Hội thảo phát huy tiềm năng và lợi thế sông Sài Gòn: Để đánh thức cả một dòng sông

Chia sẻ Facebook
22/04/2022 16:11:20

Sáng 22-4, hội thảo “Quy hoạch để phát huy tiềm năng và lợi thế sông Sài Gòn” diễn ra tại khách sạn Majestic, quận 1, TP.HCM. Sự kiện do báo Tuổi Trẻ và Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM tổ chức. Tuổi Trẻ Online cập nhật.

Nhà báo Lê Xuân Trung - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - trao tặng kỷ yếu gồm hơn 40 bài dự thi cuộc thi Hiến kế phát triển sông Sài Gòn, cho tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn - trưởng phòng quản lý quy hoạch chung, Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM

Nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến, giám khảo cuộc thi Hiến kế phát triển sông Sài Gòn, cho rằng đã đến lúc thành phố phải đưa ra phương châm , hay có thể gọi là triết lý chúng ta là một thành phố cảng, thành phố sông biển, phát triển dựa trên thế mạnh sông nước.


Cho nên ngay cái logo của TPHCM hiện tại cũng nên có hình ảnh sông biển. Logo của Pháp cho thành phố Sài Gòn trước đây cũng có hình ảnh con thuyền trên dòng sông. Đó là lối nghĩ của người xưa, vì thành phố ra đời từ sự hội tụ sông biển.

Nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến

Ông tâm đắc với ông Nguyễn Thanh Nhã, giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM, rằng trong 2 năm trở lại đây, thành phố đang xoay trục trở về với dòng sông.

Phiên thảo luận do nhà báo Võ Hùng Thuật, phó giám đốc Trung tâm truyền thông sự kiện báo Tuổi Trẻ, điều phối.

Kiến trúc sư Lý Đăng Huy, tác giả đoạt giải nhì cuộc thi Hiến kế phát triển sông Sài Gòn, nêu ý kiến: “Cư dân là đối tượng chính cho mọi ý kiến, đề án. Việc lắng nghe ý kiến của người dân là điều cốt lõi. Thông qua những cuộc thi như thế này, người dân mới có cơ hội đóng góp góc nhìn đa chiều hơn. Cảm ơn báo Tuổi Trẻ đã tạo điều kiện cho người dân nói lên tiếng nói của mình”.

PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ - trưởng khoa văn hóa học Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM)

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - tổng giám đốc Đại Phúc Land - chia sẻ tại hội thảo

Ông Phan Xuân Anh - chủ tịch HĐQT Công ty Du Ngoạn Việt - chia sẻ


Kiến trúc sư Huỳnh Xuân Thụ, phó chánh văn phòng Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM, cho biết sở sẵn sàng hợp tác với báo Tuổi Trẻ để tổ chức những diễn đàn bổ ích như hội thảo và cuộc thi hiến kế.

Qua đó, sở tiếp thu được nhiều ý kiến hay từ các chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác nhau, thể hiện tầm nhìn về hướng phát triển dòng sông trong đô thị.

Kiến trúc sư Huỳnh Xuân Thụ, phó chánh văn phòng Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM

Thông qua ý kiến của các chuyên gia, ông thấy sông Sài Gòn đang gặp nhiều thách thức do biến đổi khí hậu (ngập lụt, nhiễm mặn), quá trình đô thị hóa nhanh chóng, thương mại hóa, nguồn lực còn hạn chế.

Ông mong muốn thành phố và người dân sẽ vượt qua những thách thức để vừa phát triển và bảo vệ dòng sông theo hướng bền vững.

Các khách mời thảo luận là những chuyên gia, kiến trúc sư từ nhiều lĩnh vực như Trần Hữu Phúc Tiến, PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, Hồ Viết Vinh, Huỳnh Xuân Thụ, Võ Quốc Thắng và tác giả Lý Đăng Huy (giải nhì cá nhân cuộc thi hiến kế).

PGS-TS Nguyễn Minh Hòa cảnh báo về nguy cơ, thậm chí là tai họa với tương lai nếu không ứng xử đúng đắn với dòng sông Sài Gòn hiện nay.

PGS-TS Nguyễn Minh Hòa thảo luận

Sông Sài Gòn uốn lượn chứ không phải là dòng sông thẳng, tạo ra những "cục u của con lạc đà", như Thanh Đa hay Thủ Thiêm. Nếu không cẩn thận, con người sẽ bào mòn những "cục u" đó, khiến chúng mất đi.

Sông Sài Gòn chảy một cách hiền hòa, phù sa dễ ứ đọng, tích tụ, dẫn đến nền đất yếu, không có chân, gọi là "đất mượn".

Do đó, phải tìm ra mô hình phát triển để thích nghi với dòng sông, để lại di sản dòng sông cho con cháu.

Kiến trúc sư Hồ Viết Vinh

Kiến trúc sư Hồ Viết Vinh nhận định: "Chúng ta đang quay lưng lại với dòng sông dù dòng sông cho chúng ta sự sống. Chúng ta đang ứng xử với dòng sông theo cách không tương xứng với giá trị nó mang lại".

