Hội nghị COP27: Sự chờ đợi của các nạn nhân biến đổi khí hậu

Chia sẻ Facebook
07/11/2022 15:38:11

Hội nghị COP27 đang diễn ra tại Ai Cập, với những kỳ vọng làm thay đổi số phận những nạn nhân của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.


Năm 2022 đã chứng kiến những hiện tượng biến đổi khí hậu dị thường trên khắp thế giới - từ lũ lụt khiến 1/3 diện tích Pakistan ngập trong biển nước, mùa hè nóng nhất châu Âu trong 500 năm cho đến các trận cuồng phong và bão có sức tàn phá khủng khiếp đổ bộ vào Philippines, Cuba và bang Florida, Mỹ.


Những vấn đề này sẽ được đem ra bàn thảo khi các nhà lãnh đạo thế giới tập trung tại Sharm El-Sheikh, Ai Cập để tham dự Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 27) từ ngày 6 - 18/11. Tài chính khí hậu được xem là vấn đề then chốt trong chương trình nghị sự Hội nghị COP27 này.

Năm 2022 đã chứng kiến những hiện tượng biến đổi khí hậu dị thường trên khắp thế giới. (Ảnh: Reuters)


Biến đổi khí hậu đối với khu vực châu Phi

Sau một năm khí hậu khắc nghiệt ảnh hưởng đến các cộng đồng từ Florida (Mỹ) đến Pakistan và Puerto Rico, áp lực giảm lượng khí thải carbon đang ngày càng gia tăng. Đối với trưởng bộ phận khí hậu mới của Liên hợp quốc, ông Simon Stiell, đây là một cuộc chiến lớn. Vai trò trước đây của ông là Bộ trưởng Môi trường và Khí hậu trên đảo quốc Grenada nhỏ bé. Ông bắt đầu công việc của mình với tư cách là thư ký điều hành của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu chỉ vài tuần trước.

Ông Stiell nói rõ về những thách thức phía trước: "Mỗi kỳ COP đều mang yếu tố quyết định. Mỗi kỳ COP đều có giá trị và sẽ đưa chúng ta tiến gần hơn một bước hoặc nhiều bước tới mục tiêu giảm một nửa lượng khí thải vào năm 2030." Giờ đây, nhiệm vụ của ông là đảm bảo thế giới cắt giảm khoảng một nửa lượng khí thải carbon. Đây chính là nguyên nhân khiến các thảm họa thời tiết xảy ra ngày càng thường xuyên hơn.

Tiến sĩ Tara Shine là Giám đốc điều hành của Change by Degrees, một công ty tư vấn về khí hậu. Là một nhà khoa học môi trường, bà cũng từng là thành viên nhóm khí hậu của Liên hợp quốc. Bà nhận định, COP27 mang đến một cảm giác cấp bách rằng hội nghị lần này cần đạt được một số bước tiến nhất định.

"Tôi đã tham dự COP từ năm 2003 và luôn đặt nhiều kỳ vọng vào hội nghị, mặc dù tôi biết rằng để có được sự đồng thuận của 190 quốc gia không phải là việc dễ dàng. Nhưng năm nay, với những tác động của biến đổi khí hậu đang diễn ra trên khắp thế giới, và cũng là sự kiện được tổ chức tại Châu Phi, vấn đề sẽ càng được lưu tâm hơn nữa, đặc biệt ở khu vực Sừng châu Phi. Tôi nghĩ COP 27 sẽ thực sự cấp bách, và đó là những gì tôi mong đợi các nhà lãnh đạo của chúng ta sẽ bàn thảo"

Đông Phi là khu vực bị ảnh hưởng bởi hạn hán nghiêm trọng nhất thế giới, theo cơ quan chống sa mạc hóa của Liên hợp quốc. Tháng 9 vừa qua chứng kiến Somalia bị tàn phá bởi đợt hạn hán đáng báo động nhất trong hơn nửa thế kỷ qua khi người dân phải rời bỏ nhà cửa và động vật cũng không còn nơi trú ngụ. Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, hàng nghìn người Somalia đã thiệt mạng, trong đó có gần 900 trẻ em dưới 5 tuổi.

