Hội nghị Thượng đỉnh BRICS và xu hướng phi USD “không thể đảo ngược”

Chia sẻ Facebook
23/08/2023 23:52:48

Cùng nhau, các nước BRICS tạo nên 1/4 nền kinh tế toàn cầu, chiếm 1/5 thương mại toàn cầu và là nơi sinh sống của hơn 40% dân số thế giới.


Các nhà lãnh đạo của các nền kinh tế mới nổi BRICS – Brazil, Nga, Ấn Độ , Trung Quốc và Nam Phi – đã nhấn mạnh sức mạnh kinh tế của khối và kêu gọi hội nhập sâu rộng hơn.


Các bình luận được đưa ra trong ngày đầu tiên của Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 15 của nhóm tại Johannesburg hôm 22/8. Cuộc hội ngộ của các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ sẽ kéo dài đến ngày 24/8.


“Những thay đổi diễn ra trong các nền kinh tế BRICS trong thập kỷ qua đã làm được nhiều để thay đổi hình dạng của nền kinh tế toàn cầu”, Tổng thống nước chủ nhà Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết tại Diễn đàn Kinh tế của Hội nghị Thượng đỉnh.


Nhà lãnh đạo Nam Phi lưu ý rằng khối này “tồn tại không chỉ để tăng cường mối quan hệ giữa chính phủ với chính phủ mà còn để củng cố mối quan hệ bền chặt hơn giữa người dân 5 quốc gia của chúng ta”.


Mở rộng vì hòa bình và phát triển


Tại hội nghị, chủ đề mở rộng khối BRICS đã được nêu ra và được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping) nhiệt tình ủng hộ. Bắc Kinh đã dồn sức vào kế hoạch mở rộng BRICS nhằm tìm cách khẳng định ảnh hưởng chính trị và kinh tế của mình trên trường toàn cầu.

Từ trái sang: Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ảnh: Twitter MEAIndia


Hội nghị Thượng đỉnh này không nhằm mục đích yêu cầu các nước đứng về phía nào, mà kêu gọi mở rộng vì hòa bình và phát triển, ông Tập cho biết trong bài phát biểu do Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào (Wang Wentao) thay mặt ông đọc.


“Chủ nghĩa bá quyền không có trong DNA của Trung Quốc”, ông Tập nói. Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đến Nam Phi hôm 21/8, nhưng đã không dự Diễn đàn Kinh tế BRICS trong khuôn khổ hội nghị. Chưa có bất kỳ lời giải thích chính thức nào được đưa ra.


“Chúng tôi sẽ củng cố quan hệ đối tác chiến lược BRICS mạnh mẽ hơn. Chúng tôi sẽ mở rộng mô hình BRICS+, tích cực thúc đẩy mở rộng thành viên, tăng cường đoàn kết và hợp tác với các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển khác”, nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh.


“Bất kể có thể có sự kháng cự nào, BRICS, một lực lượng thiện chí tích cực và ổn định, sẽ tiếp tục phát triển”, ông nói. “Chúng tôi sẽ xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược BRICS mạnh mẽ hơn, tích cực thúc đẩy việc mở rộng thành viên và giúp làm cho trật tự quốc tế trở nên công bằng và bình đẳng hơn”.


Trung Quốc là nền kinh tế hùng mạnh nhất BRICS, và chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tập Cận Bình tới Nam Phi là chuyến công du quốc tế thứ hai của ông trong năm nay. Trong chuyến công du trước đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tới thủ đô Moscow hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.


Xu hướng “không thể đảo ngược”


Ngoài vấn đề mở rộng, việc thúc đẩy sử dụng đồng nội tệ của các quốc gia thành viên trong các giao dịch thương mại và tài chính để giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD cũng nằm trong chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh.


Trong bài phát biểu trực tuyến của mình, Tổng thống Nga Putin cho biết việc từ bỏ đồng USD trong các giao dịch giữa Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi là xu hướng “không thể đảo ngược”.


“Quá trình phi đô la hóa một cách khách quan, không thể đảo ngược trong các mối quan hệ kinh tế của chúng ta đang đạt được động lực”, ông Putin nói.


