Hội đàm Biden – Tập tại Indonesia: 8 khác biệt trong thông cáo giữa Trung Quốc và Mỹ

Chia sẻ Facebook
15/11/2022 07:41:18

Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đã có cuộc hội đàm tại Bali – Indonesia hôm thứ Hai (14/11) kéo dài hơn 3 giờ liên quan nhiều chủ đề. Thông cáo do hai bên đưa ra sau cuộc gặp một lần nữa cho thấy cách thể hiện luôn có nhiều khác biệt.

Ngày 14/11/2022, Tổng thống Mỹ Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp. (Ảnh chụp màn hình video)

Vấn đề Đài Loan


Thông cáo báo chí do Nhà Trắng đưa ra nhấn mạnh, ông Biden cảnh báo ông Tập Cận Bình về vấn đề Đài Loan rằng Mỹ “phản đối bất kỳ sự thay đổi đơn phương nào đối với hiện trạng” , đồng thời cảnh báo rằng Mỹ cũng phản đối hành động “cưỡng bức và ngày càng mang tính xâm lược” của ĐCSTQ, những hành động kiểu đó làm suy yếu hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan cũng như trên diện rộng hơn, gây nguy hiểm cho thịnh vượng toàn cầu.


Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ hoàn toàn không đề cập đến lời cảnh báo của Mỹ, nhưng nhấn mạnh rằng vấn đề Đài Loan là “lợi ích cốt lõi của Trung Quốc (ĐCSTQ) và là lằn ranh đỏ đầu tiên không được vượt qua trong quan hệ Trung-Mỹ” , đó là công việc nội bộ của Trung Quốc. Hy vọng rằng Mỹ sẽ nói đi đôi với làm và tuân thủ chính sách “một Trung Quốc”.


Thông cáo báo chí của ĐCSTQ cũng đề cập rằng ông Biden đã nói tại cuộc hội đàm rằng ông không ủng hộ “Đài Loan độc lập” cũng như không ủng hộ “hai Trung Quốc” hay “một Trung Quốc, một Đài Loan”. Còn tuyên bố của Mỹ chỉ đề cập rằng Tổng thống Biden đã giải thích tại cuộc hội đàm rằng “chính sách một Trung Quốc” của Mỹ không thay đổi.


“Chính sách một Trung Quốc” của Mỹ khác với “nguyên tắc một Trung Quốc” mà ĐCSTQ tuyên bố có chủ quyền đối với Đài Loan. “Chính sách một Trung Quốc” của Mỹ không chấp nhận lập trường chủ quyền của ĐCSTQ đối với Đài Loan.

Quan hệ Trung-Mỹ


Tuyên bố của ĐCSTQ tìm cách giải quyết những lo ngại của Mỹ về tham vọng của Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình nói: “Trung Quốc không bao giờ tìm cách thay đổi trật tự quốc tế hiện có, không can thiệp vào công việc nội bộ của Mỹ và không có ý định thách thức và thay thế Mỹ” . Ông Tập cũng nói rằng quan hệ Trung-Mỹ không nên là “trò chơi có tổng bằng không theo kiểu bên này trỗi dậy đồng nghĩa bên kia thất bại ”, trái đất rộng lớn hoàn toàn có thể đáp ứng sự phát triển và thịnh vượng chung của Trung Quốc và Mỹ.


Còn tuyên bố của Mỹ cho biết Mỹ sẽ tiếp tục cạnh tranh quyết liệt với Trung Quốc và nỗ lực phối hợp với các đồng minh và đối tác trên toàn thế giới. Nhưng sự cạnh tranh này không nên biến thành xung đột.

Vấn đề chính thể của Trung Quốc


Tuyên bố của ĐCSTQ đề cập rằng Tổng thống Biden đã cho biết tại cuộc hội đàm rằng Mỹ tôn trọng thể chế chính trị của Trung Quốc và không tìm cách thay đổi. Nhưng tuyên bố của Nhà Trắng không đề cập đến vấn đề thể chế của Trung Quốc.


Tuyên bố của ĐCSTQ cũng nhấn mạnh phản ứng của ông Tập Cận Bình đối với tuyên bố của Mỹ rằng “dân chủ đối đầu với độc tài”. Ông Tập Cận Bình nói rằng Mỹ có nền dân chủ kiểu Mỹ và Trung Quốc có nền dân chủ kiểu Trung Quốc, cả hai đều phù hợp với điều kiện tình hình mỗi nước. Điều rất quan trọng đối với Trung Quốc và Mỹ để hòa thuận với nhau là nhận ra vấn đề khác biệt này.


Nhưng trong tuyên bố của Mỹ không nêu vấn đề này.

Vấn đề nhân quyền


Tuyên bố của Mỹ nhấn mạnh rằng Tổng thống Biden đã bày tỏ lo ngại tại cuộc hội đàm về các hoạt động của ĐCSTQ ở Tân Cương, Tây Tạng và Hồng Kông, cũng như vấn đề nhân quyền nói chung.


Tuyên bố của ĐCSTQ cho biết ông Tập Cận Bình đã chỉ ra rằng tự do, dân chủ và nhân quyền là mục tiêu theo đuổi chung của nhân loại và là mục tiêu theo đuổi nhất quán của ĐCSTQ. Tuyên bố của ĐCSTQ không có đề cập đến mối quan tâm của Mỹ về nhân quyền ở Trung Quốc.

Tách rời kinh tế


Tuyên bố của ĐCSTQ đề cập đến vấn đề tách rời kinh tế, đồng thời nhấn mạnh ông Biden cho biết tại cuộc hội đàm rằng Mỹ không có ý định tìm cách “tách rời” với Trung Quốc và không có ý định bao vây Trung Quốc. Nhưng tuyên bố của Mỹ không đề cập đến bất kỳ vấn đề nào liên quan đến việc tách rời này.


