Hội đàm nguyên thủ Mỹ – Trung lần 5: Thông cáo báo chí 2 bên nói gì?

Chia sẻ Facebook
29/07/2022 14:22:23

Sáng 28/7, Tổng thống Mỹ Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm kéo dài hơn 2 giờ.

Cuộc điện đàm thứ 5 giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kéo dài hơn 2 tiếng, từ diễn biến cho thấy tâm điểm nằm ở vấn đề Đài Loan, đồng thời cũng nhấn mạnh việc duy trì liên lạc cũng như tránh hiểu lầm và đánh giá sai về thiện chí của nhau.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Nguồn: Adam Schultz/ Nhà Trắng)


Nhà Trắng đã đưa ra một thông điệp vào sáng thứ Năm rằng cuộc gọi giữa hai nhà lãnh đạo bắt đầu lúc 8:33 sáng và kết thúc lúc 10:50 sáng, thời gian trò chuyện kéo dài trong 2:17 phút. Thời lượng cuộc gọi video này lâu hơn cuộc gọi video trong tháng Ba (110 phút).


Đây là cuộc điện đàm thứ 5 giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Biden nhậm chức. Theo một tuyên bố chính thức được Nhà Trắng công bố vào hơn 1:00 chiều, cuộc gọi là một phần trong “nỗ lực của chính quyền Biden nhằm duy trì và làm sâu sắc thêm các kênh liên lạc giữa Mỹ và Trung Quốc, quản lý những khác biệt một cách có trách nhiệm và hợp tác trong các lĩnh vực cùng quan tâm”.


Cuộc gọi này diễn ra sau cuộc trò chuyện trước đó giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ – Trung ngày 18/3 và một loạt cuộc đối thoại giữa các quan chức cấp cao hai bên, tuyên bố cho biết.


“Hai nguyên thủ đã thảo luận về một loạt các mối quan hệ song phương cùng các vấn đề toàn cầu và khu vực quan trọng khác, đồng thời giao nhiệm vụ cho các nhóm của họ tiếp tục làm việc những vấn đề cuộc gọi hôm nay, đặc biệt là giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, sức khỏe và an ninh ”, tuyên bố cho biết.


“Về vấn đề Đài Loan, Tổng thống Biden nhấn mạnh rằng chính sách của Mỹ không thay đổi và Mỹ phản đối mạnh mẽ các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng hoặc phá hoại hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan”.


Thông tin Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi có thể thăm Đài Loan càng làm tăng thêm mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Cho đến nay, cả Quốc hội và Nhà Trắng đều chưa xác nhận liệu bà Pelosi có đến thăm Đài Loan trong thời gian tới hay không.

Thông cáo báo chí của Trung Quốc “ ít tính xây dựng hơn” hơn so với tháng Ba


Cuộc điện đàm Tập – Biden liên quan đến nhiều vấn đề bế tắc, nhưng không bên nào tiết lộ chi tiết.


Theo Tân Hoa xã của Đảng Cộng sản Trung Quốc, “ Hai nguyên thủ đã có ‘trao đổi thẳng thắn’ về quan hệ Trung-Mỹ và các vấn đề hai bên cùng quan tâm”.


Thông cáo báo chí phía Trung Quốc cũng cho biết, “Hai nguyên thủ tin rằng cuộc gọi là thẳng thắn và sâu sắc, nhất trí duy trì liên lạc và chỉ đạo các đội công tác của hai bên tiếp tục liên lạc và hợp tác cho mục đích này”.


Thông cáo báo chí cuộc gặp tháng Bảy này cũng “ít tính xây dựng ” hơn so với cuộc gặp hồi tháng Ba. Về ngoại giao, thuật ngữ “ trao đổi thẳng thắn” đã hàm ý khó khăn kết nối, có sự khác biệt rất lớn khó đồng thuận.


Ông Tập Cận Bình cho rằng việc Mỹ nhìn nhận và xác định quan hệ Trung-Mỹ từ góc độ cạnh tranh chiến lược coi Trung Quốc là đối thủ chính và là thách thức lâu dài nghiêm trọng nhất “là đánh giá sai về quan hệ Trung-Mỹ và hiểu sai về sự phát triển của Trung Quốc” . Ông Tập cho rằng hai bên cần duy trì liên lạc ở tất cả các cấp, tận dụng tốt các kênh liên lạc hiện có, thúc đẩy hợp tác song phương.


Ông Tập Cận Bình cũng cảnh báo về vấn đề Đài Loan rằng “đùa với lửa ắt sẽ tự thiêu”, “hy vọng phía Mỹ sẽ thấy rõ điều này” . Cụm từ “đùa với lửa” này cũng được ông Tập sử dụng trong cuộc gọi với ông Biden vào tháng 11 năm ngoái.