“Kết quả là tỉ lệ đồng USD trong giao dịch xuất nhập khẩu trong khối BRICS đã giảm. Năm ngoái, con số này lên tới 28,7%”, Tổng thống Nga nói, nhấn mạnh quá trình “phi đô la hóa” các nền kinh tế của khối, điều mà ông muốn thúc đẩy thông qua thương mại bằng đồng nội tệ của các nước thành viên.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trực tuyến tới Hội nghị Thượng đỉnh BRICS diễn ra ở Nam Phi, ngày 22/8/2023. Ảnh: Getty Images


Nhà lãnh đạo Nga cũng cho biết, 5 nước BRICS đang vượt qua G7 – nhóm 7 nền kinh tế hàng đầu thế giới – “về sức mua tương đương”, và BRICS đang trên đà đáp ứng nguyện vọng của hầu hết người dân thế giới.


“Chúng ta hợp tác dựa trên các nguyên tắc bình đẳng, hỗ trợ quan hệ đối tác và tôn trọng lợi ích của nhau và đây là bản chất của lộ trình chiến lược định hướng tương lai của khối, một lộ trình đáp ứng nguyện vọng của đa số toàn cầu”, ông Putin nói.


Tổng thống Nga Putin không dự trực tiếp Hội nghị Thượng đỉnh ở Johannesburg để tránh tình huống khó xử cho nước chủ nhà Nam Phi khi lệnh bắt giữ của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đối với ông vẫn treo lơ lửng.


Hội nghị Thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg nhấn mạnh khoảng trống trong nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Nga vì cuộc chiến ở Ukraine.


Trong số các nước thành viên BRICS, Nam Phi, Trung Quốc và Ấn Độ chưa lên án chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, trong khi Brazil từ chối cùng các quốc gia phương Tây gửi vũ khí tới Ukraine hoặc áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Moscow.


Đàm phán trên cơ sở bình đẳng


Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva cũng có mặt tại cuộc hội đàm và mời khoảng 50 nhà lãnh đạo khác.


Đại diện cho 40% dân số thế giới, các quốc gia BRICS có chung mong muốn về một trật tự toàn cầu mà họ coi là phản ánh tốt hơn lợi ích và ảnh hưởng ngày càng tăng của họ.


“Chúng tôi không muốn trở thành đối trọng với G7, G20 hay Mỹ”, ông Lula da Silva cho biết trong một buổi phát sóng trên mạng xã hội từ Johannesburg hôm 22/8. “Chúng tôi muốn ngồi vào bàn đàm phán trên cơ sở bình đẳng với Liên minh châu Âu (EU), Mỹ hoặc bất kỳ quốc gia nào khác”.

Tổng thống Brazil Lula Da Silva gặp lãnh đạo Đại hội dân tộc châu Phi (ANC) bên lề Hội nghị Thượng đỉnh BRICS ở Nam Phi, ngày 22/8/2023. Ảnh: IOL


Chủ đề của Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 15 là “BRICS và Châu Phi”, được đưa ra khi lục địa này nổi lên như một chiến trường ngoại giao mới với Mỹ, Nga và Trung Quốc đang tranh giành ảnh hưởng.


Khối bắt đầu với 4 quốc gia vào năm 2009 nhưng đã mở rộng vào năm sau với việc bổ sung thêm Nam Phi.


Khoảng 40 quốc gia từ khắp “Nam Bán cầu” – một thuật ngữ rộng ám chỉ các quốc gia bên ngoài phương Tây – đã bày tỏ quan tâm đến việc gia nhập BRICS, theo chính phủ Nam Phi, trong đó 23 quốc gia đã chính thức bày tỏ nguyện vọng, bao gồm Argentina, Iran, Ả Rập Xê-út, Bolivia, Cuba, Honduras, Venezuela, Algeria và Indonesia.


“Điều này cho thấy rằng gia đình BRICS đang ngày càng phát triển về tầm quan trọng, tầm vóc và cả tầm ảnh hưởng trên thế giới”, Tổng thống Nam Phi Ramaphosa cho biết .


Minh Đức (Theo TRT World, La Prensa Latina)

Chia sẻ Facebook