Hội bạn đi chơi huỷ kèo phút chót: Càng bàn nhiều càng không thành
Những chuyến đi chơi được lên lịch trước cả tháng thậm chí vài tháng, ai cũng hào hứng nhưng đến phút chót đều không thành hiện thực. Ngược lại những chuyến vừa chốt xong đi luôn lại dễ thực hiện.
Trong cuộc sống ai cũng có cho mình một vài người bạn thân, có thể cùng ăn, cùng chơi cùng tâm sự nhiều điều trên trời dưới biển. Nhưng bạn có nhận ra nhóm bạn càng thân lại càng ít có những chuyến đi chơi chung không? Thậm chí có những chuyến đi đã được lên lịch cả tháng hay vài tháng nhưng đến phút chót lại bị hủy kèo. Cứ chuyến đi nào các thành viên càng hào hứng, càng bàn bạc rôm rả thì y như rằng không bao giờ thực hiện được.
Lên lịch đi chơi toàn bị hủy kèo phút chót
Chắc chắn sẽ không ít người thấy bóng dáng của mình cùng hội bạn thân ở đâu đây. Tôi có 2 cô bạn thân, từ hồi đại học chúng tôi đã lên lịch vào hè sẽ đi Tràng An (Ninh Bình) ở homestay, chụp ảnh sống ảo. Tuy nhiên, đã 3 năm kể từ ngày chúng tôi ra trường, chuyến đi này vẫn chưa được thực hiện. Mặc dù trước đó chúng tôi đã lập hẳn group để bàn bạc về chuyến đi này. Nào là sẽ thuê váy nhóm, mang theo nón đi sống ảo ở Tràng An, Hang Múa, Đồi dứa Tam Điệp,... Thậm chí chúng tôi còn đi hỏi giá chiếc váy định mua theo nhóm với nhau.
Thế nhưng đến hè thì đứa phải về quê, đứa thì đi làm thêm không xin nghỉ được, đứa lại bảo dạo này đang hết tiền. Vậy là chuyến đi trôi vào dĩ vãng. Đến lúc ra trường đi làm có tiền rồi chúng tôi không ít lần nhắc lại về chuyến đi này nhưng vẫn không thể thực hiện. Có lúc gần đi rồi thì một bạn lại báo bận công ty có sự kiện gấp. Thế rồi một trong 3 đứa lập gia đình, một bạn khác thì vừa mới mang bầu chuẩn bị cưới. Chúng tôi cũng xác định chuyến đi này nên dừng việc bàn bạc ở đây.
Ngoài hội bạn thân thời đại học thì nhóm bạn cấp 3 của tôi cũng không ít lần set kèo đi du lịch. Tuy nhiên, lần nào cũng bị hủy kèo phút chót vì đủ các lý do khác nhau. Có lần chúng tôi dự định đi họp lớp ở biển Đồ Sơn (Hải Phòng) kết hợp đi food tour luôn. Ai cũng hào hứng sắm váy vóc giày dép đủ thể loại. Vậy nhưng ngay buổi tối trước hôm xuất phát đã có 3/5 người lần lượt báo bận. Bạn thì bảo có họ hàng ở trong TP.HCM ra chơi không đi được. Bạn thì bảo nhà có giỗ, bạn lại bảo người yêu đang giận phải ở nhà dỗ dành,...
Lúc đầu 3 người còn lại cũng dự định thôi thì còn bao nhiêu người thì đi bấy nhiêu. Vậy nhưng sáng hôm sau 1 bạn đột nhiên báo hỏng xe không đi được. Vậy là còn 2 người cũng chẳng còn tâm trạng để đi nữa. Sau chuyến đó cả nhóm cũng cãi nhau hậm hực một thời gian mãi mới làm lành được.
Càng bàn nhiều càng không thành
Sau những chuyến đi bị hủy kèo phút chót tôi nhận ra một điều chuyến đi nào càng bàn nhiều càng không thành. Ngược lại những chuyến đi quyết định nhanh gọn, triển khai luôn khi mọi người còn hào hứng thì lại thành công. Như mới đây tôi cùng 2 cô đồng nghiệp ở chỗ làm vừa thấy combo du lịch Nha Trang giá rẻ đúng dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 thế là quyết định đặt vé đi ngay. Đây là chuyến đi chóng vánh nhất của tôi bởi từ lúc đặt vé tới lúc đi chơi về chưa tới 5 ngày.
Cụ thể, chúng tôi mua vé vào sáng thứ 5 thì sáng thứ 6 ra sân bay đi luôn, chơi đến sáng thứ 2 là bay về Hà Nội. Tối hôm trước khi lên máy bay tôi vẫn cày phim đến 4 giờ sáng. Lúc xuống sân bay cả 3 đều không tin mình đã đi chơi về, chuyến đi nhanh gọn lẹ như vậy. Mặc dù có chút vội vàng chưa chuẩn bị được kỹ lưỡng váy vóc sống ảo nhưng việc chuyến đi thành công như vậy cũng khiến chúng tôi rất vui.
Không chỉ riêng tôi, em gái của tôi cũng nhiều lần phải hủy kèo với hội bạn sau các cuộc bàn luận thâu đêm suốt sáng. Vì là chị em gái nên chúng tôi ngủ chung phòng, không ít lần tôi thấy nó hí hửng lôi hết váy nọ váy kia ra thử rồi hỏi “em mặc cái này có đẹp không?” . Có một lần nó và nhóm bạn dự định đi Sapa. Cả hội đã bàn bạc với nhau cả tháng trời. Em tôi thậm chí còn mua cả áo len, khăn quàng cổ, mũ len, găng tay chuẩn bị lên đỉnh Fansipan săn tuyết.
