Hồi sinh virus cổ đại 48.500 năm tuổi
Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã làm sống lại loại virus mà họ tin là loại virus cổ xưa nhất từng được hồi sinh.
Sau khi hồi sinh một loại virus cổ đại đã đóng băng hàng chục nghìn năm, nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học Nga, Pháp và Đức cảnh báo rằng tình trạng băng vĩnh cửu tan chảy có thể gây nguy hiểm cho nhân loại.
Bởi lẽ, virus cổ đại vẫn có khả năng lây nhiễm cho các sinh vật sống. Họ đã quan sát thấy tổng cộng 9 loại virus cổ đại trong lớp băng vĩnh cửu ở Siberia tiếp tục lây nhiễm amip trong phòng thí nghiệm. Và trong đó có loại virus cổ xưa nhất đã gần 50.000 năm tuổi.
“48.500 năm là một kỷ lục thế giới”, ông Jean-Michel Claverie, thành viên nhóm nghiên cứu và làm việc tại Đại học Aix-Marseille ở Pháp, nói với trang New Scientist. Nhóm của ông đã nghiên cứu tổng cộng 7 loại virus cổ đại trong nghiên cứu mới nhất.
Trước đó, họ đã tìm cách hồi sinh 2 loại virus cổ đại khác khoảng 30.000 năm tuổi. Tất cả các loại virus được nhóm này hồi sinh đều thuộc họ pandoravirus – nhóm virus khổng lồ chỉ lây nhiễm cho các sinh vật đơn bào như amip.
Tuy nhiên, thực tế là khi tất cả 9 loại virus cổ đại đó vẫn có khả năng lây nhiễm các tế bào sống sau khi trải qua hàng chục nghìn năm đóng băng, thì các loại virus khác nằm trong băng vĩnh cửu – có khả năng lây nhiễm cho thực vật, động vật hoặc thậm chí cả con người – cũng có thể được giải phóng và hồi sinh.
“Đó là một mối nguy hiểm thực sự”, ông Claverie nói. Tuy nhiên, hiện nay không thể xác định chính xác mức độ nguy hiểm ra sao.
Nga đã cảnh báo về mối nguy hiểm có thể xảy ra do tan băng vĩnh cửu. Moskva đánh giá mối nguy hiểm này đủ nghiêm trọng để khởi động một dự án an toàn sinh học và kêu gọi tất cả các quốc gia khác thuộc Hội đồng Bắc Cực tham gia. Tổ chức liên chính phủ này gồm Nga, Mỹ, Canada, Đan Mạch, Na Uy, Iceland, Phần Lan và Thụy Điển.
Australia phục hồi rừng tảo bẹ khổng lồ đang dần bị biến mất