Ông cũng cảnh báo chỉ một phần tư thế kỷ nữa, nếu chúng ta không kịp thay đổi, sẽ có nhiều hậu quả. Sông Sài Gòn là bố cục chính của tổng thể TP.HCM, phía bắc có rừng Củ Chi, phía nam có rừng Sác, rất giống với đô thị Paris, như 2 lá phổi cân bằng hệ sinh thái và cùng sông Seine tạo thành cấu trúc bền vững lâu nay.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Nhã, giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM, chia sẻ tại hội thảo


Tiến sĩ Nguyễn Thanh Nhã nói: “Cảm ơn báo Tuổi Trẻ đã chủ động tổ chức cuộc thi Hiến kế phát triển sông Sài Gòn, đưa ra ý tưởng để chúng tôi hoàn thành đồ án quy hoạch thành phố sắp tới.

Hiện nay, thành phố đang quan tâm nhiều hơn, sâu sắc hơn đến cảnh quan sông Sài Gòn như một trục mới trong sự phát triển thành phố. Trong quá trình phát triển, chúng ta đã không đối xử với dòng sông như mong đợi.


Cách đây 2 năm, lãnh đạo thành phố đã nhận ra điều này. Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM đã được giao chuẩn bị đề án. Đến nay, các bước đi rất bài bản từ ý tưởng, đề án đến quy hoạch. Báo Tuổi Trẻ đã giúp chúng tôi có thêm ý tưởng để phát triển sông Sài Gòn.

Một vài bài thi nhìn ra góc độ rộng hơn, những không gian kề cận sông Sài Gòn. Điều này rất phù hợp với điều chỉnh của chúng tôi. Với kinh nghiệm trong phát triển đô thị, ngoài ý tưởng về không gian lân cận, chúng ta còn cần đến ý thức của người dân, sự quan tâm và nhiều khía cạnh khác mới làm con sông sống dậy.

Ở đây, cần sự đóng góp rất lớn của quý báo và các anh chị để nâng cao nhận thức của người dân, của nhà đầu tư về con sông, chẳng hạn từ một việc rất nhỏ thôi là đừng xâm hại dòng sông, đừng xả rác, trân trọng thêm giá trị thiên nhiên. Những bản vẽ, sơ đồ như thế này còn xa lắm mới đưa vào thực tiễn được.

Chúng ta nên bắt đầu từ những cái nhỏ nhất sẽ đi đến những cái xa hơn. Sở sẽ tiếp nhận những ý tưởng, chia sẻ, băn khoăn, tâm tư về dòng sông và đưa vào đề án. Đó là công việc không hề dễ dàng nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức”.

Tác giả Trần Quang Hiếu, đại diện nhóm Librazzi, đoạt giải nhì cuộc thi Hiến kế phát triển sông Sài Gòn, trình bày ý tưởng hiến kế "Sông Sài Gòn: Cảng và đô thị”.

Kiến trúc sư Trần Quang Hiếu nhận định sự phát triển giữa đô thị và cảng ở Rotterdam tương đối tương đồng qua các thời kỳ, còn với TP.HCM thì không.

Nhóm đề xuất kịch bản mở, bắt nguồn từ đặc điểm tự nhiên là sông có 2 nhánh - sông Sài Gòn phía trên và sông Soài Rạp phía dưới để phát triển các cảng của thành phố.

Kiến trúc sư Steven Townsend, CEO Công ty thiết kế đô thị B+H Architect Vietnam

Kiến trúc sư Steven Townsend nhận định từ xưa đến nay, sự phát triển của nhân loại luôn gắn với nguồn nước, với các dòng sông. Sự phát triển của sông, kênh rạch cũng gắn liền với nền văn minh của loài người.

Ông đưa ra những triết lý: dòng sông của cuộc sống, của sức khỏe, tình yêu và ước mơ. Dòng sông cũng là biểu tượng về bảo tồn văn hóa, trong khi những ước mơ là nền tảng cho tương lai.

TP.HCM là thành phố bên sông, từ những vết tích đầu tiên đến thời hiện đại. Những thành phố lớn như London, Paris, Chicago… đều có chiến lược phát triển rất táo bạo cho sông. Ở Chicago, người Mỹ có triết lý “mặt nước lãng mạn”, nơi con người được sống gần nước, chan hòa với nước.

Ở Singapore, sông là điểm đến di sản. Đặc biệt là ở Hong Kong, sông mang giá trị kinh tế, văn hóa, hành chính và sự tiếp nối thế hệ. Còn với TP.HCM, sông Sài Gòn có rất nhiều giá trị có thể khai thác, nhất là phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ.

Ông Nguyễn Đỗ Dũng, tổng giám đốc Công ty EnCity (Singapore), trình bày tham luận “Ý tưởng phát triển sông Sài Gòn nhìn từ lịch sử, môi trường và kinh tế”

Ông Nguyễn Đỗ Dũng nhận định toàn bộ sự phát triển của TP.HCM hiện nay dựa trên bản quy hoạch thành phố năm 1790.

