qua: (1) Doanh số kí bán mới tăng mạnh trong đầu năm 2022 ở 1 số doanh nghiệp như sau: VHM 16.500 tỷ đồng, NVL 28.000 tỷ đồng (+62% YoY), NLG 7.880 tỷ đồng và DXG 400 tỷ đồng …; (2) Triển vọng doanh số kí bán ấn tượng cả năm 2022.
Bên cạnh 2 kênh huy động vốn truyền thống là tín dụng và trái phiếu trong nước, các doanh nghiệp BĐS niêm yết cũng đã và đang đa dạng nguồn vốn, tiếp cận các kênh mới như quỹ đầu tư, M&A và liên doanh quốc tế (Biểu đồ 34). Cụ thể, NVL mới đây đã hoàn tất chào bán 250 triệu USD trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu kèm chứng quyền cho các đối tác nước ngoài, DXG dự kiến phát hành xong 300 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế trong quý 3/2022 trái phiểu chuyển đổi quốc tế…
''Chúng tôi đánh giá nhóm BĐS niêm yết quy mô lớn hoàn toàn có khả năng trả nợ khi đến thời điểm đáo hạn TPDN tuy cũng chịu áp lực chung của ngành BĐS trong bối cảnh hiện tại. Còn đối với các doanh nghiệp BĐS vừa và nhỏ sẽ cần thời gian để có các đánh giá chi tiết hơn'', nhóm phân tích cho biết.