Hội chợ việc làm Trung Quốc: Nhà tuyển dụng tiết kiệm và ứng viên rụt rè
Các hội chợ việc làm đang quay trở lại ở Trung Quốc sau ba năm đại dịch, nhưng các nhà tuyển dụng tỏ ra tiết kiệm và các ứng viên lại rụt rè.
Các hội chợ việc làm đang quay trở lại ở Trung Quốc sau ba năm đại dịch. Nhưng mức lương thấp và số việc cần người cũng ít đã thể hiện sự thận trọng của thị trường việc làm, cũng như báo hiệu sự phục hồi kinh tế có thể sẽ chậm và không đồng đều giữa các ngành nghề, Reuters đưa tin hôm 20/2.
Các nhà chức trách đã tổ chức hàng trăm sự kiện như vậy trên toàn quốc trong tháng này, một trong những thể hiện cho thấy Trung Quốc đang trở lại nhịp sống trước COVID. Giới chức cũng kỳ vọng tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên, một vấn đề đau đầu đối với Bắc Kinh, có thể giảm bớt từ mức cao nhất gần 20%.
Ở đất nước đông dân như Trung Quốc, hội chợ việc làm là một trong những chiếc cầu nối hữu hiệu nhất giữa nhà tuyển dụng và người lao động. Khi một số người tham dự cho biết sự trở lại được chờ đợi từ lâu của họ là điều đáng khích lệ, thì một số người vẫn chưa tự tin về điều đó.
“Tôi chỉ cầu một công việc ổn định và không mong đợi mức lương cao,” theo Liu Liangliang (24 tuổi), người đang tìm việc cho một khách sạn hoặc một công ty bất động sản tại một hội chợ ở Bắc Kinh hôm 16/2. “Sự bùng phát COVID đã làm tổn thương nhiều người. Sẽ có nhiều người tranh giành các vị trí việc làm trong năm nay.”
Lo lắng về việc làm đang lan rộng
Một cuộc khảo sát với khoảng 50.000 nhân viên văn phòng được Zhaopin, một trong những công ty tuyển dụng lớn nhất Trung Quốc, công bố hôm 16/2 cho thấy, 47,3% số người được hỏi lo lắng rằng họ có thể mất việc trong năm nay, tăng đáng kể so với con số 39,8% một năm trước.
Khoảng 60% cho rằng “môi trường kinh tế không chắc chắn” là yếu tố chính ảnh hưởng đến niềm tin của họ, tăng từ mức 48,4% vào năm 2022.
Niềm tin việc làm của những người làm việc trong các lĩnh vực tiếp xúc với người tiêu dùng, đang phục hồi nhanh hơn từ mức cơ bản thấp, cao hơn so với các lĩnh vực như sản xuất, bị ảnh hưởng bởi nhu cầu bên ngoài suy yếu, hoặc bất động sản, mới chỉ bắt đầu có dấu hiệu ổn định tạm thời , cuộc khảo sát cho thấy.
Một giám đốc nhân sự (họ Zhang) tại khách sạn Xiahang Jianianhua ở Bắc Kinh cho hay, công ty của ông có nhiều cơ hội việc làm hơn gấp ba lần so với năm ngoái, khi người Trung Quốc tiếp tục đi du lịch.
Ngược lại, Jin Chaofeng, công ty xuất khẩu đồ nội thất mây tre đan ngoài trời, cho biết ông không có kế hoạch bổ sung vào bảng lương của mình vì các đơn đặt hàng từ nước ngoài đang chậm lại.
Ông nhận xét, “Những người trong ngành của tôi đang chờ đợi và quan sát một cách thận trọng,” đồng thời lưu ý thêm rằng ông có kế hoạch cắt giảm 20%–30% sản lượng vào tháng 3 so với một năm trước đó.
Frederic Neumann, nhà kinh tế trưởng về châu Á tại HSBC, dự đoán lĩnh vực dịch vụ và sản xuất sẽ biến đổi với tốc độ rất khác nhau trong năm nay, nhưng nhìn chung thì việc làm ở Trung Quốc sẽ tăng lên.
“Các nhà hàng, khách sạn và địa điểm giải trí hiện đang tranh nhau thuê nhân viên. Điều này đặc biệt hữu ích cho những người lao động trẻ tuổi,”
ông Neumann nói.
“Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên sẽ bắt đầu giảm trong những tháng tới.”
Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 3% vào năm ngoái, một trong những hoạt động yếu nhất trong gần nửa thế kỷ. Các nhà hoạch định chính sách dự kiến sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5%, vẫn thấp hơn tốc độ có từ trước đại dịch.
Điều đó một phần là do dư ba của COVID gây ra vẫn còn.
Tại một hội chợ việc làm khác ở thủ đô, Wei, một cựu lao công đang tìm kiếm công việc tương tự chia sẻ rằng, cô và người chồng thất nghiệp đang phải vật lộn với khoản nợ thẻ tín dụng.
Cô Wei hiện có con đang học tiểu học. Cô cũng không muốn tiết lộ họ tên đầy đủ, với lý do quyền riêng tư cá nhân. Cô Wei đã nghỉ việc vào năm ngoái sau khi chủ của cô muốn cắt lương của cô xuống còn 3.200 nhân dân tệ (465,34 USD) mỗi tháng từ mức 3.500 nhân dân tệ bất chấp yêu cầu của cô. Cô ấy làm việc muộn giờ để tiến hành khử trùng liên quan đến COVID.
“Chúng tôi nợ các ngân hàng hàng trăm ngàn nhân dân tệ,”
cô nói.
“Chúng tôi vô cùng lo lắng.”
(1 đô la Mỹ = 6,8767 Nhân dân tệ Trung Quốc)
Nhật Tân (T/h)
Doanh nghiệp Trung Quốc: Trong nước không có đơn đặt hàng, nước ngoài rút vốn
Nhiều công ty sản xuất thương mại với nước ngoài ở nhiều nơi tại Trung Quốc đang đứng trước bờ vực phá sản do không nhận được đơn đặt hàng.