Học sinh các nước được hướng nghiệp ra sao
Học sinh ở Singapore, Australia, Canada và Mỹ tham vấn chuyên gia, tham gia hoạt động định hướng và các câu lạc bộ để quyết định nghề nghiệp tương lai.
Chương trình giáo dục phổ thông mới ở Việt Nam, chia làm hai giai đoạn gồm Giáo dục cơ bản (lớp 1 đến 9) và Giáo dục định hướng nghề nghiệp (lớp 10 đến 12), được triển khai từ năm học 2020-2021. Với chương trình mới , học sinh trung học phổ thông sẽ học ít môn hơn và được chọn môn theo năng khiếu, sở thích. Đây là điểm mới hoàn toàn so với hiện tại và được đánh giá là tiệm cận xu hướng thế giới.
Mai Tuấn Minh hiện là sinh viên ngành Kỹ thuật Điện - Điện tử, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore. Hết lớp 8 ở Việt Nam, năm 2012, Minh sang Singapore và phải học lại bậc trung học cơ sở. Nam sinh cho biết các trường ở Singapore chú trọng hướng nghiệp từ sớm.
Cấp tiểu học của Singapore kéo dài sáu năm, trong đó bốn năm học kiến thức cơ sở từ lớp 1 đến 4 và hai năm học định hướng, lớp 5 và 6. Cấp hai kéo dài 4-5 năm, từ lớp 7 đến 10, với các môn bắt buộc gồm Toán cơ bản, tiếng Anh, Xã hội học và ngôn ngữ mẹ đẻ (tiếng Trung, Ấn Độ hoặc Malaysia).
Ngoài ra, học sinh được chọn nhiều môn khác theo định hướng nghề nghiệp sau này. Minh chọn Toán nâng cao, Vật lý, Kế toán và Địa lý để thuận lợi cho ngành Điện điện tử. Học sinh phải thi lấy bằng O level (General Certificate of Education: Ordinary Level) để vào trung học phổ thông.
Cấp ba, các em có một số lựa chọn nhưng thường theo hai hướng chính là học cao đẳng (Polytechnic) trong ba năm hoặc dự bị đại học (Junior Colleges) hai năm. Những em học cao đẳng sẽ xét điểm GPA để vào đại học, trong khi hệ dự bị đại học cần thi lấy bằng A level. Minh theo hệ cao đẳng vì muốn được thực hành nhiều hơn. Tốt nghiệp với GPA 4.0/4.0, em vào thẳng Đại học Công nghệ Nanyang.
Minh cho biết, học sinh cấp hai ở đây được tham gia các Job Shadowing (dự khán công việc - một hoạt động tìm hiểu việc làm) để biết một ngày làm việc tại công ty sẽ ra sao. Ở mỗi trường cấp hai, dự bị đại học hoặc cao đẳng đều có văn phòng hướng nghiệp (Education and Career Guidance - ECG) để mỗi khi cần, sinh viên có thể gặp người tư vấn nói chuyện. Trường cũng thường tổ chức các cuộc trao đổi, định hướng có sự tham gia của cựu sinh viên.
Trong khi đó ở Canada , chương trình giáo dục được chia làm hai giai đoạn, Elementary school (lớp 1 đến 7) và Secondary school (lớp 8 đến 12). Ngô Minh Anh, hiện làm trợ lý tại một văn phòng ở thành phố New Westminster, British Columbia, từng học trung học và đại học tại Canada. Theo Minh Anh, học sinh ở Canada được định hướng nghề nghiệp từ lớp 10.
"Năm lớp 8-9, học sinh được chọn môn yêu thích để đến lớp 10 sẽ theo những môn đó hoặc chuyển hướng môn khác phù hợp hơn", Minh Anh nói.
Ở lớp 10, học sinh có các môn bắt buộc (tiếng Anh, Xã hội học, Toán, Khoa học, Giáo dục thể chất) và ba môn tự chọn. Lên lớp 11, 12, số môn bắt buộc giảm đi và học sinh được chọn môn theo ý thích.
Nếu muốn học về phát triển, đầu tư doanh nghiệp, các em có Kế toán, Marketing, Thành lập doanh nghiệp... Trường hướng dẫn học sinh chọn công việc tình nguyện liên quan để có thêm kỹ năng trong lĩnh vực mong muốn. Trước khi tốt nghiệp, mỗi em cần ít nhất 90 giờ làm việc từ thiện trong trường hoặc các trung tâm cộng đồng...
Minh Anh cho biết, các môn học ở trường được phân nhóm, ví dụ nhóm "Applied skills" (các kỹ năng ứng dụng) gồm Kế toán, Marketing, Công nghệ thông tin, Điện, May vá, Thiết kế website... Ngoài nhóm này, trường cũng có nhóm ngôn ngữ (tiếng Nhật, Trung, Pháp, Tây Ban Nha); nghệ thuật (vẽ, truyền thông, nhảy, hát, diễn xuất...) và tiếng Anh, Toán, Khoa học, Xã hội phân theo từng cấp độ. Học sinh cũng được lựa chọn lớp "Leadership" để rèn kỹ năng lãnh đạo.
