Học sinh lớp 12 bị đột quỵ, chuyên gia chỉ ra dấu hiệu cảnh báo sớm

Chia sẻ Facebook
24/03/2023 15:27:25

Đột quỵ là bệnh lý cấp tính đe dọa đến tính mạng và đang có xu hướng trẻ hóa. Mới đây, thông tin nam sinh lớp 12 bất ngờ bị đột quỵ khiến nhiều người giật mình.


Em H.H.C. (SN 2005, trú xóm 2, xã Quỳnh Thanh, Quỳnh Lưu, Nghệ An ) hiện học lớp 12. Sức khỏe em C. bình thường. Hàng ngày, em phụ giúp bố mẹ làm nông, cuối tuần đi phụ hồ.

Thế nhưng chỉ sau một cơn đau đầu, C. bắt đầu bị co giật toàn thân, hôn mê. Qua chụp chiếu, các bác sĩ chẩn đoán C. bị xuất huyết dưới nhện do vỡ túi phình lớn động mạch cảnh trong phải. C. đã bị đột quỵ khi tuổi đời còn rất trẻ.


Có thể nói, đột quỵ hiện nay ngày càng trẻ hóa, nhất là vào thời tiết nắng nóng. Vào tháng 10/2021, Bệnh viện Đột quỵ - Tim mạch Cần Thơ cứu sống bé N.T.M. 8 tuổi ở An Giang bị đột quỵ nhồi máu não.

Cũng trong năm 2021, một nữ sinh lớp 12 ngụ Long An bị đột quỵ sau khi đi học về. Vào đầu năm 2021, Bệnh viện Nhi đồng Tp.HCM cũng thông tin về trường hợp một bệnh nhi 3 tuổi đã được cứu sống sau 1 tháng nhập viện vì đột quỵ xuất huyết não.

Đột quỵ hiện không còn là căn bệnh được quy cho người già hay người trưởng thành nữa. Do đó, dù là trẻ nhỏ, cha mẹ cũng nên lưu tâm đến chứng bệnh đáng sợ này để nhanh chóng đưa con đi khám và điều trị kịp thời.

Theo Tiến sĩ Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện Đột quỵ và Tim mạch Cần Thơ, đột quỵ xuất huyết não được mô tả là tình trạng bệnh gây ra do sự vỡ mạch máu trong não làm cho máu trong lòng mạch thoát ra bên ngoài có thể tràn vào trong mô não gây phá huỷ và chèn ép mô não, máu cũng có thể tràn vào não thất gọi là xuất huyết não thất hay cũng có thể tràn vào khoang màng nhện gọi là xuất huyết khoang dưới nhện.

Theo thống kê, đột quỵ nhồi máu não phổ biến hơn chiếm khoảng 80% các trường hợp. Đột quỵ xuất huyết não chiếm khoảng 20% các trường hợp.

Với những bệnh nhân trẻ tuổi nhưng lại bị đột quỵ thì sẽ thuộc nhóm xuất huyết não, yếu tố thúc đẩy là tăng huyết áp. Có tới 80% bệnh nhân bị đột quỵ xuất huyết não không có triệu chứng báo trước. Số ít có dấu hiệu đau đầu kéo dài, động kinh, hoặc sụp mi mắt.

Bệnh nhân bị vỡ phình mạch máu não, dẫn đến xuất huyết tràn trong não và tử vong. Với những bệnh nhân như vậy, lúc chưa vỡ thường không có biểu hiện lâm sàng, cho tới lúc nào đó có một cơn tăng huyết áp, hay mạch máu không chịu nổi rồi vỡ dẫn đến xuất huyết não, hôn mê sâu, nặng sẽ tử vong.

Tiến sĩ Cường cho biết nhiều người đến nay vẫn lầm tưởng đột quỵ thành trúng gió. Tuy nhiên, trong y học hiện đại, người ta đã chứng minh rằng không có hiện tượng trúng gió mà nó chỉ là từ ngữ trong dân gian. Nếu bệnh nhân đột quỵ cấp cứu trễ thời gian vàng, mặc dù bác sĩ rất tài giỏi cũng không thể cứu được họ hoặc cứu được thì người bệnh sẽ bị tàn phế.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai), ở trẻ lớn, dấu hiệu đột quỵ tương tự như ở người lớn. Cụ thể là méo miệng, nói đớ, liệt nửa người đột ngột... Trẻ đột nhiên xuất hiện đau đầu dữ dội, giảm tri giác, bất tỉnh, hôn mê sâu...

Ở trẻ nhỏ, những dấu hiệu của bệnh đột quỵ khó nhận ra hơn. Nhiều trường hợp trẻ không có biểu hiện rõ ràng mà chỉ xuất hiện cơn đau đầu, nôn ói, lơ mơ, lừ đừ... nên dễ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh lý khác.

Những lúc như vậy, gia đình không nên chủ quan. Nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất có chuyên khoa ngoại thần kinh để kịp thời xử lý.

Ngoài ra, dù là người trẻ hay già cũng nên duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống và sinh hoạt điều độ. Không nên căng thẳng kéo dài. Hạn chế uống rượu bia, không hút thuốc lá... để phòng tránh đột quỵ.


Minh Hoa (t/h)

Chia sẻ Facebook