Thông cáo báo chí của Trung Quốc dẫn lời Tổng thống Biden cho biết, Mỹ hy vọng duy trì đối thoại suôn sẻ với Trung Quốc, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tránh hiểu lầm và đánh giá sai, tìm kiếm hợp tác trong các lĩnh vực chung lợi ích và quản lý đúng đắn những khác biệt.


Thông cáo báo chí cũng nói về Tổng thống Biden bày tỏ thiện chí khi nhắc lại rằng chính sách “một Trung Quốc” của Mỹ không thay đổi và sẽ không thay đổi, và Mỹ không ủng hộ “độc lập” của Đài Loan.

Ảnh chụp màn hình ban đầu của Thông cáo báo chí điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc được Tân Hoa xã công bố (Nguồn từ Tân Hoa xã Trung Quốc).

Trung Quốc thay đổi tốc độ phát thông cáo báo chí


Trong các cuộc điện đàm nguyên thủ Mỹ – Trung trước đây thì thông cáo báo chí của phía Trung Quốc luôn được công bố trước thông cáo báo chí của phía Mỹ, thậm chí có khi phía Trung Quốc còn công bố nội dung cuộc điện đàm ngay khi đang điện đàm.


Ví dụ tại cuộc họp kéo dài 2 tiếng vào tháng Ba, khi hội đàm chỉ vừa qua 1 tiếng thì phía Trung Quốc đã công bố tin vắn, ngay sau khi kết thúc cuộc hội đàm thì Tân Hoa xã đã đưa ra một tuyên bố dài về cuộc họp. Lần đó tuyên bố của Mỹ muộn hơn Tân Hoa xã 3 tiếng.


Tuy nhiên, cuộc điện đàm tháng Bảy này kết thúc được gần 1 tiếng nhưng Tân Hoa xã của nhà nước Trung Quốc chỉ đưa tin một câu “Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Biden trao đổi qua điện thoại” , họ không đưa bất kỳ chi tiết cụ thể nào.


Trong khi đó, phía Mỹ chỉ đưa ra một tuyên bố ngắn cách khoảng 2 giờ sau khi Tân Hoa xã cập nhật tuyên bố với bài dài chi tiết về cuộc hội đàm trực tuyến.


Chuyên gia Michael Sobolik về chính sách Ấn Độ – Thái Bình Dương tại Hội đồng Chính sách Đối ngoại Mỹ (AFPC) đã tweet: “ Thật thú vị, rõ ràng là phía Trung Quốc đã không làm như sau các hội đàm điện thoại trước đây là ngay lập tức (hoặc ngay khi đang hội đàm) công bố (tuyên bố về hội đàm)”.


Phóng viên Nhà Trắng Steve Herman của VOA cũng đã tweet: “Việc Nhà Trắng trì hoãn công bố nội dung cuộc điện đàm Biden – Tập đã cho phép Trung Quốc nhanh chóng thêm thắt một số nội dung liên quan cuộc điện đàm”.

Chuyên gia: Lập trường của Trung Quốc cứng rắn nhưng chưa ở mức cao nhất


Chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Úc là Wendi Song nói với Financial Times rằng lập trường của Trung Quốc trước cuộc hội đàm Biden – Tập hôm thứ Năm là “cứng rắn, nhưng còn xa mới xem là mức cứng rắn nhất ”, điều này có thể phản ánh nếu bà Pelosi không hủy bỏ chuyến thăm Đài Loan thì ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ có thể leo thang động thái.


Các quan chức Đài Loan lo ngại mọi biện pháp trả đũa từ Bắc Kinh có thể nhằm vào Đài Loan. Nhưng họ cũng lo lắng rằng nếu bà Pelosi trì hoãn hoặc hủy bỏ chuyến thăm thì ông Tập sẽ càng tự tin khiến manh động hơn.


Tờ Financial Times dẫn lời một nhà ngoại giao châu Á giấu tên nói rằng cả Đài Loan và Mỹ đều không muốn thể hiện tâm thái yếu đuối, dĩ nhiên “không ai muốn tuân theo chủ ý của Trung Quốc”.


Chuyến thăm dự kiến ​​của bà Pelosi tới Đài Loan cũng là một khoảnh khắc khó xử đối với ông Tập, người đang chuẩn bị cho Đại hội 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc vào mùa thu và dự kiến ​​sẽ phá tiền lệ để có nhiệm kỳ thứ 3 để lãnh đạo toàn diện từ Đảng, Chính phủ, và Quân đội của Trung Quốc.


Theo Lâm Yên, Epoch Times

Chia sẻ Facebook