Hội đồng Nhân quyền LHQ thông qua nghị quyết Việt Nam đề xuất
Khóa họp thứ 50 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc bế mạc ngày 8-7 với 23 nghị quyết được thông qua, trong đó có nghị quyết về biến đổi khí hậu và quyền con người do Việt Nam cùng Bangladesh, Philippines soạn thảo và đề xuất.
Theo Bộ Ngoại giao ngày 9-7, đ oàn Việt Nam do trợ lý bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt dẫn đầu đã tích cực tham dự kỳ họp.
Trong đó, Việt Nam cùng với Bangladesh và Philippines đồng tổ chức phiên thảo luận chuyên đề về đảm bảo quyền của các nhóm dễ bị tổn thương trong biến đổi khí hậu.
Với nỗ lực đề xuất, soạn thảo và vận động của Việt Nam cùng các phái đoàn Bangladesh và Philippines, ngày 7-7 Hội đồng Nhân quyền đồng thuận thông qua nghị quyết năm 2022 về biến đổi khí hậu và quyền con người, tập trung vào quyền lương thực và biến đổi khí hậu.
Đây là nghị quyết được Việt Nam giới thiệu hằng năm về biến đổi khí hậu và quyền con người, với trọng tâm mỗi năm tập trung vào từng nhóm cụ thể như quyền trẻ em, quyền sức khỏe, quyền của người di cư, quyền phụ nữ… khi khí hậu biến đổi.
Khóa họp 50 của Hội đồng Nhân quyền diễn ra từ ngày 13-6 đến ngày 8-7 theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến, trong đó có 1 phiên thảo luận khẩn cấp về tình hình nhân quyền của phụ nữ và trẻ em gái tại Afghanistan.
Trong thời gian diễn ra kỳ họp, Việt Nam tổ chức "Triển lãm ảnh về các cộng đồng dân tộc và tôn giáo tại Việt Nam: Hòa hợp trong đa dạng" tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Geneva (Thụy Sĩ).
Triển lãm khai mạc ngày 28-7 đúng vào ngày Gia đình Việt Nam và đón tiếp nhiều đại sứ, trưởng phái đoàn và đại diện các nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tại Geneva.
Theo phái đoàn Việt Nam tại Geneva, triển lãm không chỉ nhằm giúp các nước hiểu thêm về các dân tộc Việt Nam mà còn thông qua đó cho thấy những nỗ lực của Việt Nam trong bảo vệ và phát huy bản sắc dân tộc, bảo đảm tự do tôn giáo, tín ngưỡng.
Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc gồm 47 quốc gia thành viên được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc bầu vào với tư cách đại diện nhóm quốc gia theo phân vùng địa lý. Mỗi nhiệm kỳ của thành viên kéo dài 3 năm.
Trưởng Phái đoàn các nước Cộng đồng Pháp ngữ đã có cuộc gặp với Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres để trao đổi về các vấn đề toàn cầu. Ông Guterres đánh giá cao cam kết mạnh mẽ và hành động khẩn trương của Việt Nam.