Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc: Một đồng thuận khó khăn

Chia sẻ Facebook
09/05/2022 01:06:39

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cũng đã "nói cùng một giọng về hòa bình ở Ukraine", với tuyên bố chung đầu tiên được thông qua kể từ khi cuộc chiến nổ ra, song vẫn còn quá nhiều việc phải làm.

Bức tranh tường ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc của họa sĩ người Na Uy Per Krohg mô tả chim phượng hoàng hồi sinh từ tro tàn của chiến tranh và đau khổ - Ảnh: Royalcourt.no

"Như tôi thường nói, thế giới phải đoàn kết để làm im tiếng súng và gìn giữ những giá trị của Hiến chương Liên Hiệp Quốc" - ông António Guterres nói sau khi tuyên bố chung được thông qua ngày 6-5, theo trang chủ UN.ORG.

Tuyên bố đó, được cả Nga chuẩn thuận, bày tỏ "quan ngại sâu sắc với việc duy trì hòa bình và an ninh của Ukraine", cũng như ủng hộ những nỗ lực của Liên Hiệp Quốc nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình. Dự thảo tuyên bố do Na Uy và Mexico khởi thảo và đề xuất.


Không "xâm lược", chỉ "bất đồng"

Tuy nhiên, như nhiều tuyên bố khác trước đó của Liên Hiệp Quốc, đây có thể lại chỉ là một động thái có ý nghĩa tượng trưng nữa thay vì tạo ra những thay đổi thật sự ở thực địa. Ngay từ trong câu chữ của một văn bản khá mang tính hình thức, các bên cũng đã cho thấy sự bất đồng sâu sắc.

Toàn bộ tuyên bố không hề nói tới "chiến tranh", "xâm lược" hay thậm chí là "xung đột", mà chỉ là "bất đồng" (dispute, theo bản tiếng Anh).

Tuần trước, ông Guterres đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Matxcơva và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ở Kiev.

Chuyến thăm mở đường cho các chiến dịch chung của Liên Hiệp Quốc và Hội Chữ thập đỏ quốc tế nhằm sơ tán khoảng 500 thường dân khỏi thành phố cảng Mariupol và Nhà máy thép Azovstal đang bị Nga vây hãm.

Trước đó, Nga đã phủ quyết một dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 25-2 lên án cuộc chiến do họ khởi phát. Trung Quốc, UAE và Ấn Độ cũng không bỏ phiếu.

Một nghị quyết của Hội đồng Bảo an cần 9 phiếu thuận và không có phiếu phủ quyết nào từ 5 nước thành viên thường trực là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp và Anh.

Với tất cả những vướng mắc và tranh cãi chính trị, Liên Hiệp Quốc vẫn là một tổ chức trụ cột để duy trì hòa bình thế giới cũng như đảm bảo chủ quyền quốc gia. Tổ chức này ra đời ngay sau cuộc xung đột đẫm máu nhất lịch sử nhân loại là Thế chiến II, với động cơ chung giản dị: không bao giờ để một cuộc thế chiến tái diễn.

Từ khi cuộc chiến ở Ukraine bùng nổ, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua một nghị quyết vào đầu tháng 3 với 141/193 nước thành viên ủng hộ yêu cầu Nga chấm dứt ngay lập tức mọi hoạt động quân sự.

Ba tuần sau, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lại thông qua một nghị quyết khác yêu cầu cho phép các cơ quan cứu trợ nhân đạo tiếp cận vùng chiến sự và bảo vệ thường dân cũng như lên án Nga vì gây ra những vấn đề nhân đạo "trầm trọng" (với ít số phiếu ủng hộ hơn là 93, 24 phiếu chống và 58 phiếu trắng).


Liên Hiệp Quốc cần cải tổ?

Tuy nhiên, Hội đồng Bảo an, cơ quan nắm quyền lực thật sự, đã tê liệt vì xung đột không thể hòa giải giữa các cường quốc cho tới tận tuyên bố chung vừa rồi. Thật ra, việc tăng hiệu quả cho Hội đồng Bảo an, bao gồm nhiều đề xuất trao thêm tiếng nói thực sự đa dạng và đa phương hơn cho các quốc gia mới nổi ở Nam bán cầu, đã được thảo luận một thời gian dài.

Một trong những đề xuất phổ biến nhất là mở rộng nhóm thành viên thường trực để có thêm các nước như Nhật Bản, Brazil, Ấn Độ, Nam Phi và Đức, cùng với đó là chấm dứt cơ chế phủ quyết.

Một ý tưởng khác là vẫn giữ lại quyền phủ quyết nhưng đưa vào các quy định để phủ định quyền đó - chẳng hạn một nghị quyết vẫn sẽ được thông qua với 2/3 sự ủng hộ ở Đại hội đồng và/hoặc 4/5 phiếu của các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an.

Những đề xuất đó dễ hiểu là gây tranh cãi và do tình hình chính trị quốc tế nên khó khả thi trong ngắn hạn. Nhưng điều đó không có nghĩa Liên Hiệp Quốc không thể làm gì.


Một ví dụ là đề nghị của nhà bình luận quốc tế Simon Tisdall trên báo Anh The Guardian ngày 6-4: "[Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc] Guterres cần yêu cầu tất cả các quốc gia thành viên ủng hộ việc triệu tập một hội nghị mới có tính cách nền tảng giống với hội nghị ở San Francisco năm 1945 [dẫn tới việc thành lập Liên Hiệp Quốc] để cải cách hoàn toàn tổ chức này, cả về mặt định chế và tổ chức, nhằm phản ánh được những cân bằng quyền lực và ưu tiên của thế kỷ 21".


Liên Hiệp Quốc của ai?

Khi những nước thắng trận trong Thế chiến II thành lập Liên Hiệp Quốc vào năm 1945, nhiều quốc gia - nhà nước hiện giờ thậm chí còn chưa tồn tại. Gần như toàn bộ châu Phi, phần lớn Trung Đông và châu Á vẫn là các thuộc địa của phương Tây.

Hiến chương Liên Hiệp Quốc năm 1945 chỉ có chữ ký của 50 quốc gia - nhà nước, trong khi ngày nay có tới 193 thành viên và các nước đang phát triển ở Nam bán cầu lẽ ra phải có tiếng nói lớn hơn.

Từ năm 1946, theo tư liệu của Thư viện Liên Hiệp Quốc, 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an đã sử dụng quyền phủ quyết 262 lần - trong nhiều trường hợp là để bảo vệ chính hành động của họ, bao gồm hành động quân sự.

Giới nghiên cứu chỉ ra quyền phủ quyết chính là nguyên nhân then chốt dẫn tới việc Liên Hiệp Quốc không thể ngăn chặn nhiều thảm kịch nhân đạo lớn bao gồm ở Rwanda, vùng Darfur thuộc Sudan, bang Rakhine thuộc Myanmar, Yemen…

Ông Guterres khẳng định LHQ sẽ tiếp tục nỗ lực nhằm mở rộng hỗ trợ nhân đạo và đảm bảo sơ tán dân thường khỏi các khu vực xung đột ở Ukraine; nhấn mạnh cuộc xung đột này kết thúc càng sớm càng tốt hơn cho Ukraine, Nga và thế giới.

Chia sẻ Facebook