Học lại còn gặp ngay thầy cho "trượt môn": Nỗi đau nhân đôi

Chia sẻ Facebook
12/06/2023 17:11:43

Tốn tiền, tốn thời gian, công sức đi học lại đã khổ nhưng sẽ còn đau đớn hơn khi người đứng lớp lại chính là giảng viên thẳng tay đánh trượt môn lần trước của mình.


Nếu độc giả của YAN chưa từng học lại thì xin chúc mừng, bạn đã có những năm tháng đại học rất ấn tượng, còn nếu đã trải qua "nỗi đau" này thì cũng rất bình thường thôi vì người ta hay nói rằng "phải rớt môn 1 lần thì mới là sinh viên". Và có một điều khá chắc chắn rằng học lại có thể sẽ tốn tiền, tốn thời gian, lạ lớp, không quen ai nhưng tất cả đều không đáng sợ bằng việc gặp lại ngay thầy cô đã cho mình trượt môn.

Gặp lại thầy cô từng đánh trượt môn là nỗi ám ảnh của nhiều sinh viên.


Như tin "sét đánh ngang tai"

Có nhiều lý do khiến sinh viên phải học lại như nghỉ quá nhiều nên không đủ điều kiện thi, không đủ điểm để qua môn, trớ trêu hơn thì ngủ dậy muộn quên đi thi hoặc đăng kí học để cải thiện điểm. Thông thường, những ai rơi phải trường hợp này sẽ có 2 kiểu tâm lý, ngại môn khó, quá nhiều lý thuyết hoặc đáng sợ hơn là gặp lại thầy cô giáo đã đánh trượt môn của mình.

Nhiều sinh viên học lại để có điểm số tốt hơn.


Diễm Hương (sinh năm 2003) là sinh viên năm 3 tại một Học viện ở Hà Nội, chỉ vì môn Triết học mà Hương được nếm thử cảm giác học lại lần đầu tiên trong đời. " Với mình, đây là môn khó nhất vì mình thấy hơi trừu tượng, nhiều lý thuyết quá, điểm thi của mình luôn thấp mà không biết phải làm sao. Giảng viên cũng khá nghiêm khắc nên mình không dám thắc mắc khi gặp vấn đề khó hiểu, thế là cứ bị trượt dài thôi ", 10X chia sẻ.

Trong quá trình học tập, bị điểm thấp có thể do năng lực nhưng cũng có thể vì kém may mắn.


Dù không quá bất ngờ nhưng Hương vẫn khá sốc khi biết mình phải học lại. " Biết giảng viên cũ sẽ tiếp tục đứng lớp khiến mình thấy như 'sét đánh ngang tai vậy'. Vì lần trước học không hiểu gì nên mình bị ám ảnh mỗi khi nhìn thấy cô giáo đó. Nhưng may mắn vì có kinh nghiệm nên mình cuối cùng cũng qua môn. Sau đó mình nhận ra vấn đề không phải do người dạy mà do mình thôi ", Hương nói.

Sinh viên rất ngại học lại vì tốn tiền, tốn thời gian lại dễ chạm mặt giảng viên cũ. (Ảnh: Thanh Niên)


Nếu gặp giảng viên cũ khi học lại đáng sợ 1 phần thì cuộc "hội ngộ" lúc bạn đi thi lại còn oái ăm hơn nhiều lần. Minh Thành (sinh năm 2004) chia sẻ: " Khi học tiếng Trung, vì bất đồng trong kết quả kiểm tra khiến mình mất thiện cảm với cô giáo. Lúc đó mình bỏ bê luôn, không học nữa để rồi người trượt môn là mình, giờ nghĩ lại thấy dại quá. Đi học lại mình gặp giảng viên khác nhưng chính cô giáo năm xưa lại đi coi thi trúng phòng mình, đúng môn đó. Thế là hiển nhiên mình nổi bật nhất phòng thi, nhận được sự chú ý từ đầu đến cuối làm mình khá căng thẳng lại chẳng thể trao đổi bài với các bạn xung quanh ".

Thường xuyên hỏi bài cũng là cách tạo mối quan hệ tốt với giảng viên.


Sợ gặp thầy cô cũ nên không dám học cải thiện

Không nhất thiết phải trượt môn mới học lại mà những sinh viên muốn cải thiện điểm tốt hơn cũng có thể tham gia. Song, vì ngại gặp thầy cô giáo từng dạy trước đó mà nhiều người cũng khá lăn tăn trong vấn đề này.


