Hội nghị Thượng đỉnh BRICS: Mỗi quốc gia một “tâm sự”
5 quốc gia BRICS – Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – mỗi quốc gia đều có những mục tiêu cụ thể nhằm mở rộng ảnh hưởng của bản thân.
Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Sandton ở Johannesburg, Nam Phi hôm 22/8, với sự tham dự của lãnh đạo các nước thành viên, bao gồm Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống nước chủ nhà Nam Phi Cyril Ramaphosa.
Tổng thống Nga Vladimir Putin không dự trực tiếp hội nghị nhưng sẽ có bài phát biểu trực tuyến và ủy quyền cho nhà ngoại giao hàng đầu của mình làm đại diện.
Ông Ramaphosa cũng đã gửi lời mời tới hơn 60 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ các nước châu Phi và các quốc gia đang phát triển từ các khu vực khác trên thế giới. Hội nghị Thượng đỉnh sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 22-24/8.
Vào ngày cuối cùng của hội nghị, một cuộc họp theo hình thức “Những người bạn của BRICS” sẽ được tổ chức.
Năm quốc gia BRICS – Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – mỗi quốc gia sẽ thúc đẩy một chương trình nghị sự của riêng mình tại Hội nghị Thượng đỉnh để đạt được các mục tiêu chính sách đối ngoại và mở rộng ảnh hưởng của bản thân trong nhóm và trên toàn cầu.
Theo các chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), các nước BRICS đã có những mục tiêu cụ thể cho Hội nghị Thượng đỉnh thường niên của nhóm này.
Nam Phi có kế hoạch nhằm củng cố vai trò dẫn đầu của mình ở lục địa châu Phi; Nga hy vọng sẽ thu hút được sự ủng hộ cho chiến dịch của mình ở Ukraine, trong khi Trung Quốc có ý định thúc đẩy việc mở rộng hơn nữa nhóm này để khẳng định ảnh hưởng của mình đối với các quốc gia ở Trung Đông và Nam Á.
Mặt khác, Ấn Độ đặt mục tiêu đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc trong nhóm bằng cách duy trì vai trò lãnh đạo của mình ở Nam Bán cầu. Và Brazil, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Lula da Silva, sẽ nỗ lực chấm dứt tình trạng bị cô lập trên toàn cầu của đất nước và khôi phục vị thế là một cường quốc thế giới.
Khẳng định vị trí lãnh đạo ở “lục địa đen”
Nam Phi đang tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 15 của nhóm BRICS tại thành phố Johannesburg, với chủ đề “BRICS và châu Phi: Quan hệ đối tác vì Tăng trưởng nhanh, Phát triển bền vững và Chủ nghĩa đa phương bao trùm”.
Một phần ý nghĩa của việc trở thành quốc gia chủ nhà là khẳng định “vị trí lãnh đạo của khối châu Phi trên trường quốc tế” và thể hiện rằng đây là một trong những “nền kinh tế có hiệu quả nhất trên lục địa đen”, ông Mvemba Phezo Dizolele, Giám đốc Chương trình châu Phi của CSIS, cho biết trong một cuộc thảo luận nhóm với các chuyên gia BRICS vào tuần trước.
Ông Dizolele cho biết, Nam Phi cũng sẽ rất “nhiệt tình” tiếp tục thảo luận về một loại tiền tệ chung cho thương mại xuyên biên giới giữa các nước BRICS.
Theo ông Dizolele, Hội nghị Thượng đỉnh BRICS diễn ra trong bối cảnh quốc gia châu Phi đang đối mặt những căng thẳng với Mỹ về những cáo buộc rằng họ đang cung cấp vũ khí cho Moscow. Các cáo buộc nảy sinh sau khi một tàu Nga được nhìn thấy ở vùng biển Nam Phi được cho là mang vũ khí và tại một sự kiện khác, một máy bay Nga được phát hiện hạ cánh ở Nam Phi, được cho là đã thu gom vũ khí.
