Học online quá lâu, bạn trẻ sợ thiếu kỹ năng khi phỏng vấn xin việc

Chia sẻ Facebook
31/05/2022 09:45:19

Sau thời gian dài học trực tuyến, nhiều bạn trẻ lo ngại thiếu kỹ năng nói chuyện, trình bày và đàm phán khi đối diện nhà tuyển dụng. Đó là tình trạng ghi nhận tại Ngày hội việc làm Pháp - Việt 2022.

Bạn trẻ tham gia ngày hội việc làm nhằm tìm kiếm cơ hội, học hỏi kỹ năng trả lời phỏng vấn chuyên nghiệp trước các doanh nghiệp trong và ngoài nước - Ảnh: NGỌC ANH


Nhằm tìm kiếm cơ hội và trau dồi kỹ năng, từ 4h sáng, Thái Bình đón chuyến xe sớm từ Cần Thơ lên TP.HCM dự Ngày hội việc làm Pháp - Việt 2022 (ngày 28-5). Cô sinh viên năm 3 có chút rụt rè và tự ti vì không biết nên đặt câu hỏi gì cho nhà tuyển dụng.


Dần mất kỹ năng vì học online quá lâu

Thái Bình hiện là sinh viên năm 3 ngành sư phạm tiếng Pháp, Trường ĐH Cần Thơ. Đến ngày hội với mong muốn mở rộng cơ hội việc làm, cô tự tin về kỹ năng chuyên môn, nhưng vẫn lo sợ không thể hiện tốt trước nhà tuyển dụng.

"Vì học online, em không được nói chuyện trực tiếp với mọi người. Dạo một vòng tham khảo nhu cầu của nhà tuyển dụng, em không biết phải đặt câu hỏi gì với họ, và ngại trình bày mong muốn của bản thân", Bình thật thà kể.

Bình cho hay việc học trực tuyến cũng ảnh hưởng tới khả năng tư duy của một sinh viên ngôn ngữ. "Vì học online, em có xu hướng sử dụng Google dịch và từ điển nhiều hơn, dẫn đến việc lười nhớ từ mới cũng như tư duy khi viết", Bình nói.

Kim Trang cho biết sẽ cố gắng trau dồi, cọ xát trực tiếp nhiều hơn để không còn rụt rè khi trò chuyện trước người lạ, đám đông - Ảnh: NGỌC ANH


Tương tự, Sơn Kim Trang (21 tuổi, sinh viên Trường ĐH Đại Việt Sài Gòn) thể hiện sự lo lắng khi phải trình bày trước đám đông, không thể trò chuyện lưu loát với nhà tuyển dụng. Trang cũng khá tự ti về khả năng ngoại ngữ và tin học.

Để mạnh dạn hơn, bạn tìm kiếm cơ hội cọ xát trực tiếp, học cách trả lời và đặt câu hỏi với doanh nghiệp. Trang tâm sự vì giá lương thực thực phẩm tăng phi mã theo giá xăng, nên bạn mong sớm tìm được việc làm nhằm phụ giúp tài chính gia đình ở Bạc Liêu và trang trải sinh hoạt phí.

"Một môi trường làm việc năng động, và đặc biệt là mọi người hoan hỉ, hòa đồng để mình rèn luyện khả năng giao tiếp cũng như chuyên môn" là mong muốn của Trang khi tìm kiếm nơi làm việc.

Lê Thị Thu Thuận (23 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) cũng nhận định học trực tuyến tuy không ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận kiến thức, nhưng tác động tới kỹ năng mềm của người học.

"Đúng là học online lâu khiến mình ngại khi ra ngoài xã hội hơn. Hồi trước dịch, mình mạnh dạn hơn nhiều", bạn bộc bạch. Dần rèn lại sự dạn dĩ lúc trước, Thuận đến ngày hội để gặp gỡ và tìm hiểu các doanh nghiệp Pháp.

Tuy chưa có mục tiêu làm tại doanh nghiệp nào, Quốc Cường (21 tuổi, sinh viên Cao đẳng FPT Polytechnic TP.HCM) đến ngày hội để tìm hiểu nhu cầu thị trường việc làm hiện tại. Cường chia sẻ khó khăn lớn nhất khi học trực tuyến là ít thực hành, và cảm giác cô đơn vì hạn chế trao đổi với bạn bè.


Doanh nghiệp tìm kiếm gì?

Nhiều nhà tuyển dụng nhận xét bạn trẻ Việt năng động, biết chủ động tiếp xúc sớm với đối tác chuyên môn, tìm kiếm cơ hội làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức. Tuy nhiên, để cơ hội trúng tuyển cao, các bạn cần rèn thêm khả năng giao tiếp, chủ động đặt câu hỏi, chuẩn bị trang phục chỉnh tề khi phỏng vấn.

Chị Nguyễn Tiểu Phụng, thuộc phòng truyền thông tổ chức ngày hội, cũng nhìn nhận các ứng viên trẻ Việt còn hay bị "khớp" khi giao tiếp với người nước ngoài, dù trước đó trò chuyện rất trôi chảy. Theo chị, bạn trẻ nên trau dồi khả năng thể hiện mong muốn, xác định rõ mục tiêu khi xin việc làm. Ngoài ra, kỹ năng thương lượng, đàm phán cũng cần được lưu ý.

Ông Hà Dương Đức (áo đỏ), chủ tịch một tổ chức tham gia ngày hội, đánh giá cao sự chân thành, trung thực của ứng viên khi phỏng vấn và làm việc. "Suy cho cùng, doanh nghiệp chọn bạn vì con người bạn, chứ không phải vì bằng cấp", ông nói - Ảnh: TÚ QUỲNH


Ông Hà Dương Đức, chủ tịch PNV (Passerelles numériques Vietnam) - một tổ chức phi chính phủ Pháp cung cấp chương trình đào tạo chuyên môn và kỹ năng miễn phí cho thanh thiếu niên hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cho biết: "Chúng tôi đặt trọng tâm vào kỹ năng mềm, nhất là kỹ năng giao tiếp và điều hòa cảm xúc. Điều này giúp ứng viên trở thành một nhân viên gắn bó và cống hiến với công ty hơn".

Đánh giá cao sự chăm chỉ của các bạn trẻ Việt Nam, tuy nhiên ông Đức nhận định các bạn đôi lúc có hơi cứng nhắc và "nghe lời". "Gần giống một chiến sĩ quân đội", ông hóm hỉnh so sánh.

"Các bạn rất cống hiến, nhưng lại ít khi tranh biện, thể hiện quan điểm. Đôi lúc nói lên suy nghĩ bản thân là một điều rất khó, đòi hỏi sự can đảm và tình yêu tập thể rất lớn. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, điều này cực kỳ cần thiết. Lâu dài, tập thể sẽ hòa hợp và cùng nhau đi lên, vì ai cũng cống hiến bằng tình cảm, như một gia đình", ông Đức đưa ra lời khuyên.

Sâm Ngọc Linh, cây thuốc giấu một thời của đồng bào Xê Đăng miền núi Quảng Nam, nay trở thành hàng xa xỉ với mức giá cả trăm triệu đồng/kg.

Chia sẻ Facebook