Ngọc Khánh (sinh năm 2002) cho rằng nỗi lo của sinh viên khi học lại không phải là sợ môn khó, mà sợ gặp lại giảng viên cũ. Cậu bạn bộc bạch: " Thầy cô rất hay gọi những sinh viên quen mặt. Có lần mình học cải thiện Xác suất thống kê đúng lớp của giảng viên từng dạy, thế là buổi nào cũng bị gọi phát biểu. Mình thì không giỏi Toán cho lắm, mỗi lần có dấu hiệu bị gọi đều rất hoang mang, lo lắng, buổi nào cũng lo nơm nớp ".

Thường xuyên học nhóm sẽ nâng cao chất lượng học tập hơn, từ đó tránh được nguy cơ trượt môn.


Vậy mới thấy, nỗi lo của rất nhiều sinh viên khi học đại học, trong đó có các độc giả của Cột sống GEnZ , bên cạnh môn học khó, không qua môn còn là gặp lại người đã thẳng tay đánh trượt mình ở lần trước. Với quan điểm "nhẹ nhàng lướt qua đời nhau", hẳn là nhiều bạn sẽ muốn qua môn một cách bình yên, thuận lợi, không cần điểm quá cao, chỉ cần không học lại.


Biến "nghịch cảnh" thành cơ hội

Dẫu vậy, học lại hay học cải thiện mà gặp lại giảng viên cũ không hẳn là bất lợi. Vì đã quen mặt từ trước nên đây cũng có thể trở thành điểm cộng để bạn gây chú ý đến thầy cô, cho họ thấy mình thực sự nỗ lực hơn và dành tâm huyết cho môn học đó. Không cần thể hiện mình cao siêu, học đến đâu hiểu đến đó, đôi khi chỉ cần chăm chỉ xây dựng bài, chăm chú nghe giảng hoặc thoải mái đặt câu hỏi khi có thắc mắc cũng sẽ thành một điểm cộng để thầy cô thấy sự nhiệt tình của bạn, vậy thì khi chấm điểm cũng có thể sẽ ưu ái hơn một chút.

Có mối quan hệ tốt với giảng viên sẽ là 1 lợi thế trong quá trình học tập.

Mặt khác, gặp giảng viên cũ cũng sẽ là lợi thế vì bạn đã phần nào biết tính cách, phương pháp dạy của thầy cô đó. Điều này sẽ giúp bạn học tập dễ dàng hơn, biết cách thuận theo mong muốn của giảng viên để làm bài sao cho họ vừa lòng nhất.

Có phương pháp phù hợp sẽ giúp việc học thuận lợi hơn.

Tóm lại, học lại là vấn đề phát sinh ngoài ý muốn nên chắc chắn sẽ tốn tiền và thời gian hơn lần đầu tiên, đôi khi còn ảnh hưởng đến thời gian đi học, đi làm của sinh viên. Vì vậy, đã vào lớp thì phải cố gắng chú ý và phát huy "kinh nghiệm học lần 2" của mình hơn cho bõ công học lại, mang về điểm số cao hơn như ý muốn.

Ngoài những tin tức giải trí và đời sống được cập nhật liên tục, bạn cũng có thể tham gia vào cộng đồng hội những người tò mò về lá số thông qua Ứng dụng Tử Vi Toàn Tập nhé. Ứng dụng có thể giúp bạn tiên đoán về tình yêu và sự nghiệp một cách đơn giản và nhanh nhất. Tải app TẠI ĐÂY!

Học lại, học cải thiện là vấn đề mà ai cũng có thể gặp phải dù là do năng lực hay chưa đủ may mắn. Tuy nhiên, học lại mà gặp giảng viên cũ chưa hẳn đã là bất lợi. Đôi khi ta sợ gặp thầy cô giáo trước đó vì mình đã từng có biểu hiện không tốt, chưa tích cực trong lớp hoặc không hợp cách dạy của giảng viên, nhưng thực tế thì cũng không có cách nào khác ngoài tiếp tục đối mặt. Vì vậy, trong trường hợp này, hãy tận dung kinh nghiệm học lại của mình một cách khôn khéo, thể hiện thái độ học tập tích cực trên lớp, thiết lập mối quan hệ với giảng viên và nếu không thể hợp phương pháp dạy của thầy cô thì hãy cố gắng tự học hơn để sớm được thoát khỏi môn học đó nhé.


Xem thêm những bài viết tương tự TẠI ĐÂY

Chia sẻ Facebook