Trong khi đó, lập trường của quốc gia châu Phi về xung đột ở Ukraine – không lên án Nga – sẽ vẫn là một phần quan trọng của các cuộc thảo luận, khi các đại diện của Liên Hợp Quốc dự kiến sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh này.
Cơ hội thể hiện sức mạnh và ảnh hưởng
Trung Quốc coi BRICS là một cách để mở rộng ảnh hưởng của mình trên toàn cầu, vì Hội nghị Thượng đỉnh thường niên của khối mang đến cơ hội duy nhất để tăng cường hợp tác và thúc đẩy quan hệ thương mại giữa các nền kinh tế mới nổi.
“Chúng tôi đã thấy những dấu hiệu và tuyên bố ngày càng tăng từ Bắc Kinh rằng họ chắc chắn muốn thấy BRICS mở rộng”, ông Brian Hart, một thành viên của Dự án Quyền lực Trung Quốc của CSIS, cho biết. “Từ quan điểm của Trung Quốc, việc mở rộng BRICS để bao gồm các nước đang phát triển khác sẽ mang lại cho họ nhiều cơ hội hơn để thể hiện sức mạnh và ảnh hưởng của mình ở các khu vực quan trọng”.
Theo ông Hart, Bắc Kinh cũng sẽ cố gắng thuyết phục các thành viên BRICS chống lại Washington, đặc biệt là về vấn đề trừng phạt đơn phương, trọng tâm chính của cả Trung Quốc và Nga trong cuộc chiến chống lại ảnh hưởng của Mỹ.
Bắc Kinh coi BRICS là “cơ hội để đạt được một số đòn bẩy trên toàn cầu trong việc đẩy lùi Mỹ”, ông Hart nói.
Một phần quan trọng trong chương trình nghị sự của Bắc Kinh cũng sẽ là tăng cường quan hệ Trung Quốc-Nam Phi và mở rộng sự hiện diện của gã khổng lồ châu Á trên “lục địa đen”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước và gặp Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa bên lề Hội nghị Thượng đỉnh BRICS.
Duy trì lập trường thận trọng
Phần lớn chương trình nghị sự của Ấn Độ cho Hội nghị Thượng đỉnh BRICS sẽ trái ngược với chương trình của Trung Quốc khi cả hai cường quốc kinh tế đều tìm cách thiết lập ảnh hưởng ở Nam Bán cầu.
“Ấn Độ sẽ khó có khả năng ủng hộ bất kỳ đề xuất quan trọng nào thực sự gây khó chịu cho Mỹ hoặc các đồng minh của Washington”, bà Katherine Hadda, chuyên gia về Ấn Độ của CSIS, cho biết.
Do đó, Ấn Độ cũng được cho là sẽ giữ lập trường “thờ ơ” đối với ý tưởng về một loại tiền tệ chung của BRICS, bà Hadda nói.
Đối với việc kết nạp thêm thành viên, các chuyên gia kỳ vọng Ấn Độ sẽ ủng hộ các tuyên bố tại Hội nghị Thượng đỉnh liên quan đến việc mở rộng BRICS. Tuy nhiên, Delhi sẽ duy trì lập trường thận trọng để đảm bảo BRICS không chịu quá nhiều ảnh hưởng của Trung Quốc, bà Hadda nhận định.
Bà cho biết Ấn Độ đang ở một vị thế tốt để đàm phán bất kỳ thỏa thuận nào tại BRICS do nền kinh tế đang phát triển và mối quan hệ chặt chẽ với phương Tây.
“Ấn Độ có một số lợi thế đàm phán tại Hội nghị Thượng đỉnh. Họ có quan hệ đối tác mà các thành viên BRICS, đặc biệt là Trung Quốc và Nga, hiện không có, chẳng hạn như với Mỹ và các đối tác khu vực khác”.
Thúc đẩy các mục tiêu dễ đạt được hơn
Thay vì đạt được các mục tiêu kinh tế đầy thách thức, chẳng hạn như một đồng tiền chung, Nga sẽ thúc đẩy các mục tiêu chính trị “dễ đạt được hơn nhiều” và những mục tiêu đó có thể được đơn giản hóa thông qua liên minh BRICS, theo bà Maria Snegovaya, chuyên gia về Nga và Âu-Á của CSIS.