Các trường đại học ở Canada không tổ chức thi mà xét tuyển dựa trên phần lớn điểm trung bình và điểm thi cuối kỳ lớp 12, hoạt động thiện nguyện, ngoại khóa.
Tại Mỹ , ngành học được quyết định khi các em vào đại học. Trần Diệu Anh, lớp 12 trường Wyoming Seminary, bang Pennsylvania, chia sẻ, cấp ba ở Mỹ bắt đầu từ lớp 9 đến 12. Các em bắt đầu tự định hướng nghề nghiệp từ lớp 11. Trường học sẽ không can thiệp nhiều đến lựa chọn của học sinh mà tạo môi trường với nhiều hoạt động giúp định hướng tương lai. Học sinh cũng có thể tìm đến giáo viên bộ môn để nhận lời khuyên.
Theo Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, trưởng khoa Tài chính - Kế toán, Đại học Westfield State, bang Massachusetts, các trường học ở Mỹ có hệ thống counselor (nhà tư vấn) mạnh và nhiều câu lạc bộ, giúp học sinh khám phá, phát huy khả năng ở lĩnh vực nào đó. Các counselor có văn phòng riêng ở trường, không có nhiệm vụ giảng dạy, chỉ hỗ trợ, tư vấn, định hướng cho học sinh.
Hoạt động định hướng thường thông qua môn học hoặc câu lạc bộ. Diệu Anh ấn tượng nhất với câu lạc bộ Mock Trial, hay phiên tòa giả định. Mock Trial được tạo ra cho các bạn hứng thú với ngành luật. Tại đây các em được luyện kỹ năng thuyết trình, được hướng dẫn cách phân tích vụ án, đóng vai luật sư hoặc nhân chứng.
Du học sinh Việt cho biết thêm, hai năm đầu em có những môn bắt buộc, từ năm ba trở đi, học sinh được tự chọn nhiều môn hơn nhưng phải tham gia từ năm đến nhiều nhất là bảy lớp.
Lớp học không chia theo khối mà chia theo môn, và đăng ký theo trình độ. Được truyền cảm hứng từ người cha doanh nhân, Diệu Anh đăng ký học các lớp về kinh doanh và một lớp nâng cao về kinh tế.
Tại Australia , chương trình giáo dục cơ bản hướng đến cung cấp kiến thức toàn diện cho các em trong cuộc sống và công việc.
Theo tiến sĩ Tô Thị Vinh, Giảng viên cao cấp trường Sư phạm, Đại học Tasmania, bang Tasmania, giáo dục cơ bản của Australia gồm ba chiều: thứ nhất là các lĩnh vực học tập trong đó có các môn, thứ hai là năng lực chung và thứ ba là các ưu tiên của chương trình giảng dạy.
Giáo dục cơ bản bắt buộc từ dự bị (hay mẫu giáo) đến lớp 10. Giáo dục định hướng nghề nghiệp từ lớp 11 và lớp 12. Căn cứ vào sở thích và nguyện vọng về nghề nghiệp, các em được tư vấn chọn môn phù hợp ở lớp 11, 12 và chuẩn bị thi tốt nghiệp phổ thông. Điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông là căn cứ để xét tuyển vào đại học.
Từ dự bị đến lớp 10, học sinh học các môn và nhóm môn Nghệ thuật (Kịch, Âm nhạc, Nghệ thuật Truyền thông, Nghệ thuật Thị giác), tiếng Anh, Giáo dục sức khoẻ và Thể chất, Khoa học Xã hội và Nhân văn (Lịch sử, Địa lý, Công dân và quyền công dân, Kinh tế và Kinh doanh), Ngôn ngữ, Toán, Khoa học và Công nghệ. Từ lớp 7 đến 10, các em học thêm ngoại ngữ hai và môn ngoại khoá như nấu ăn, làm mộc, kim loại.
Vào lớp 9 và 10, học sinh có thêm môn tự chọn là nghiên cứu việc làm, cung cấp cơ hội cho học nghề và phát triển các kỹ năng làm việc.
Từ năm lớp 11, các trường phổ thông ở Tasmania liên kết với Đại học Tasmania tổ chức tư vấn định hướng nghề nghiệp cho các em. Ví dụ, để học ngành Y, tiếng Anh, Hoá học và Toán là bắt buộc. Phụ huynh cũng được mời để tham gia vào quá trình thảo luận chọn nghề. Các bố mẹ phải ký xác nhận đồng ý cho con học các môn phù hợp với nguyện vọng của mình để thi tốt nghiệp.
Tại bang Tasmania, học sinh có thể chọn thực hiện kết hợp giữa giáo dục và đào tạo nghề (VET) và các khóa học của Văn phòng Đánh giá, Tiêu chuẩn và Chứng nhận Tasmania (TASC).
"Các em được chọn môn để thi tốt nghiệp và lấy điểm xét tuyển vào đại học, đồng thời có thể chọn học thêm môn đào tạo nghề để lấy chứng chỉ sau này đi học nghề", tiến sĩ Vinh nói.
Bình Minh