Hội chợ Quảng Châu: Doanh nghiệp Trung Quốc lo ngại vì khách hàng Âu và Mỹ giảm mạnh

Chia sẻ Facebook
09/05/2023 20:16:34

Hội chợ Quảng Châu mùa xuân đã kết thúc ngày 5/5, căng thẳng địa chính trị đã khiến không ít doanh nghiệp không còn mặn mà với Trung Quốc.

Hội chợ thương mại lớn nhất Trung Quốc (Hội chợ Canton mùa xuân, gọi tắt là Hội chợ Quảng Châu) đã kết thúc tại Quảng Châu ngày 5/5. Một số nhà sản xuất Trung Quốc tham gia cho biết, căng thẳng địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ đã khiến không ít doanh nghiệp nước ngoài đã không còn mặn mà với Trung Quốc.

Ngày 15/4/2023, tại Quảng Châu tỉnh Quảng Đông Trung Quốc khai mạc Hội chợ Quảng Châu mùa xuân lớn nhất Trung Quốc, cư dân mạng Trung Quốc phàn nàn rằng “toàn người Trung Quốc” (Ảnh chụp màn hình video Youtube)


Hội chợ Quảng Châu luôn được coi là “cửa sổ và hướng gió quan trọng nhất về kinh tế đối ngoại” của Trung Quốc đã khai mạc ngày 15/4. Trong 3 năm Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) áp dụng chính sách ‘Zero COVID’ kể từ khi bùng phát đại dịch đã dẫn đến lượng lớn vốn nước ngoài chảy khỏi Trung Quốc, ĐCSTQ hy vọng sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại thông qua hội chợ hàng hóa xuất nhập khẩu này. Nhưng theo một tuyên bố sau kết thúc hội chợ vào thứ Bảy (6/5), tại Hội chợ Quảng Châu năm nay chỉ có doanh thu 25,1 tỷ USD, thấp hơn rất nhiều so với mức đỉnh 38 tỷ USD vào năm 2008, hoặc mức 30 tỷ USD vào năm 2019 ngay trước đại dịch COVID-19.

Nhà tổ chức hội chợ cho biết hôm 6/5, lượng giao dịch xuất khẩu ngoại tuyến được ký tại hội chợ là 21,69 tỷ USD, giảm gần 1/3 so với mức 29,73 tỷ USD ký tại hội chợ năm 2019.

Do các vấn đề như giá cả và lãi suất tăng, mức hàng tồn kho cao, chiến tranh Nga xâm lược Ukraine, căng thẳng địa chính trị Mỹ – Trung, v.v, làm giảm nhu cầu tiêu dùng hàng Trung Quốc ở Mỹ và châu Âu, khiến xuất khẩu của Trung Quốc dự kiến ​​sẽ giảm vào năm 2023 sau khi đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái. Không khó hiểu vì sao Hội chợ Quảng Châu mùa xuân năm nay có rất ít người mua từ các nước phương Tây.

Tăng lượng khách từ Nga, Á, Phi và Mỹ Latin

Một số nhà xuất khẩu phàn nàn vấn đề họ mất chi phí trưng bày cao hơn trong khi không tiếp cận được mấy khách châu Âu và hầu như không có khách hàng mới nào ở Mỹ. Chiều ngược lại là nhiều người mua hơn từ châu Mỹ Latin, châu Phi, Đông Nam Á và Nga, nhưng nguồn lợi từ lượng khách hàng này không cao.


Bloomberg đưa tin ngày 7/5, một người bán hàng (giấu tên) của nhà sản xuất thảm chống trượt Miland Houseware chủ yếu dành cho khách hàng Mỹ và châu Âu (chẳng hạn như Wal-Mart và Costco) tiết lộ rằng, rất ít khách hàng mục tiêu ghé thăm gian hàng của công ty. Ông nói: “Nhu cầu ở Mỹ hiện đang rất yếu. Các khách hàng lớn của chúng tôi không đặt hàng mới, họ nói rằng họ vẫn đang xử lý sao cho hết hàng tồn kho”.