“Nga sẽ cố gắng sử dụng nó (Hội nghị Thượng đỉnh BRICS) trong nỗ lực tuyên truyền của mình, cố gắng thúc đẩy lợi ích của Nga ở Ukraine, đặc biệt là trong bối cảnh hội nghị hòa bình quốc tế do Ukraine dẫn đầu mới diễn ra ở Jeddah, Ả Rập Xê-út cách đây không lâu, đặc biệt tập trung vào việc tiếp cận Nam Bán cầu và tìm kiếm một kết thúc hòa bình cho xung đột Nga-Ukraine”, bà Snegovaya cho biết tại một cuộc thảo luận của nhóm BRICS.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov, đại diện cho Tổng thống Nga Putin tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS, dự kiến sẽ thu hút sự ủng hộ đối với lập trường của Nga về cuộc xung đột ở Ukraine, đặc biệt là từ các nước châu Phi, nhiều nước trong số đó đã thể hiện sự ủng hộ đối với Moscow.
Nga dự kiến sẽ hỗ trợ mở rộng khối để chống lại ảnh hưởng toàn cầu đang gia tăng của Mỹ. Một chủ đề chính trong chương trình nghị sự của Nga cũng sẽ là thúc đẩy quan hệ thương mại với Nam Phi, bằng cách tăng đầu tư vào quốc gia châu Phi này, theo bà Snegovaya.
“Vẫn còn sự hợp tác kinh tế khá tích cực đang được dần lộ rõ giữa Nga và một số công ty và tổ chức Nam Phi”, bà nói.
Mong muốn đánh bại sự thống trị của đồng USD
Đối với Brazil, Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần này là cơ hội để lấy lại “hào quang” của mình với tư cách là một nhà lãnh đạo thế giới nghiêm túc và thúc đẩy chính sách đối ngoại tự chủ, không phụ thuộc vào ảnh hưởng của Mỹ.
Theo ông Ryan Berg, chuyên gia về châu Mỹ của CSIS, Brazil dự kiến sẽ tạo ra một cú hích lớn đối với một loại tiền tệ mới của BRICS và sự mở rộng của khối.
“Tổng thống Brazil Lula da Silva đã thực hiện một chuyến công du vòng quanh thế giới ngoại giao, tại mỗi điểm dừng chân ở Nam Bán cầu, dường như ông ấy đều đề cập đến mong muốn đánh bại sự thống trị của đồng USD và chuyển sang giao dịch bằng các loại tiền tệ khác”, ông Berg nói.
Tổng thống Brazil Lula da Silva và Đệ nhất phu nhân tới Johannesburg, Nam Phi, ngày 21/8/2023, chuẩn bị tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS (22-24/8/2023). Ảnh: Africa News
Tuy nhiên, khi nói đến việc mở rộng BRICS, ông Lula lại tỏ vẻ không mặn mà. Theo ông, Bộ Ngoại giao Brazil phản đối điều này vì họ sợ mất quyền lợi thành viên do sự mở rộng.
Trong nỗ lực trở thành một bên tham gia nghiêm túc trên thế giới một lần nữa, Brazil cũng hy vọng có thể đóng vai trò trung gian hòa giải trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, mặc dù nước này có rất ít ảnh hưởng ở khu vực đó của thế giới.
Theo ông Berg, Brazil có thể định vị mình là một cường quốc nông nghiệp tại Hội nghị Thượng đỉnh sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen do LHQ làm trung gian.
Nhìn chung, lập trường của quốc gia Nam Mỹ về Hội nghị Thượng đỉnh phù hợp với tư thế đối ngoại mà Brazil thể hiện với thế giới, báo trước sự khởi đầu của một kỷ nguyên đa cực mới, vị chuyên gia về châu Mỹ cho biết .
Minh Đức (Theo Al Arabiya, TASS)