Học theo dự án - cơ hội trưởng thành
Thay vì thi hết môn, sinh viên năm thứ nhất đã cùng nhau làm một dự án bất kỳ để được đánh giá hoàn tất học phần. Họ đã làm điều đó như thế nào?
Các bạn được tự do chọn một trong 17 mục tiêu phát triển bền vững mà Liên Hiệp Quốc đã công bố để xây dựng và hoàn thành dự án của mình. Đây cũng là lần đầu tiên môn học kỹ năng mềm được Trường ĐH Văn Lang thử nghiệm cách làm mới này và thu về kết quả khá bất ngờ từ góc nhìn của các bạn sinh viên thế hệ gen Z.
Làm được điều gì đó cho xã hội!
Mang đến dự án "Love to share - book to share", hai bạn Mỹ Linh và Thùy Linh đại diện nhóm sinh viên thực hiện bảo rằng các bạn chọn mục tiêu "Đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và nâng cao phúc lợi cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi" khi làm dự án này. Cách làm không mới song mục tiêu rõ ràng: vận động quyên góp sách đã qua sử dụng, bán gây quỹ giúp một nơi nuôi dạy trẻ kém may mắn.
Trong hơn một tháng, các bạn đã nhận được 217 cuốn sách các loại, cùng nhau phân loại, rao bán trực tuyến trên mạng xã hội. Kết quả ngoài kỳ vọng khi bán hết số sách được gần 2 triệu đồng. "Tụi mình đã đem số tiền này tặng Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp (TP.HCM) để có thêm chút quà cho các bạn nhỏ kém may mắn. Buổi gặp với các cô ở trung tâm khiến tụi mình xúc động, thấy việc làm của nhóm dù nhỏ thôi nhưng có ích cho cộng đồng" - Mỹ Linh khoe.
Mỗi dự án là một góc nhìn về các vấn đề xã hội qua lăng kính của những sinh viên gen Z. Nhiều nhóm đã chọn nói về chính những câu chuyện của thế hệ mình - những công dân gen Z. Như dự án "Chuyện nhà gen Z" mà nhóm sáu sinh viên làm với suy nghĩ "thông qua việc nói chuyện của chính mình để thổi bay định kiến xã hội với thế hệ gen Z": thực dụng, tự cao hay tự tin, bản lĩnh hay cố chấp, hiện đại hay phản cảm.
Và những cô cậu tuổi mười tám, đôi mươi muốn người lớn đừng nhìn chuyện hình xăm, xỏ khuyên, phong cách thời trang hay tình cảm đồng giới... của các bạn là "gì đó quá ghê gớm", hay lệch lạc, thậm chí là... "bệnh hoạn"! "Tụi mình chuyển tải thành những bài viết ngắn trên mạng xã hội, làm clip mà ba mẹ của nhiều bạn sau khi xem clip đã chia sẻ, có cách nói chuyện khác với con mình" - trưởng nhóm Thanh Phong chia sẻ.
Có khá nhiều dự án làm về vấn đề bảo vệ môi trường trước thực trạng biến đổi khí hậu hiện nay kèm những thông điệp thật sinh viên: không xả rác bừa bãi, hạn chế dùng đồ nhựa mà thay bằng vật dụng tái chế, tham gia hoạt động cộng đồng bảo vệ môi trường, sử dụng xe đạp để giảm bớt khí thải từ xe máy cá nhân ra không khí. Cũng vậy, nhiều dự án bày tỏ quan điểm về bình đẳng giới, đặc biệt trao quyền cho phụ nữ và trẻ em, cho cộng đồng LGBT (người đồng tính, song tính, chuyển giới...) mà có thể dự án chưa thật trọn vẹn song góc nhìn cho thấy sự trưởng thành, suy nghĩ tích cực của sinh viên sinh vào đầu những năm 2000.
Bài tập của một môn học nhưng giá trị mang lại rất lớn, các bạn đã trưởng thành hơn khi đạt mục tiêu đề ra và chắc chắn sẽ biết đặt cho mình những mục tiêu lớn hơn trong tương lai.
PGS.TS TRẦN THỊ MỸ DIỆU
Bước khỏi ranh giới môn học
Làm sao để cuộc sống chúng ta hạnh phúc hơn, trải qua những ngày sống yên bình khi chứng kiến những đau thương của đại dịch COVID-19? Câu hỏi lớn nhất Trung tâm Phát triển năng lực sinh viên tự đặt ra cho chính họ khi được nhà trường giao phụ trách các môn học trang bị kỹ năng cho sinh viên. Vậy là học tập theo dự án ra đời, lấy sinh viên làm trung tâm mà sinh viên học xong không cần thi hết môn.
Hoàn thành dự án quyên góp sách gây quỹ tặng trẻ em kém may mắn, Thùy Linh nói cả nhóm nhen nhóm ý tưởng về dự án khác, đang khảo sát để tặng mắt kính cho học sinh ở một trường nào đó khu vực miền núi của Hà Giang. Hay một nhóm khác sau khi làm dự án đi tìm và giải cứu chó mèo hoang đã nghĩ đến việc duy trì nhóm lâu dài để tiếp tục công việc này, đưa "những bé chó mèo tìm về với chủ của chúng, hoặc nếu là chó mèo hoang sẽ tìm được người chủ mới" như nhóm tự nhận.
PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu - hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang - cho biết cô ấn tượng và xúc động với các đề tài, kết quả dự án mà sinh viên đã làm. Theo cô hiệu trưởng, khi thực hiện dự án, các bạn đang trải nghiệm quá trình học và hướng đến đào tạo con người toàn diện như triết lý giáo dục mà nhà trường theo đuổi.
"Tôi tin trong suốt quá trình thực hiện dự án, mỗi sinh viên sẽ thấu hiểu, biết chia sẻ và nhận ra bản thân mình có thể làm được nhiều việc có ích cho bản thân, gia đình và xã hội, biết yêu quý những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống" - TS Mỹ Diệu phân tích.
Khi gen Z lên tiếng
Có đến 650 dự án được các nhóm sinh viên thực hiện gắn với 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc. Trong đó, 250 dự án được chia sẻ trên mạng xã hội đã thu hút trên 38.000 lượt tương tác.
20 dự án tốt nhất đã được chọn vào chung kết, thuyết trình trước hội đồng giám khảo. Kết quả có 6 dự án được trao giải, với 5 giải dự án xuất sắc nhất và 1 dự án được bình chọn yêu thích nhất trong khuôn khổ chương trình "VLU - Happy World Invocations".
"Chúng tôi cũng có những lo lắng, thách thức nhất định khi lần đầu thử nghiệm cách mới này song vẫn quyết định phải làm vì đó là những đứa con tinh thần mà tin rằng các bạn đều đã rất nỗ lực. Chúng tôi hạnh phúc trước tiếng nói, góc nhìn đa dạng của các bạn qua từng dự án" - thạc sĩ Ngô Cao Hoài Linh (giám đốc Trung tâm Phát triển năng lực sinh viên) bày tỏ.
Bước vào mùa nắng nóng gay gắt, trên các con phố Hà Nội ở khu vực quận Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàng Mai... dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người trẻ đon đả mời chào: "Cháu mời các bác các chú vào cắt tóc miễn phí".