Học sinh Hà Nội trở lại trường: Một ngày nhiều cảm xúc
Ngày 6-4, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 tại Hà Nội đến trường sau gần một năm gián đoạn vì dịch COVID-19. Với những đứa trẻ lớp 1, lớp 6 thì đây là ngày đầu tiên bước chân vào ngôi trường mới.
Chưa bao giờ trường học Hà Nội đóng cửa dài đến thế. Có nhiều câu chuyện lập cập, nhầm lẫn ngày trở lại trường dở khóc dở cười. Nhưng đó sẽ là kỷ niệm đáng nhớ của nhiều người trong một ngày nhiều cảm xúc.
Bảy tháng mới vào năm học mới
Ở Trường tiểu học Dịch Vọng B (quận Cầu Giấy), những đứa trẻ lớp 1 lần đầu đến trường trong trang phục khác nhau vì các bé chưa được phát đồng phục sau hơn bảy tháng bước vào năm học mới. Thời tiết nửa xuân nửa hạ nên có bé mặc áo rét kín mít, có bé mặc quần lửng, áo mới rộng thùng thình, bịn rịn rời tay bố mẹ. Mặc dù trường có cả đội sinh viên tình nguyện cầm biển lớp 1 để trẻ dễ nhìn nhưng nhiều bé vẫn ngơ ngác nhìn sân trường đông đúc. Một vài bé quay về phía bố mẹ đứng ngoài cổng trường do dự. "Các con ơi, nhanh lên nào, vào đây chơi". Thầy giáo thể dục của trường cất tiếng gọi vui vẻ, xua đi sự lo lắng trên mặt các cô, cậu bé lần đầu được đến trường.
Tại Trường tiểu học Ngô Quyền (quận Hai Bà Trưng), không khí tưng bừng như có một ngày khai trường thứ hai trong năm học. Có riêng một lễ đón học sinh lớp 1 tổ chức tại sân trường. Còn cô Lê Thúy Ngà - hiệu trưởng Trường tiểu học song ngữ Wellspring - cho biết: "Chúng tôi chuẩn bị rất lâu rồi, nhiều lần vệ sinh khử khuẩn, nhiều lần lên phương án, diễn tập và hôm nay mới thực sự được đón học sinh trở lại". Các lớp học ở trường này tràn ngập "trái tim" trên tường lớp học, trên bảng đen, trong những món quà gửi đến học sinh. Hơn cả ngày khai trường, một sự trở lại đầy cảm xúc.
Và buổi học đầu tiên của nhiều học sinh lớp 1 diễn ra nhẹ nhàng theo quan điểm để trẻ làm quen với cô giáo, bạn bè và trường lớp. Tại Trường tiểu học Dịch Vọng B, lần lượt các lớp 1 được cô giáo chủ nhiệm dẫn đi tham quan trường. Theo cô Nguyễn Thanh Huyền - hiệu trưởng, tuần đầu tiên sẽ dành để hướng dẫn trẻ lớp 1 các kỹ năng cần thiết để làm quen với trường, lớp.
"Chúng tôi thấy không cần vội học bài mới mà cần giúp trẻ ổn định tâm lý, bớt bỡ ngỡ với môi trường mới. Sau đó, chúng tôi sẽ rà soát, đánh giá chất lượng dạy học trực tuyến để có cơ sở bù đắp kiến thức, kỹ năng và giúp đỡ những học sinh khó khăn" - cô Huyền cho biết.
Bố nhầm trường, con nhầm lớp
Ở Trường tiểu học Trung Văn (quận Nam Từ Liêm), một học sinh cho biết em học lớp 1G nhưng lại không thấy cô giáo giống cô giáo của mình đã học trực tuyến. Cô giáo chủ nhiệm cũng khẳng định không có học sinh như vậy ở lớp mình phụ trách. Sau khi kiểm tra sách vở của học sinh, cô giáo mới phát hiện em học trường khác nhưng phụ huynh đã đưa con đến... nhầm trường và đã ra về. May là học sinh nhớ được số điện thoại của bố mẹ để nhà trường gọi đến đón.
