Học vẽ trong… bệnh viện: Khi người tổn thương não tìm lại khát vọng sống

Chia sẻ Facebook
14/10/2022 09:48:02

Khác với cuộc sống bên ngoài ồn ào, tấp nập, những bệnh nhân đột quỵ, tổn thương não tìm thấy được sự bình yên thông qua lớp học vẽ đặc biệt. Từ đó giúp họ cải thiện khả năng vận động, giao tiếp, tìm lại khát vọng sống cho chính mình.

Mỗi sáng thứ 6, tại khoa Phục hồi chức năng, BV An Bình có hơn chục bệnh nhân tới học vẽ, đa phần là các cô chú lớn tuổi, bị tai biến hay gặp các vấn đề về sức khỏe, tổn thương não.

Lớp học vẽ đặc biệt bên trong BV An Bình - nơi tìm lại khát vọng sống cho những bệnh nhân đột quỵ, tổn thương não

Lớp học vẽ đặc biệt bên trong BV An Bình - nơi tìm lại khát vọng sống cho những bệnh nhân đột quỵ, tổn thương não

Mặc dù được thành lập từ năm 2013 nhưng sau 2 năm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lớp học vẽ chỉ mới mở lại trong tháng 9/2022. Hầu hết những người học vẽ tại lớp đang tập vật lý trị liệu trong bệnh viện, một số trường hợp phải di chuyển rất xa, thậm chí từ tỉnh khác để có thể đến lớp học vẽ.

Lớp học vẽ là nơi giúp những bệnh nhân bị tổn thương não, tai biến tìm lại khả năng vận động, trí nhớ của mình

Những nét vẽ, màu sắc của tranh vẽ khiến cả người học lẫn người dạy đều cảm thấy thư giãn, thoải mái sau bộn bề bên ngoài cuộc sống

Gắn bó với lớp từ những ngày đầu, chú Lê Cao Nguyên (ngụ Vũng Tàu) cho biết gần như chú không bỏ buổi học vẽ nào. Thường thì ngày thứ 5, chú sẽ từ Vũng Tàu lên TP.HCM trước để kịp sáng thứ 6 theo học ở lớp vẽ.

Sau khi bị đột quỵ vào năm 2008, dù đã cố gắng chữa trị nhưng chú Nguyên vẫn gặp phải nhiều di chứng kéo dài, khó khăn trong cả đi lại lẫn nói chuyện. Việc được tham gia lớp học vẽ khiến chú Nguyên tự tin hơn trong giao tiếp cũng như cải thiện khả năng vận động, giúp trí não phục hồi tốt hơn.

Chú Nguyên tỉ mỉ chỉnh lại bức tranh của mình

Tham gia lớp học vẽ buổi thứ 4, cô Phạm Thị Bích Tùng (70 tuổi, ngụ quận 4) cho biết vẫn đang cố gắng hoàn thành bức tranh đầu tiên của mình ở lớp vẽ.

"Cô bị cái cổ, chữ viết cũng nguệch ngoạc không còn chính xác. Lớp học là nơi để con người thư giãn sau áp lực của bệnh tật. Mình thả hồn vào tranh vẽ làm cho người mình cũng dễ chịu hơn. Mọi người ở đây rất tận tâm, các bạn hỗ trợ hết mình, chỉ cho mình từng chút từ việc pha màu, chỉnh hình lên khung",

Mỗi buổi học sẽ có 3-4 tình nguyện viên hỗ trợ, là sinh viên ngành mỹ thuật của trường ĐH Sài Gòn và ĐH Kiến trúc TP.HCM

Lớp học vẽ mở ra, cô Tùng cho biết nó là nơi giúp cho những người bị tai biến, tổn thương não… được tìm lại khát vọng sống cho chính mình. Khác với bên ngoài cuộc sống ồn ào, chen chúc nhau, lớp học như một thế giới khác mà ở đó mọi người luôn ân cần, giúp đỡ nhau, cả người dạy lẫn người học đều tìm được cho mình một góc tĩnh lặng sau tất cả sự biến chuyển của cuộc sống.

Cô Bích Tùng hào hứng khi là một thành viên trong lớp học

"Trước khi tham gia lớp học vẽ, cô gặp rất nhiều vấn đề ở bản thân, giờ thì vẽ tranh giúp cô giải quyết được những vấn đề đó, cô thấy rất vui, cũng biết thêm được nhiều người, mình tích cực, thoải mái hơn",

Sau bài tập trị liệu, các cô chú lớn tuổi lại tham gia vào lớp học vẽ

Ngồi trên chiếc xe lăn, chú Hồ Đắc Thắng (59 tuổi, ngụ Thủ Đức) vẫn cặm cụi vẽ những nét đầu tiên cho bức tranh của mình. Từng làm giáo viên cấp 3, nhưng sau khi bị tai biến liệt nửa người, chú Thắng gặp khó khăn trong việc di chuyển, vận động. Dù chỉ mới là buổi thứ 2 đến lớp vẽ nhưng chú Thắng không giấu được sự hào hứng.

Chú Thắng cho biết sau khi trị liệu, khả năng vận động, giao tiếp của chú cũng được cải thiện nhiều

"Hồi nhỏ chú đã vẽ màu nước mà lâu lắm rồi không đụng đến. Giờ học lại, chú thấy được cái đam mê của mình hồi trẻ. Những người bị tai biến, tổn thương não như chú đến đây học vẽ, nó giúp não bộ hoạt động trở lại, lớp học rất bổ ích"

Có lẽ với những bệnh nhân đột quỵ, tổn thương não, lớp học vẽ như một thế giới khác giúp họ dần tìm lại niềm vui, năng lượng sống sau một thời gian dài chiến đấu với bệnh tật...

Chia sẻ Facebook