Thế nhưng tháng sau tôi vẫn không thấy nó đi, combo mũ len, áo len đã được cất trên gác xép để đồ mùa đông. Hỏi ra mới biết chuyến đi của tụi nó đã bị hủy kèo phút chót vì có 2 đứa trong nhóm cãi nhau. Một trong hai lại là người thu tiền và đặt vé. Cô bé đó tự ái nên đã chuyển lại hết tiền trả cho mọi người không chơi bời gì nữa.
Câu chuyện nhóm bạn đi chơi càng bàn càng không thành cũng từng là đề tài tranh luận không ngớt trên mạng xã hội. Một tài khoản có tên Duy Thái chia sẻ câu chuyện của bản thân. Anh cùng hội anh em quyết định sau khi nghỉ việc ở công ty thì đi du lịch xả stress. Chuyến đi này được bàn bạc từ hồi tất cả cùng đi làm. Ai nấy đều hí hửng còn đòi dẫn theo vợ hoặc người yêu đi cùng. Vậy nhưng chỉ vừa mới nghỉ làm được 1 tuần nhóm chung nhắn tin đã không có người rep, thậm chí họ còn không nhấn vào xem. Vậy là chuyến đi cũng rơi vào dĩ vãng.
Hay Phạm Tuấn (26 tuổi, Hà Nội) cũng chia sẻ câu chuyện của mình. Anh Tuấn cùng nhóm bạn từng có dự định đi xuyên Việt sau khi làm xong đồ án tốt nghiệp. Chuyến đi này gần như đã chắc chắn 99% vì để chuẩn bị cho chuyến đi này ngay từ đầu năm học họ đã quyết định mỗi tháng để dành 2 triệu đồng, nộp cho một thành viên cầm. Tính đến lúc chuẩn bị ra trường mỗi người đã góp được gần 20 triệu đồng.
Tuy nhiên lúc này kế hoạch lại không thể thực hiện bởi đi xuyên Việt mất rất nhiều thời gian chứ không phải du lịch nghỉ dưỡng. Họ dự định đi một tháng nhưng có 4/5 thành viên đều đã đi làm. Không có công ty nào chấp nhận cho nhân viên nghỉ việc tới 1 tháng hơn nữa lý do còn là đi chơi. Có 2 bạn sẵn sàng nghỉ việc để đi cùng anh em. Nhưng 2/5 bạn gia đình lại không đồng ý cho đi xa như vậy suốt 1 tháng. Có người thì lại được bố mẹ chuẩn bị xin việc cho. Thế là chuyến đi bàn bạc suốt 1 năm trời đành tan rã.
Nếu muốn sẽ tìm cách, không muốn sẽ tìm lý do
Trên thực tế quyết định đi chơi cùng hội bạn hay không là lựa chọn của mỗi người. Bất kể có lý do gì phát sinh thì nếu thực sự muốn người ta sẽ tìm cách thay vì viện các lý do. Ai cũng bảo đã cố gắng hết sức rằng đó chỉ là sự cố phát sinh nhưng bạn đã thực sự ưu tiên chuyến đi cùng nhóm bạn đã được lên lịch từ trước này hay không?
Chính vì thế không nên hứa hẹn hay lên lịch về các chuyến đi chơi quá sớm. Bởi chúng ta có thể dự trù công việc, phát sinh trong một vài ngày đến 1 tuần chứ rất khó để dự trù cả tháng thậm chí vài tháng. Hơn hết, bạn cũng không nên hứa hẹn, bàn bạc chắc nịch rồi lại thay đổi quyết định phút chót. Như vậy sẽ khiến tình cảm bạn bè trở nên rạn nứt.
Không ai muốn chơi với một người liên tục hủy kèo phút chót với các bạn trong khi trước đó là người hào hứng, năng nổ nhất. Nếu các chuyến đi chơi xa khó thực hiện thì có thể lựa chọn địa điểm gần hơn như: đi picnic ở công viên trong ngày, đi villa, resort 2 ngày 1 đêm,... Hoặc đơn giản chỉ là cùng hội bạn đi ăn, đi cafe ngày cuối tuần.
Để các chuyến đi không bị hủy phút chót thì tốt nhất nên đặt vé hoặc thu tiền từ đầu và giao hẹn luôn nếu hủy kèo sẽ bị xung quỹ cho cả nhóm. Khi bị đánh thẳng vào kinh tế hoặc cứng rắn ngay từ đầu thì người ta sẽ ít có xu hướng hủy kèo hơn. Và quan trọng nhất mỗi người cần có ý thức tôn trọng cuộc hẹn cũng như những người bạn của mình. Bởi bạn bè không phải là để xếp số thứ tự dù đã có lịch hẹn từ trước vẫn phải lùi xuống không phải vị trí ưu tiên.
Quan điểm của bạn về vấn đề này như thế nào? Cùng để lại bình luận bên dưới với YAN nhé. Và đừng quên theo dõi Camera Xóm để cập nhật thêm nhiều tin tức đời sống xã hội thú vị.
Những chuyến đi được bàn bạc kỹ lưỡng lại thường có xu hướng hủy kèo phút chót nhiều hơn các chuyến đi chốt nhanh gọn. Trên thực tế khi đã lên lịch hẹn ai cũng có mong muốn được đi chơi cùng hội bạn. Nhưng vì thời gian quá dài độ hào hứng cũng bị giảm xuống. Vì thế, khi có những sự kiện diễn ra trùng vào lịch đi chơi người ta vẫn sẵn sàng hủy bỏ chuyến đi để làm việc khác. Vậy mới nói nếu muốn người ta sẽ tìm cách còn không muốn người ta sẽ tìm lý do.
Xem thêm các bài viết tương tự TẠI ĐÂY !