Triết lý phát triển là “hướng vào lòng dân, hài hòa với thiên nhiên”. Còn hiện nay, thực tế phát triển của TP.HCM là không hề thân thiện với dòng sông Sài Gòn như triết lý của ông cha.

Chỉ 5% chiều dài dòng sông là không gian công cộng. Giải pháp là phải dành không gian cho nước, lấy dòng sông làm mặt tiền đô thị, gia tăng hệ số sử dụng đất để tạo không gian công cộng.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn - trưởng phòng quản lý quy hoạch chung, Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM - trình bày tham luận Những định hướng chính trong đề án Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ dọc sông TP.HCM giai đoạn 2020-2045

Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn cho biết có những số liệu thú vị khi ở thượng lưu sông Sài Gòn, Nhà nước đầu tư phần lớn. Trong khi đó, vùng trung lưu và hạ lưu sông thu hút các nhà đầu tư tư nhân.

Do đó, có thể tham mưu cho vấn đề nguồn lực khi phát triển sông sau này. Ông nhấn mạnh vai trò của thành phố Thủ Đức trong hệ sinh thái dịch vụ sông Sài Gòn, việc kết nối hai bờ sông để đầu tư phát triển.

Ông nghiên cứu nỗ lực tái thiết một dòng sông bị lãng quên ở Washington DC, Mỹ như một kinh nghiệm thú vị. Ông Tuấn cũng đặt ra vấn đề "chống ngập hay thích nghi với nước?" đối với sông Sài Gòn.

Nhà báo Lê Xuân Trung - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - phát biểu khai mạc hội thảo


Nhà báo Lê Xuân Trung, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ , phát biểu: “Trong không khí Ngày kỷ niệm 30-4 - thống nhất đất nước, chúng tôi nhìn lại những lợi thế và tiềm năng của thành phố để thúc đẩy sự phát triển của thành phố nhanh hơn.

Vai trò vị trí của sông Sài Gòn đã được khai thác và đánh giá theo từng khúc sông, nhưng chưa từng được đánh giá đầy đủ và phát huy hết tiềm năng của dòng sông.

Nếu như chúng ta đánh thức được cả dòng sông, chứ không phải từng lúc, từng khúc sông, thì chúng ta sẽ đạt được hiệu quả phát triển tốt hơn.

Nhiều bạn đọc cho rằng dòng sông là một kho báu của thành phố chúng ta, vậy làm thế nào để kho báu đó trở thành tài sản của cư dân thành phố và của đất nước?”.

Có nhiều khách mời quốc tế quan tâm đến việc phát triển sông Sài Gòn

Hội thảo thu hút rất đông các chuyên gia hiểu, yêu và mong muốn đóng góp vào sự phát triển của sông Sài Gòn

Đại diện Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch TP.HCM


Các khách mời gồm lãnh đạo UBND TP.HCM, Sở Du lịch TP.HCM, Sở Xây dựng TP.HCM, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp và bạn đọc đoạt giải cuộc thi Hiến kế phát triển sông Sài Gòn.

Tại hội thảo, tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn - trưởng phòng quản lý quy hoạch chung, Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM - trình bày đề án "Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ dọc sông TP.HCM giai đoạn 2020-2045".

Ông Nguyễn Đỗ Dũng, tổng giám đốc Công ty EnCity (Singapore) và tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hiếu - Đại học Việt Đức - sẽ trình bày tham luận "Nghiên cứu phát triển hạ tầng dọc sông Sài Gòn" của mỗi người.

Hiến kế phát triển sông Sài Gòn - Không đi sâu chuyên môn, mà đề cao ý tưởng


Đến từ cuộc thi Hiến kế phát triển sông Sài Gòn, tác giả Trần Quang Hiếu (nhóm Librazzi) sẽ trình bày ý tưởng hiến kế " Sông Sài Gòn: Cảng và đô thị ".

Các khách mời tham dự xem triển lãm bên hành lang hội thảo

PGS-TS Nguyễn Minh Hòa tham quan triển lãm


Tiếp đó là phiên thảo luận với các khách mời thảo luận là những chuyên gia, kiến trúc sư từ nhiều lĩnh vực như PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, Hồ Viết Vinh, Huỳnh Xuân Thụ, Võ Quốc Thắng, Trần Hữu Phúc Tiến và tác giả Lý Đăng Huy (giải nhì cá nhân cuộc thi hiến kế).


Tuổi Trẻ Online tiếp tục cập nhật.

Đồ hoạ: NGỌC THÀNH

Giải nhất cá nhân thuộc về Trần Minh Thi với bài 'Phát triển sông Sài Gòn song hành với không gian công cộng đôi bờ'. Giải nhì tập thể thuộc về nhóm Librazzi với bài viết 'Sông Sài Gòn: Cảng và đô thị'.

Chia sẻ Facebook