Hồi tối này, có đi soi bù tọt hôn cha?
Hình ảnh cô bé gầy gò là tôi, sau giấc ngủ nướng mát rượi đêm mưa, mở mắt ra nghe mùi cà ri dậy lên nơi góc bếp, lật đật chạy xuống thấy má đang lúi húi với chảo bù tọt xào sả ớt, miệng cười hiền từ. Ấy là món ngon ký ức của tôi.
Tôi xa làng lên thành phố lập nghiệp đã gần mười năm. Thế mà, năm nào cũng vậy, khi những cơn mưa đầu mùa báo hiệu ngày hè sắp về là tôi lại nghe lòng mình nôn nao nỗi nhớ làng xưa.
Má hay bảo: "Cha biết con thích ăn bù tọt nên hồi tối đi soi cả đêm dưới ruộng bắt về cho con đó". Con bé là tôi khi ấy mỉm cười bẽn lẽn. Vì biết chỉ chốc lát, thế nào bản thân cũng nhấm nháp món khoái khẩu, để rồi ăn liền mấy chén cơm, chan đầy nước cơm nấu củi nữa. Chỉ vậy thôi mà hạnh phúc lan tỏa, gợi nhớ suốt một thời thơ ấu giữa chốn làng quê bình yên.
Thú thiệt đến tận bây giờ tôi cũng chưa phân biệt được con bù tọt khác con nhái con ếch chỗ nào, dù nhìn bề ngoài nó có vẻ nhỏ hơn nhái, trên sống lưng có hai cái sọc xanh.
Chỉ biết rằng trong nỗi nhớ thương quê nhà, cứ mặc định hoài: bù tọt là món ăn của người dân quê nghèo, bởi ít kiếm được nhiều tiền không mua thịt cá nên tận dụng những thức sẵn dân dã trời cho.
Mùa mưa cũng là mùa sinh sản của bù tọt, thường sau đợt mưa lớn, đêm xuống nghe tiếng bù tọt kêu rôm rả là cha tôi lại lật đật xách đèn đi soi quanh những vũng nước lớn đọng lại hay mé đìa, bờ mương.
Cha tôi kể soi bù tọt rất đơn giản, chỉ cần rọi đèn ngay chỗ là con nào con nấy nằm yên trân, rồi nhanh chóng chụp cho chắc bỏ vô thùng, gặp ngay bữa "trúng mánh" là không bao lâu có ngay đầy một thùng bù tọt liền.
Bọn trẻ con trong làng bắt chước người lớn cũng tranh thủ những ngày hè kéo nhau ra đồng soi bù tọt. Chỉ cần một cái túi vải hoặc một cái túi đan bằng tre treo lủng lẳng bên hông đi độ một, hai tiếng đồng hồ là hôm sau cả nhà đã có một bữa ăn cải thiện đầy đủ đạm.
Ấn tượng về những ngày theo cha và đám bạn trong làng ra đồng soi bù tọt trở thành một ký ức khó phai trong tâm trí tôi, để rồi mùa mưa nào giữa phố thị đông đúc, tôi cũng nao nao nhớ chuyện xưa.
Thành quả soi được thế nào sáng ra cha tôi cũng nhờ má "mần" cho món bù tọt xào sả ớt. Sau một quãng dài trốn nắng gặp mưa lớn bò ra bắt cặp sinh sản, con nào con nấy ú nu nhảy rao ráo, má tôi phải giội tro bếp hoặc nước sôi vào để bớt nhớt, tỉ mỉ lột hết lớp da bên ngoài, bỏ phần nội tạng, lật cán dao dần cho mềm xương từng con, chặt nhỏ vừa đũa gắp rồi ướp cà ri, gia vị cho thấm.
Chảo dầu nóng già cho tỏi, sả, ớt băm phi thơm lừng, đoạn cho thịt bù tọt vào đảo đều, nêm nếm vừa ăn, canh lửa vừa phải và đợi nước rút cạn là đã xong món khoái khẩu.
Theo dân gian, bù tọt có vị thuốc tốt đối với trẻ con nên thường tôi sẽ được cả nhà ưu ái cho ăn nhiều, một phần ăn thấy ngon nên khoái rồi ghiền luôn, đến nỗi những đợt mưa cha soi nhiều ăn thường xuyên mà cũng hỏng biết ngán là gì.
Riết thành thói quen, cứ thấy mưa xuống là biết thế nào cũng sẽ có món ăn thường trực này trên mâm cơm.
Chảo bù tọt xào sả ớt bốc khói thơm phức vừa trên bếp bưng xuống khiến đứa trẻ háu ăn là tôi chịu không nổi, bèn nhanh nhẹn xới một chén cơm nóng hổi, gắp một miếng thịt bù tọt bỏ vào miệng.
Mùi cà ri thơm phức, miếng thịt bù tọt thơm nồng, sả ớt hòa quyện đậm đà, cho thêm mấy trái ớt hiểm ngoài vườn ăn cho cay nồng, ấm bụng ngày mưa dầm. Gặp tô nước cơm nấu củi thơm mùi khói, có cơm cháy cạnh dưới đáy nữa là chén này nối tiếp chén kia, ăn hết nồi mà nghe miệng còn thèm.
Rồi thi thoảng, sợ chồng con ăn hoài một món cũng ngán, má tôi lại xào bù tọt với mướp hương nhà trồng, ăn vừa thơm lại mát vô cùng. Vừa ăn vừa nghe cha má kể chuyện làng xóm, gia đình, rồi chuyện cày cấy, ruộng vườn, thấy hết bao nhiêu đằm thắm, yêu thương của một thời tuổi thơ.
Đứa bé gầy gò ngày đó bây giờ đã lớn, dù bận rộn lo toan với cơm áo gạo tiền, nhưng ở tuổi lưng chừng cuộc đời vẫn thi thoảng nhớ hoài một ký ức thật đẹp. Nó cũng đã có con, một đám trẻ lớn lên từ phố thị, nhìn thấy bù tọt, ếch, nhái hay bất kỳ con vật đồng quê nào đều sợ hãi, tránh né.
Thậm chí, má nó là tôi, có cố công dạy bảo, hướng dẫn trực quan bằng những buổi về quê ra đồng lội ruộng, vẫn không thay đổi được nhiều. Thôi thì, mỗi thế hệ mỗi cách tận hưởng tuổi thơ.
Tôi chỉ thoáng buồn khi nghĩ đến cha má và làng xưa. Giờ cha má đã đi xa, bỏ lại tôi giữa dòng đời lặng lẽ. Tôi cũng hiếm khi quay trở về làng cũ, chỉ loáng thoáng nghe tin từ vài người bà con cũ.
Lắm khi qua những gắt gao mạch đời cứ ước cơn mưa trời dịu mát, thậm chí có bữa ngồi mơ đến gian bếp ngày xưa, để lúi húi phụ má chắt nước cơm củi hít hà mùi khói.
Như một thói quen, khi trời bắt đầu đổ những đợt mưa là sáng ra lại hào hứng hỏi dói người đàn ông đã bạc mái đầu: "Hồi tối này, có đi soi bù tọt hôn cha?...".
Câu hò Tây Nam Bộ phảng phất khung cảnh êm ả, sông nước phẳng lặng, cuộc sống chất phác hồn hậu, dân quê ít nghĩ ít sầu. Miệt vườn ruộng quanh năm xanh mát này lại có nhiều thức nổi danh dậy sóng tứ hải giang hồ.