Hồi sinh du lịch Việt bằng cách nào?

Chia sẻ Facebook
28/03/2022 11:13:18

Đứng thứ 6 thế giới về tỉ lệ bao phủ vắc xin COVID-19, Việt Nam có lợi thế để hồi sinh ngành du lịch. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đối diện với sự cạnh tranh gay gắt. Làm gì để hồi sinh du lịch Việt bền vững?

Những du khách quốc tế trở lại Đà Nẵng từ Singapore vào trưa 27-3 - Ảnh: TẤN LỰC


Nếu năm 2019 chỉ có 112 DN xin thu hồi giấy phép thì 2 năm đại dịch đã khiến trên 840/2.656 DN rời bỏ thị trường và đến nay chỉ còn 2.179 DN có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng


Chia sẻ với Tuổi Trẻ , ông NGUYỄN VĂN HÙNG (bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch) nói:

- Năm nay Nhà nước sẽ xắn tay đồng hành với doanh nghiệp (DN), cùng kiến tạo và hỗ trợ DN hồi phục với nhiều chính sách sát sườn, tung gói kích cầu du lịch, đặc biệt sẽ đẩy mạnh quảng bá Việt Nam là điểm đến an toàn. Chúng ta đã khai mạc Năm du lịch quốc gia, tất cả các địa phương đều khởi động lại các sản phẩm du lịch đặc trưng để thu hút du khách với tinh thần vừa hướng Đông vừa hướng Tây.


Cú hích từ SEA Games 31

* Hơn 2 năm du lịch quốc tế "đóng băng", hiện hành vi, nhu cầu và mức chi tiêu của khách cũng đã thay đổi. Việt Nam sẽ có những sản phẩm du lịch chủ lực nào phù hợp?

- Chúng ta phải làm mới mình, làm mới các sản phẩm du lịch, dọn những "món ngon", món du khách cần vào thời điểm này chứ không chỉ món truyền thống, đặc biệt phải đẩy mạnh thử nghiệm những sản phẩm mới.

Du khách hiện có tâm lý e ngại du lịch đến nơi đông người, quan tâm nhiều hơn tới an toàn sức khỏe, thường đi theo nhóm nhỏ, lựa chọn du lịch xanh, du lịch sinh thái, ưu tiên các điểm đến gần. Nếu đi xa, họ thường có nhu cầu nghỉ dưỡng...

Do đó, sau COVID-19, ngành du lịch có cơ hội để tái cơ cấu. Ngoài các sản phẩm du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng được ưa chuộng, có thể đẩy mạnh phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh như du lịch nghỉ dưỡng biển dài ngày, du lịch golf, du lịch chữa bệnh, du lịch chăm sóc và phục hồi sức khỏe về thể chất và tinh thần sau COVID-19…

Đặc biệt, một cú hích đầu tiên để đón khách ngoại ngay trong tháng 5 này là SEA Games 31 tổ chức tại Hà Nội từ 12 đến 23-5. Khoảng 7.000 vận động viên của 11 đoàn thể thao khu vực Đông Nam Á sẽ đến thi đấu. Du khách sẽ đi xem, sau đó ra phố xá sử dụng dịch vụ khiến cho ngành du lịch sẽ ấm lên.

* Trong bối cảnh hiện nay, theo ông, Việt Nam cần thu hút du khách ở những thị trường trọng điểm và những phân khúc nào?

- Trước mắt, du lịch Việt Nam cần tập trung khai thác tốt các thị trường truyền thống, các thị trường đã khôi phục kết nối hàng không và khôi phục chính sách visa, các thị trường đã có chính sách nới lỏng hoặc mở cửa hoàn toàn cho công dân đi du lịch nước ngoài. Trước mắt tập trung vào các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Nga, Tây Âu và Bắc Âu, Úc, New Zealand, Đông Nam Á. Bên cạnh đó, Bắc Mỹ và Ấn Độ cũng hầu như mở hoàn toàn với du lịch quốc tế.

Tuy nhiên, một số thị trường khách truyền thống chưa thuận lợi khi mà Trung Quốc vẫn thực hiện chính sách "zero COVID". Khách Hàn sẵn sàng du lịch Việt Nam nhưng khi quay trở lại phải tự cách ly cũng chưa chắc thu hút được. Thị trường Nga trước đây dẫn đầu trong nhóm du khách châu Âu, nhưng nay với tình hình Nga - Ukraine, dự báo bị ảnh hưởng lớn.

Do đó, bộ chỉ đạo phải thay đổi cách tiếp cận, chuyển từ số lượng du khách sang chi phí của khách, tức là tăng thu nhập từ hoạt động du lịch chứ không đếm đầu khách. Phải làm sao để đưa ra những sản phẩm thu hút du khách chịu chi, ở lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn.


Khách Việt chi ngang ngửa khách Tây

* Còn với thị trường du lịch nội địa, chúng ta phải làm gì để du khách mạnh dạn du lịch nhiều hơn?