Một số học sinh khác lại... vào nhầm lớp. Dù các trường đã tổ chức đón học sinh tại cổng trường và chỉ dẫn rõ ràng. Nhưng học sinh lớp 1 hoàn toàn khác với những học sinh khác khi lần đầu đến trường. Nếu trẻ không được dẫn vào tận lớp thì sẽ rất dễ đi lạc.
"Đưa con đến trường và ra về thì cô giáo chủ nhiệm điện thoại vì không thấy con đến lớp. Tá hỏa chạy đến trường để cùng cô giáo tìm con thì mới biết con đang ngồi ở một lớp khác" - một phụ huynh lớp 1 chia sẻ về ngày đầu đi học của con.
Còn có những bé lớp 1 đi vệ sinh xong, lẽ ra phải rẽ trái thì lại rẽ phải và vào một lớp khác.
Tại cổng một số trường tiểu học ở quận Cầu Giấy, khá nhiều phụ huynh sau khi đưa con đến trường đã không quay về mà ngồi chờ.
"Con chưa bán trú mà mới chỉ học 1 buổi/ngày nên tôi đã xin nghỉ phép để chờ đón luôn. Ngày đầu của con, nhưng bố mẹ đều hồi hộp, lo âu, mường tượng ra đủ thứ. Tôi chờ ở đây để chắc chắn, con đang an toàn ở bên trong cổng trường kia" - một phụ huynh có con học lớp 1 Trường tiểu học Nghĩa Tân cho biết.
Chưa rõ thời điểm mầm non trở lại trường
Tại cuộc họp trực tuyến về tổ chức cho học sinh tiểu học trở lại trường, ông Trần Thế Cương - giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội - đã cho biết ngay sau khi học sinh khối lớp 1-6 đi học trở lại sở sẽ cho lấy ý kiến phụ huynh, làm căn cứ để có phương án đề xuất UBND TP cho trẻ mầm non đi học trở lại.
Nhưng ông Cương cũng cho rằng trường mầm non dừng hoạt động kéo dài lâu nhất so với các cấp học nên rất cần thời gian rà soát toàn bộ cơ sở vật chất, khu vui chơi, đảm bảo an toàn cho trẻ khi mở cửa trường học trở lại.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và đào tạo đề nghị thời điểm hiện tại, các trường mầm non có kế hoạch vệ sinh khử khuẩn, bổ sung trang thiết bị và có phương án sẵn sàng đón trẻ trở lại trường. Hiện tại, Hà Nội là địa phương duy nhất chưa cho học sinh mầm non trở lại trường và cũng chưa có đề xuất một thời điểm cụ thể về việc mở cửa trường trở lại.
Đồng phục chưa mặc đã ngắn, chật
Một cậu bé lớp 6 Trường THCS Nguyễn Trãi (quận Ba Đình, Hà Nội) đến trường với chiếc quần đồng phục ngắn và chật. Người mẹ cho biết: "Đồng phục mua vẫn còn nguyên mới vì con chưa được đến trường. Nhưng bọn trẻ tuổi dậy thì lớn bổng lên chỉ trong vài tháng nên hôm nay tới trường, quần áo đều bị ngắn và chật. Phải chờ con đi học trở lại vài hôm mới mua được đồng phục size lớn hơn được".
Ở Trường tiểu học Dịch Vọng B, cô Huyền cũng cho biết có nhiều cháu đến trường buổi đầu tiên với những chiếc áo ngắn, quần cộc. Vì bảy tháng đủ để những đứa trẻ lớn lên, không còn mặc vừa cỡ đồng phục cũ.
Sáng 6-4, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 tại Hà Nội đến trường sau hơn 7 tháng liên tục học trực tuyến để phòng dịch COVID-19. Trong đó, học sinh lớp 1 lần đầu tiên được đến trường.