Học sinh lớp 12 trước ngưỡng cửa cuộc đời: Chọn làm thầy hay làm thợ?
Học sinh lớp 12 chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT Quốc gia đặc biệt với nhiều thay đổi trong đó thuận lợi nhiều nhưng áp lực cũng lớn.
Năm học này, việc tuyển sinh đại học có nhiều thay đổi trong đó, có 4 thay đổi lớn: + Đăng ký dự thi, xét tuyển theo hình thức trực tuyến.
+ Đăng ký xét tuyển sau kỳ thi tốt nghiệp THPT .
+ Chỉ cộng điểm ưu tiên trong năm thí sinh tốt nghiệp. + Không yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm.
Học sinh đăng ký dự thi bằng hình thức trực tuyến. Không đăng ký nguyện vọng từ trước mà khi có kết quả tốt nghiệp THPT mới đăng ký xét tuyển và cũng không điều chỉnh nguyện vọng sau khi đăng ký góp phần giúp cho thí sinh chọn trường đại học sát với nhu cầu hơn, tránh nguyện vọng ảo như trước.
Áp lực của học sinh THPT sau 1 năm đặc biệt
Do dịch bệnh, năm học vừa qua có gần nửa thời gian học sinh phải học trực tuyến tạo nên áp lực không nhỏ với thí sinh. Lần đầu tiên việc đăng ký thông tin thi THPT được thực hiện hoàn toàn trực tuyến. Lần đầu tiên học sinh không đăng ký nguyện vọng vào trường ĐH nào trước khi có kết quả thi THPT. Học sinh phải tự quyết định và chịu trách nhiệm về lựa chọn của mình. Thầy cô hướng dẫn và kiểm tra nhiều lần để giúp học sinh đăng ký thông tin chính xác.
"Thầy cô hướng dẫn tụi em đăng ký trực tuyến, hoàn thành xong và hôm nay kiểm tra lại thông tin có đúng không", em Dương Thành Đức, học sinh lớp 12A10 trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TP Hồ Chí Minh cho biết.
Thầy Lê Hoàng Long, Giáo viên tin học trường THPT Nguyễn Du: "Mình chia ca cho các lớp xuống phòng máy, hướng dẫn các em đăng ký, sau đó kiểm tra cho các em".
Áp lực của con còn trở thành nỗi lo lắng của không ít phụ huynh học sinh. "Em đi thi mà ba mẹ còn lo lắng hơn cả em. Có phiếu đăng ký này mà ba em chạy tới chạy lui lên trường hỏi, dù em nói em làm được", em Trần Ngọc Thùy Linh, học sinh lớp 12 A5 trường THPT Nguyễn Du chia sẻ.
Cùng với đó là tăng tốc ôn thì bù kiến thức do học kỳ I đã học trực tuyến. Một số trường tốc lực cho học sinh ôn thi liên tục cả những ngày cuối tuần. Chọn ngành học và chọn nghề cho tương lai là câu hỏi quan trọng đặt ra trong niên khóa 3 năm THPT các em đã trải qua nhiều đợt nghỉ học để chống dịch. Vì vậy, lựa chọn vào trường nào bằng cách thức nào không phải dễ dàng với tất cả học sinh.
Hiện nay, ngày càng có nhiều phương thức tuyển sinh đại học khác nhau để các thí sinh lựa chọn hình thức phù hợp.
5 hình thức tuyển sinh chính: 1. Kết quả Thi THPT quốc gia 2. Xét học bạ 3. Tuyển thẳng 4. Thi đánh giá năng lực (ĐH quốc gia TPHCM) 5. Thi đánh giá năng lực của 1 số ngành chuyên biệt
Có nhiều phương thức tuyển sinh thế nhưng "đại học đừng học đại" cần phải có sự lựa chọn sáng suốt và phù hợp năng lực. Nhiều thí sinh chọn kỳ thi đánh giá năng lực để thêm cơ hội lựa chọn vào đại học phù hợp với năng lực của mình. Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh với một bài thi theo chuẩn quốc tế, phù hợp với chương trình đào tạo ở Việt Nam vừa rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí cho thí sinh. Đặc biệt, có đến trên 80 trường đại học, cao đẳng chọn thí sinh từ kết quả kỳ thi này.