Tuyên bố của ĐCSTQ cũng nhấn mạnh vấn đề thương mại và công nghệ. Tại cuộc hội đàm, ông Tập Cận Bình cho biết rằng dùng chiến tranh thương mại và chiến tranh công nghệ là “xây dựng bức tường và rào cản” thúc đẩy “chia tách nhau và phá vỡ dây chuyền” , làm vậy hoàn toàn vi phạm nguyên tắc kinh tế thị trường và làm suy yếu thương mại quốc tế, là hại người lợi mình, “chúng tôi phản đối việc chính trị hóa và vũ khí hóa các trao đổi kinh tế, thương mại, khoa học và công nghệ”.


Còn tuyên bố của Mỹ nhấn mạnh rằng Tổng thống Biden tiếp tục tập trung vào các hoạt động kinh tế phi thị trường của ĐCSTQ đã gây tổn hại cho người lao động và gia đình Mỹ, cũng như người lao động và gia đình trên khắp thế giới.

Vấn đề chiến tranh Nga-Ukraine


Tuyên bố của ĐCSTQ đề cập ông Tập Cận Bình phát biểu tại cuộc hội đàm rằng Trung Quốc rất quan ngại về tình hình hiện nay ở Ukraine và sẽ tiếp tục thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình, đồng thời ủng hộ và mong chờ việc nối lại các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine. Tuy nhiên, tuyên bố không đề cập đến việc phản đối việc sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga.


Còn phía Mỹ cho biết trong tuyên bố rằng Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập “tái khẳng định sự đồng thuận của họ rằng không bao giờ nên tiến hành chiến tranh hạt nhân, đó là hành vi không bao giờ có thể mang lại chiến thắng, đồng thời nhấn mạnh họ cùng phản đối việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine”.


Kể từ khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine bắt đầu vào cuối tháng 2, ông Tập Cận Bình luôn né tránh công khai mô tả cuộc chiến là “cuộc chiến xâm lược” của Nga vào Ukraine.

Vấn đề Triều Tiên


Tuyên bố của Mỹ có đề cập đến Triều Tiên, trong đó cho biết Tổng thống Biden bày tỏ quan ngại về hành vi khiêu khích của Triều Tiên, ông chỉ ra khuyến khích Triều Tiên hành động có trách nhiệm vì lợi ích của tất cả các thành viên trong cộng đồng quốc tế.


Ông Biden cũng nói trong cuộc hội đàm rằng ông đã nói rõ với ông Tập Cận Bình, Trung Quốc có nghĩa vụ cố gắng cho Triều Tiên thấy rằng họ (Triều Tiên) không nên tiến hành các vụ thử hạt nhân tầm xa. Nếu Triều Tiên làm vậy, phía Mỹ không thể không có động thái nào đó, cần tăng cường nhiều hơn hành động phòng vệ.


Tuyên bố của Trung Quốc không đề cập đến Triều Tiên.

Giam giữ sai trái công dân Mỹ và ngăn cản họ xuất cảnh


Tuyên bố của Mỹ cho hay Tổng thống Biden một lần nữa nhấn mạnh tại cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình rằng đối với Mỹ thì việc giải quyết các trường hợp công dân Mỹ bị giam giữ sai trái ở Trung Quốc hoặc bị ngăn cản xuất cảnh là ưu tiên hàng đầu.


Tuyên bố của Trung Quốc không đề cập đến thông tin liên quan này.

Điểm chung trong tuyên bố của hai bên


Tuyên bố của hai bên cho thấy hai nguyên thủ nhất trí cần duy trì liên lạc chiến lược và tiến hành tham vấn thường xuyên; hai bên đã đạt được thỏa thuận về tiến hành đối thoại và hợp tác về y tế công cộng và an ninh lương thực; hai bên nhất trí tận dụng tốt nhóm công tác chung Trung-Mỹ để thúc đẩy giải pháp đối với nhiều vấn đề hơn.


Tuyên bố của hai bên cũng đề cập việc Tổng thống Biden nhấn mạnh tránh biến thực tế cạnh tranh gay gắt giữa hai nước thành xung đột.


Phóng viên kinh tế kỳ cựu Lingling We của tờ Wall Street Journal chuyên về Trung Quốc cho biết trên Twitter, “Một người bạn trong nước đã hỏi: So với Mỹ, vì sao thông cáo báo chí của Trung Quốc (ĐCSTQ) dài hơn nhiều?”


Một cư dân mạng có nick “Autumn2002” trên Twitter đã phản hồi: “Điều đó cho thấy Trung Quốc (ĐCSTQ) muốn nhiều hơn nhưng chỉ thu nhận được ít ỏi”.


Tài khoản có nick tên “Yellowbeard” đáp lại: “Tất cả chỉ là dối trá, dối trá, những lời sáo rỗng, những lời đao to búa lớn”.


Một người khác phản hồi: “Nhìn vào bản thông cáo của hai bên cảm thấy như họ không ở trong cùng một cuộc hội đàm”.


Theo Trương Đình, Epoch Times

TT Biden thảo luận với Thủ tướng Úc về hiệp ước an ninh, Eo biển Đài Loan

TT Mỹ Joe Biden đã gặp Thủ tướng Úc Anthony Albanese, cùng thảo luận về hiệp ước an ninh và các vấn đề xung quanh Eo biển Đài Loan.

Chia sẻ Facebook