- Tôi khẳng định chúng ta phải đi lên bằng đôi chân của chính mình khi có lợi thế thị trường 100 triệu dân. Người Việt chúng ta có nhu cầu du lịch lớn, như trong dịp Tết vừa rồi người Việt du lịch rất sôi động, chúng ta chi tiêu ngang ngửa với khách Tây. Vấn đề là phải làm mới sản phẩm, phải an toàn và không chỉ an toàn về kiểm soát dịch.

Qua vụ tai nạn canô chở khách ở Quảng Nam, chúng ta phải đề cao hơn nữa vấn đề an toàn trong việc đưa đón du khách. Ngay kỳ nghỉ lễ 30-4 tới, nhiều du khách sẽ chọn du lịch biển đảo, do đó phải siết chặt hoạt động vận chuyển, tour tuyến. Phải tuyệt đối an toàn cho du khách.

* Nhiều DN vẫn canh cánh nỗi lo "mở - đóng" nên chưa mạnh tay để đầu tư, ông nói gì với họ?

- Chúng ta không thể đóng khi cả thế giới mở và ngược lại. Hiện Đảng và Nhà nước Việt Nam nhất quán về chủ trương, đặc biệt Chính phủ triển khai nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Chính phủ về phục hồi kinh tế, trong đó có phục hồi du lịch. Cho nên phương châm kinh tế an toàn hiệu quả là phương châm xuyên suốt.

Chúng ta tự tin Việt Nam là quốc gia có mức độ tiêm vắc xin cao hàng đầu, đã có thuốc chữa bệnh, tỉ lệ tử vong giảm mạnh. Một số quốc gia coi bệnh này là bệnh đặc hữu, Việt Nam dù chưa coi như thế nhưng chúng ta vẫn tự tin mở cửa và đối xử với du khách như với người dân Việt Nam. Đã có quy trình, nếu du khách mắc COVID-19 thì điều trị và bảo hiểm chi trả lên đến 200 triệu đồng. Chúng ta có những nền tảng để mở cửa an toàn và DN cũng tự tin để đón du khách trở lại bền vững.

Khách quốc tế trở lại sau khi Việt Nam mở cửa lại du lịch - Ảnh: TẤN LỰC


Những giải pháp hồi sinh ngành du lịch

* Việt Nam cần làm gì để mở cửa hiệu quả, cạnh tranh tốt, tránh đi vào vết xe đổ mở cửa không thành công của nhiều nước?

- Mở cửa du lịch, Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt giữa các quốc gia và điểm đến trên toàn cầu vốn đã có sự chuẩn bị, hỗ trợ tốt về chính sách. Ngành du lịch sẽ triển khai 6 nhóm giải pháp đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại, phục hồi và phát triển ngành du lịch giai đoạn tới.

Trong đó có: bảo đảm an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch; tăng cường hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch. Cụ thể, sẽ triển khai chiến dịch truyền thông tái khởi động du lịch nội địa "Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn" và chiến dịch "Live Fully in Vietnam" đối với du lịch quốc tế...

Tới đây, chúng ta sẽ có hội chợ du lịch tại Nhật Bản, Hàn Quốc gắn với các sự kiện kỷ niệm quan hệ ngoại giao. Đồng thời, Việt Nam sẽ quảng bá tinh hoa du lịch Việt ngay tại đại sứ quán Việt Nam ở các nước cũng như trên các website…


Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp

Hiện phần lớn các DN du lịch đã rơi vào tình trạng rất khó khăn, thậm chí là kiệt quệ. Do đó, bộ tiếp tục kiến nghị kéo dài các chính sách hỗ trợ DN hiện có ít nhất đến hết năm 2023 như: giảm giá điện, thuế VAT, tiền thuê đất, giảm phí cấp phép lữ hành và cấp thẻ hướng dẫn viên. Cũng sẽ hỗ trợ DN trong việc đa dạng hóa, xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn.

COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến 2,5 triệu lao động trong ngành với 800.000 lao động trực tiếp, trong đó nhiều người mất việc. Nguồn nhân lực du lịch suy giảm, vì vậy bộ đã ban hành Đề án phát triển nguồn nhân lực du lịch... Chúng tôi đã chỉ đạo Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch dành kinh phí cho hoạt động hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực. Quỹ này sẽ hỗ trợ DN và tổ chức về du lịch một phần kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho lao động…


Ông Nguyễn Tử Anh (giám đốc Công ty cổ phần truyền thông Nexus): Không trông chờ vào các giải thể thao lớn

Các sự kiện thể thao thường thu hút rất hiệu quả người dân và du khách cùng tham gia. Theo thống kê của các tổ chức thế giới, cứ 1 vận động viên chạy sẽ có 2,7 người đi cùng. Ngoài lực lượng vận động viên tham gia chạy thì còn có bạn bè, người thân, gia đình đi cùng cổ vũ, nên du lịch thể thao sẽ rất nhiều tiềm năng cho Việt Nam ngay sau dịch.