Thi đánh giá năng lực - Thêm cơ hội vào đại học
Em Lê Xuân Mai (học sinh lớp 12A10 trường THPT Nguyễn Du) vừa trải qua kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 tháng 3 vừa qua. Dù điểm khá cao, đủ điểm vào một số trường nhưng em vẫn muốn thêm cơ hội nên đăng ký thi đợt 2 vào cuối tuần này.
"Em có thi đợt 1 và chuẩn bị thi đợt 2, đó là cánh cửa để chúng em dễ dàng vào được trường mà chúng em mong muốn hơn", Xuân Mai cho biết.
Không chỉ Xuân Mai mà rất nhiều học sinh đã chọn tham gia kỳ thi này. 180 phút cho 1 bài thi tích hợp 8 môn học. Nhiều thí sinh lựa chọn kỳ thi này vì cho rằng đề thi đúng là đánh giá năng lực, chứ không đánh đố.
Năm nay, có hơn 80 trường đại học, cao đẳng đã chọn kết quả của kỳ thi này để tuyển sinh đại học. Trong đó, tỷ lệ tuyển sinh bằng hình thức này ở các trường khoảng 10-15%. Đặc biệt, một số trường trong khối Đại học Quốc gia có thể tuyển sinh lên đến 70% từ kết quả kỳ thi này.
Sau 5 năm tổ chức, với cách tổ chức kỳ thi đơn giản phù hợp với chuẩn quốc tế về đánh giá năng lực của người học, ngày càng nhiều thí sinh lựa chọn kỳ thi này và các trường đại học, cao đẳng cũng ưu tiên tuyển sinh từ kết quả kỳ thi.
Có nhiều cơ hội cho thí sinh vào đại học nhưng đó không phải con đường duy nhất giúp các em phát huy năng lực. Nhiều cơ hội mở ra với các thí sinh bên ngưỡng cửa cuộc đời sau 12 năm học. Rất nhiều em chọn học nghề và có những cánh cửa mở rộng chào đón tương lai của các em.
Học nghề - Lựa chọn của nhiều học sinh
Em Trần Thanh Phong (quê ở Đồng Nai) quyết định chọn học nghề ở chuyên ngành tự động hóa tại trường Cao đẳng Lý Tự Trọng. Với em đó là quyết định nhanh chóng đúng mong muốn, sở trường.
Phong cho biết: "Em chọn vào cao đẳng vì em muốn đi thật nhanh và chính xác con đường đúng ngay từ đầu luôn".
Không những thế, những sinh viên học ngành Cơ điện tử của trường này còn có cơ hội chuẩn bị sang Nhật thực tập và làm việc. Thậm chí còn tham gia các cuộc thi tay nghề thế giới theo tiêu chuẩn 4.0.
Một số trường Cao đẳng đào tạo nghề ở TP Hồ Chí Minh những năm gần đây đã tăng chỉ tiêu đào tạo, năm nào cũng tăng hơn năm trước 5-20%, thậm chí mở thêm ngành mới để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các nhà máy. Cơ sở vật chất phải thay đổi thậm chí đưa doanh nghiệp vào trong trường và ngược lại.
Sau khi tốt nghiệp THPT, nhiều em đã chọn học nghề thay vì vào đại học, thậm chí nhiều em chọn ngã rẽ từ sớm, ngay từ lớp 9, tốt nghiệp THCS là vào thẳng học nghề. Nhiều cánh cửa mở ra thậm chí sinh viên có tay nghề đều được doanh nghiệp đặt hàng, nhận làm việc từ khi mới bước vào học.
Vào đại học chắc chắn không phải là cánh cửa duy nhất giúp các em bước vào cuộc sống một cách dễ dàng. Quan trọng hơn đó là sự lựa chọn ngành nghề phù hợp nhất với năng lực, sở trường của người học và tạo ra giá trị và đúng nhu cầu nhân lực mà xã hội đang cần.
Nếu không thi đỗ đại học thì vẫn có nhiều con đường khác các em lựa chọn bước vào đời. Không cần quá áp lực, học nghề và làm tốt năng lực sở trường, việc làm có thể đợi người học ngay khi đang ngồi trên ghế nhà trường.