Một phóng viên của Bloomberg đã đến thăm và thấy nhân viên của một nhà sản xuất thiết bị vệ sinh cao cấp đang ăn trưa tại gian hàng. Abby Lin, nhân viên bán hàng tại một nhà máy ở Đông Hoản chuyên sản xuất hộp đựng khăn giấy và hộp đựng xà phòng, cho biết: “Vài năm qua chúng tôi không thể vậy, đơn giản là vì bây giờ chúng tôi không có khách”; “Dù số lượng lớn bên mua nước ngoài đến từ Nga và Trung Đông, nhưng hầu hết họ đều làm việc cho các công ty thương mại địa phương tìm nguồn cung ứng cho các khách hàng quốc tế nhỏ hơn hoặc thị trường nội địa Trung Quốc… Tuy nhiên không ai đặt hàng, họ chỉ đang kiểm tra giá cả”.


Blogger tài chính nổi tiếng trên Weibo là “Quản đốc Fengzhong” chia sẻ ngày 5/5 rằng, hiệu quả tổng thể tệ hơn nhiều so với năm 2019, giảm tới hơn 70% khách từ châu Âu và Mỹ; trái lại chiếm tỷ lệ cao người châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latin nhưng khối lượng mua nhỏ. 80% các bên tham gia triển lãm cảm thấy thực trạng u ám.

Vấn đề từ căng thẳng địa chính trị Mỹ – Trung Quốc

Một số công ty phương Tây thay vì các nhà máy ở Trung Quốc thì đang bắt đầu đặt hàng tại các nhà máy ở một số nước mới nổi khác trên thế giới như Ấn Độ, Việt Nam…, vì họ không muốn bị ảnh hưởng bởi sự chia rẽ ngày càng sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc. Vì vậy, ngay cả khi nhu cầu toàn cầu tăng lên, một số người bán lo ngại rằng người mua sẽ chuyển sang mua sản phẩm ở các khu vực khác. Dưới ảnh hưởng từ chính sách “Zero COVID” khiến đất nước Trung Quốc bị phong tỏa đã ảnh hưởng đến sản xuất và tác động đến chuỗi cung ứng, nhiều công ty bắt đầu đa dạng hóa hoạt động kinh doanh.


Người sáng lập một công ty sản xuất và kinh doanh hàng gia dụng ở Ninh Ba là Johnson Wang cho biết, trên các mặt hàng được bán tại các cửa hàng Walmart và Dollar Tree Inc. cho thấy nhãn “Made in Vietnam”“Made in Mexico” nổi trội rõ so với hồi năm 2019, khi đó toàn là “Made in China”. Sản phẩm của công ty của ông Johnson Wang chủ yếu nhắm vào thị trường Mỹ.


Căng thẳng địa chính trị Mỹ – Trung đang làm trầm trọng thêm thay đổi chuỗi cung ứng. Trong chuyến đi Mỹ gần đây, một số khách hàng lớn nói với ông Wang rằng họ sẽ không đặt hàng mới với các nhà cung cấp Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, điều này khiến ông Wang bắt đầu tìm kiếm các nhà máy mới ở Việt Nam. Ông nói: “Tôi sẽ không mở rộng mạng lưới đối tác nhà cung cấp của mình ở Trung Quốc nữa. Nếu khách hàng của bạn rời đi thì việc bạn làm điều đó sẽ không có ý nghĩa. Việt Nam sẽ là trọng tâm mới”.

Không chỉ khách mua tại Mỹ đang chuyển sang các nước khác để tìm nguồn hàng, một số khách hàng Canada của nhà cung cấp nhà hàng Lorne Aranoff cho biết họ thích đặt hàng từ bên ngoài Trung Quốc, vì vậy công ty này sẽ sang Việt Nam để khảo sát các nhà sản xuất.

Vì nhu cầu thị trường yếu đi nhiều, một số nhà xuất khẩu nói với Reuters tại Hội chợ Quảng Châu rằng họ đã đóng băng đầu tư, trong khi một số khác thì cắt giảm chi phí lao động.


Theo Hạ Vũ, Epoch Times

Hội chợ Quảng Châu lớn nhất lịch sử? Nhiều người tiết lộ tình hình thực tế Hội chợ Quảng Châu lần thứ 133 được được chính quyền ĐCSTQ gọi là “kỳ hội chợ lớn nhất lịch sử" đã khai mạc vào ngày 15/4.

Chia sẻ Facebook