Trên thế giới, du lịch thể thao cực kỳ phát triển và ước tính chiếm tỉ trọng 10% trong "miếng bánh" du lịch. Trong khi tại Việt Nam, tỉ trọng này chỉ chiếm 1,7%. Nếu như khách Hàn Quốc, Nhật Bản thích khám phá du lịch văn hóa thì luồng khách châu Âu, Bắc Mỹ lại rất thích hoạt động vận động thể thao, trải nghiệm cảm giác mạnh. Nhiều du khách quan tâm chọn điểm đến du lịch đó thì có được chơi môn thể thao gì, có hoạt động gì.

Ở tầm quốc gia, Việt Nam không thể chỉ trông chờ vào các sự kiện thể thao, giải đấu mang tính luân phiên vì những giải đấu chuyên nghiệp cần sự đầu tư hạ tầng rất lớn. Chúng ta có thể tận dụng lợi thế về thiên nhiên để tổ chức các sự kiện thể thao du lịch mang tính quần chúng cao hơn để thu hút du khách.

Lợi thế của Việt Nam là thiên nhiên đa dạng, cảnh quan đẹp đẽ thì có thể tổ chức các giải chạy bộ, leo núi, đua xe đạp địa hình… hoặc một môn thi đấu rất được quốc tế quan tâm hiện nay là đua thuyền mà hệ thống sông nước của Việt Nam rất phù hợp.


Ông Trần Thế Dũng (phó tổng giám đốc Công ty du lịch Thế Hệ Trẻ): Cần đòn bẩy giảm thuế để giải tỏa tâm lý

Chúng ta đã mở cửa du lịch với nhiều quy định, điều kiện cho du khách lên đường được dỡ bỏ. Tuy nhiên, tâm lý chung của du khách vẫn chưa thực sự được giải tỏa. Chúng ta cần có biện pháp tăng sức mua cho du khách như giảm thuế thu nhập cá nhân, giảm thuế VAT… nhiều hơn nữa. Thị trường vẫn cần những đòn bẩy này để người dân mạnh dạn chi tiêu hơn cho du lịch sau hai năm nhiều khó khăn.

Gần đây, khi du lịch hơi "nóng" trở lại, các doanh nghiệp lữ hành gặp ngay tình trạng giá vé máy bay thiếu ổn định, hãng hàng không tăng giá vé lũy tiến khiến giá tour khó ổn định. Trong quá trình hồi phục, du lịch cũng không thể thiếu sự liên kết, điều hành từ cơ quan quản lý.


N.BÌNH


Những chuyến bay quốc tế đầu tiên trở lại Đà Nẵng

Ngày 27-3, hai chuyến bay đầu tiên kết nối Đà Nẵng với Singapore và Thái Lan đã hoạt động trở lại, đánh dấu sự trở lại của dòng khách quốc tế vào TP này sau chủ trương mở cửa du lịch quốc tế. Những du khách trên chuyến bay đầu tiên đặt chân đến Đà Nẵng được lãnh đạo và ngành du lịch TP chào đón long trọng.

Không chỉ có du khách quốc tế đến Đà Nẵng, ở chiều ngược lại, du khách người Việt Nam và người nước ngoài cũng đến sân bay làm thủ tục xuất ngoại rất đông đúc. Ngoài mục đích du lịch còn có nội dung thăm thân nhân, du học…

Cùng ngày, chuyến bay đầu tiên kết nối Đà Nẵng và Thái Lan số hiệu VZ 960 hành trình Bangkok - Đà Nẵng của Thai Vietjet cũng đã hạ cánh xuống Đà Nẵng với khoảng 150 khách.

Ông Trần Phước Sơn, phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho hay TP đặt mục tiêu đến năm 2023 sẽ khôi phục các đường bay đã khai thác trong năm 2019. Trong năm 2022 đăng cai tổ chức thành công Diễn đàn Phát triển đường bay châu Á để thu hút các hãng hàng không, công ty lữ hành về Đà Nẵng tìm kiếm cơ hội mở rộng mạng bay quốc tế. Trong dịp kỷ niệm Ngày giải phóng Đà Nẵng 29-3 tới sẽ có rất nhiều hoạt động khởi động lại ngành du lịch và việc kích cầu du lịch sẽ xuyên suốt mùa hè năm 2022.


6 giải pháp hồi sinh ngành du lịch

1. Bảo đảm an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch.

2. Tăng hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch. Với khách nội địa có "Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn", với khách quốc tế có chiến dịch "Live Fully in Vietnam"; quảng bá tinh hoa du lịch Việt ngay tại đại sứ quán Việt Nam ở các nước cũng như trên các website.

3. Phát triển đa dạng sản phẩm du lịch.

4. Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch.

5. Hỗ trợ DN đẩy nhanh quá trình phục hồi, tiếp tục rà soát và kiến nghị các chính sách hỗ trợ…

6. Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi.

Ngay khi có thông tin kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay sẽ kéo dài trong 4 ngày, các doanh nghiệp lữ hành, đơn vị lưu trú đã có chuyển động sớm, du lịch kỳ vọng sẽ có dịp "bùng nổ" sau thời gian dài.

Chia sẻ Facebook