Học sinh được chọn môn, chương trình lớp 10 mới sẽ được triển khai ra sao?

Chia sẻ Facebook
02/04/2022 00:59:20

Kể từ năm học tới, chương trình học của khối lớp 10 sẽ có nhiều điểm mới và có ý nghĩa lớn trong việc định hướng nghề nghiệp với các em học sinh.


Điểm mới quan trọng nhất của chương trình lớp 10 mới nói riêng và bậc THPT nói chung là cho phép học sinh được lựa chọn môn học, nội dung học. Cụ thể, học sinh sẽ học các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, các môn học lựa chọn, các chuyên đề học tập và các môn học tự chọn.

Môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc là môn học mọi học sinh đều phải học bao gồm: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục địa phương.

Môn học lựa chọn là những môn học sinh được phép lựa chọn từ 3 nhóm môn học:

- Nhóm môn khoa học xã hội: Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật.

- Nhóm môn khoa học tự nhiên: Vật lí, Hóa học, Sinh học.

- Nhóm môn công nghệ và nghệ thuật: Công nghệ, Tin học và Nghệ thuật (gồm Âm nhạc và Mĩ thuật).

Học sinh được chọn học 5 môn từ 3 nhóm môn này, mỗi nhóm phải chọn ít nhất 1 môn. Ngoài việc lựa chọn môn học, đối với một số môn như Công nghệ, Tin học, Mĩ thuật, Âm nhạc, học sinh còn được chọn nội dung học trong mỗi môn.

Một số môn học có các chuyên đề học tập. Chẳng hạn, môn Công nghệ có chuyên đề công nghiệp và nông nghiệp. Môn Mỹ thuật có nhiều chuyên đề khác nhau như thiết kế công nghiệp, thiết kế mỹ thuật đa phương tiện, điêu khắc, hội họa, kiến trúc… Học sinh được lựa chọn các chuyên đề học tập phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.


Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các văn bản hướng dẫn thế nhưng năm nay là năm đầu tiên triển khai nên không phải trường nào, giáo viên nào và học sinh nào cũng nắm vững những điểm mới này. Đến nay, vẫn còn những băn khoăn, thắc mắc về các môn học tự chọn, các nội dung chuyên đề học tập của lớp 10 tới đây.

Việc học sinh sẽ học cố định 7 môn và tự chọn 5 môn đã khiến sự lựa chọn tổ hợp 5 môn trở nên đa dạng, thậm chí có phần hơi rối rắm cho những người còn "lơ tơ mơ", khi các em sẽ có đến hơn 100 cách chọn tổ hợp 5 môn từ 3 nhóm môn học.

Ngay từ đầu năm, Sở GD&DT đã chỉ đạo tập huấn đặc biệt là cho các giáo viên lớp 9 nhằm cung cấp kiến thức sẽ được chú trọng trong năm học lớp 10 của học sinh từ đó giáo viên lớp 9 phải bổ sung mảng kiến thức nào. Theo giáo viên lớp 9, chương trình lớp 10 mới so với chương trình hiện hành có sự khác biệt rất lớn.

Còn tại tỉnh Nam Định, các nhà trường đang tích cực triển khai các công việc cho chương trình mới ở lớp 10. Công tác chuẩn bị tập trung vào cơ sở vật chất, thiết bị và công nghệ dạy học, đội ngũ giáo viên và đặc biệt là xây dựng kế hoạch dạy học theo chương trình mới, sao cho cân đối giữa nhu cầu học tập, chọn lựa môn học của học sinh và điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên của các trường.

Kể từ sau Tết, trường THPT Trần Hưng Đạo, tỉnh Nam Định đã bắt tay vào xây dựng cơ cấu dự kiến các môn học lựa chọn của trường. Trên cơ sở tính toán số lượng đội ngũ giáo viên, thiết bị dạy học, xu hướng chọn học các môn Tự nhiên và xã hội của học sinh toàn trường vài năm gần đây, ban giám hiệu trường dự kiến tổ chức 5 tổ hợp môn lựa chọn khác nhau.


Còn tại trường THPT Nguyễn Trường Thúy, lãnh đạo trường đã triển khai phiếu thăm dò nguyện vọng đăng ký các tổ hợp môn tự chọn tới 5 trường THCS lân cận có nhiều học sinh dự thi tuyển sinh vào trường. Mục tiêu để khảo sát nguyện vọng chọn môn học của các em. Trường cũng rà soát đội ngũ, xây dựng các tổ hợp môn lựa chọn, dự kiến phân công giáo viên dạy lớp 10. Trường đã có phương án xây dựng các tổ hợp môn học lựa chọn và sẽ công bố công khai phương án tổ hợp tới cho các học sinh trước khi tiến hành tuyển sinh vào trường.

Tất cả các trường THPT trên địa bàn tỉnh Nam Định đều không có giáo viên Mỹ thuật và Âm nhạc do đây là 2 môn mới, chưa từng được dạy tại bậc THPT. Tỉnh Nam Định dự kiến, năm học tới, học sinh tạm thời chưa học 2 môn này cho đến khi tỉnh có phương án tuyển dụng giáo viên Nghệ thuật cho các trường THPT.

Việc xây dựng tổ hợp các môn lựa chọn được tính toán để đảm bảo lộ trình lâu dài, ít nhất là 3 năm cho các học sinh đến khi các em ra trường. Vấn đề đặt ra là sau khi học hết lớp 10, nếu các em muốn thay đổi tổ hợp môn lựa chọn, hoặc các em chuyển đến trường không có tổ hợp môn học lựa chọn tương tự thì sẽ phải làm thế nào? Đại diện các trường ở Nam Định cho biết sẽ chờ hướng dẫn của Bộ và Sở Giáo dục đào tạo trong thời gian tới. Còn trước mắt, các trường đều đang tích cực và chủ động chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để đón học sinh vào lớp 10 năm tới.

Chia sẻ Facebook