Vấn đề này khiến tài chính khí hậu trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Somali chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. (Ảnh: Reuters)


Tài chính khí hậu

Trưởng bộ phận khí hậu mới của Liên hợp quốc, ông Simon Stiell, sẽ cần thuyết phục các nước phát triển giúp đỡ các quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu hơn. "Nếu chúng ta không giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, nếu chúng ta không thực hiện các biện pháp cần thiết để hạn chế sự gia tăng nhiệt độ, thì chúng ta sẽ phải nỗ lực hơn nữa, đầu tư nhiều hơn nữa vào việc thích ứng với một hành tinh đang nóng lên. Và khi chúng ta vượt quá giới hạn, mà việc này đang xảy ra rồi, sẽ có nhiều mất mát và thiệt hại hơn. Chi phí đầu tư bổ sung để khắc phục tình hình. Những thiệt hại về nhân mạng. Và yếu tố liên kết tất cả những điều đó là tài chính," ông nói.

Dữ liệu cho thấy các quốc gia giàu có, đặc biệt là Mỹ, thải ra lượng khí CO2 từ đốt than, dầu và khí tự nhiên nhiều hơn. Trong khi đó, các quốc gia nghèo như Pakistan và Puerto Rico lại bị tổn thương nhiều hơn do tỷ lệ phát thải carbon toàn cầu từ các nước phát triển.

Mất mát và thiệt hại do thiên tai ngày càng gia tăng mỗi năm qua đi. Nhưng các quốc gia giàu có thường không thể đàm phán chi tiết về việc chi trả cho các thảm họa khí hậu là hậu quả của những hành vi phát thải của họ trong quá khứ, như trận lụt ở Pakistan vào mùa hè này.

Pakistan đã trải qua nạn lụt kinh hoàng trong năm 2022. (Ảnh: Reuters)

"Làm thế nào để họ phục hồi sau thảm họa đó? Chính phủ không thể đưa ra các phương án dự phòng để phục hồi thỏa đáng sau một thảm họa lớn như vậy mà cần có sự hỗ trợ từ bên ngoài"

"Nếu các nước đang phát triển tiếp tục đầu tư cho nỗ lực chống biến đổi khí hậu trong dài hạn và ngắn hạn, thì họ cần thấy những nguồn vốn đó chảy từ các nước phát triển, những người có trách nhiệm lịch sử lớn hơn đối với các nguyên nhân của biến đổi khí hậu. Cần phải có nguồn lực, sự hỗ trợ, công nghệ, nâng cao năng lực. Và điều thực sự quan trọng đối với tất cả chúng ta là hãy lưu ý rằng, không một quốc gia nào có thể một mình tìm đường thoát khỏi cuộc khủng hoảng này. Đó là một nỗ lực hợp tác. Chúng ta phải làm việc đoàn kết với tất cả các quốc gia. Và điều đó có nghĩa là những nước giàu hơn phải hỗ trợ những nước có ít phương tiện hơn để thực hiện thay đổi"

Các quốc gia phát triển trước đã từng cam kết chi 100 tỷ USD mỗi năm để viện trợ cho các quốc gia nghèo nhằm giúp họ thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển các hệ thống năng lượng sạch hơn. Tuy nhiên, những cam kết đó chưa được thực hiện đầy đủ.

"Ý nghĩa tài chính của việc này là rất quan trọng. Nhưng cần có các cuộc trao đổi để tìm ra giải pháp làm hài lòng các nhà tài trợ về mức hỗ trợ cần thiết. Những hỗ trợ đó phải đầy đủ để một lần nữa đáp ứng nhu cầu của các quốc gia dễ bị tổn thương và gắn kết các bên lại với nhau. Cần có các cuộc đối thoại mang tính xây dựng với những giải pháp hữu hình"

Tài chính khí hậu có ý nghĩa quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. (Ảnh: Reuters)


Mục tiêu dài hạn cho khí hậu


Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris, Pháp, đã nhất trí với mục tiêu hạn chế hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và một cơ chế yêu cầu các quốc gia tăng mục tiêu cắt giảm lượng khí thải 5 năm một lần. Tại COP27 lần này, mục tiêu được đặt ra là đến năm 2030, có thể giảm lượng khí ô nhiễm đáng kể để giữ nhiệt độ không tăng quá 1,5 độ C.

Các chuyên gia cho rằng, các nhà lãnh đạo thế giới nên rút ra bài học từ việc ứng phó với đại dịch COVID-19 cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

"Chúng ta thực sự phải xem xét cuộc chiến chống biến đổi khí hậu một cách nghiêm túc và hành động như thể đó là trường hợp khẩn cấp. Giờ đây, chúng ta đã có kinh nghiệm thực tế về điều gì xảy ra khi cả thế giới chung tay giải quyết một cuộc khủng hoảng như đại dịch COVID-19. Chúng tôi cần thấy một phản ứng như vậy về ứng phó với khủng hoảng khí hậu," Tiến sĩ Tara Shine bày tỏ quan điểm.

Chia sẻ Facebook