Học đủ thứ nhưng không học tự lập

Chia sẻ Facebook
18/07/2023 08:24:13

Gia đình và nhà trường đã chỉ chú tâm đến giáo dục tri thức khoa học và thi cử mà bỏ quên giáo dục tinh thần tự lập.


“Ngụy Vĩnh Khang (1983) được coi là thần đồng Trung Quốc, sinh ra trong một gia đình bình thường tại huyện Hoa Dung, tỉnh Hồ Nam. Mới hai tuổi, cậu bé Ngụy Vĩnh Khang đã nức tiếng gần xa với câu chuyện ‘Thần đồng phương Đông’.


Mới 13 tuổi, thần đồng này đã hoàn thành tất cả các chương trình từ tiểu học đến trung học phổ thông, rồi thi đỗ Đại học Tương Đàm với thành tích xuất sắc; bốn năm sau lại thi đỗ cao học và nghiên cứu sinh tiến sĩ vào Trung tâm nghiên cứu Vật lí cao cấp của Viện Khoa học Trung Quốc với thành tích xếp thứ hai.


Điều khiến mọi người bất ngờ là vào tháng 8 năm 2003, Ngụy Vĩnh Khang bị Viện Khoa học Trung Quốc cho nghỉ học với lí do không thể thích nghi được với việc học nghiên cứu sinh.


Sự thực là do Ngụy Vĩnh Khang không thể thích nghi được với cuộc sống. Từ nhỏ cho đến khi bước chân vào Viện Khoa học Trung Quốc, tất cả những công việc hàng ngày liên quan đến việc hoạt động ‘sống’ của Ngụy Vĩnh Khang đều do mẹ làm hết; thậm chí hơn 20 tuổi mà ăn cơm, giặt quần áo, tắm, rửa mặt, bê bát, cậu đều cần đến sự giúp đỡ của mẹ.”

Trường hợp của thần đồng Ngụy Vĩnh Khang ở trên phản ánh có tính chất biểu tượng điểm yếu chết người của giáo dục Trung Quốc, Việt Nam và có lẽ là ở nhiều nước khác.

Tự lập đầu tiên của con người là TỰ LẬP TRONG SINH HOẠT ĐỜI SỐNG THƯỜNG NGÀY.

Những thói quen đời sống như ăn, mặc, ở, vệ sinh, đi lại, ngủ, thức dậy… phải được hình thành đúng cách thông qua sự trải nghiệm có hướng dẫn từ khi trẻ ra đời cho đến khi hết tiểu học.

Tuy nhiên, có lẽ Trung Quốc cũng như Việt Nam, giáo dục gia đình trong suốt mấy nghìn năm chỉ nằm trong phạm trù kinh nghiệm. Cha mẹ chủ yếu dạy con về đạo lý và xử thế cùng các kĩ năng sinh hoạt sơ sài và vụn vặt. Cha mẹ không có đủ nhãn quan để nhìn rộng hơn để biết thông qua giáo dục các thói quen sinh hoạt lành mạnh mà tạo lập con người khỏe mạnh cả về thể chất và tâm hồn.

Trẻ chủ yếu học kĩ năng và kinh nghiệm đời sống một cách tự phát nhờ vào sinh hoạt trong đại gia đình nhiều thế hệ và đời sống xã hội địa phương (chơi cùng trẻ em khác, sinh hoạt cộng đồng, tham gia vào sản xuất…)

Tuy nhiên, khi xã hội công nghiệp hóa, đại gia đình nhiều thế hệ bị phá vỡ, chức năng sản xuất của gia đình bị chuyển ra không gian khác (nhà máy, công sở), cộng đồng địa phương truyền thống không còn tồn tại (cư dân sống trong đô thị, trong chung cư không có mối quan hệ gắn bó về huyết thống, sản xuất…), các kĩ năng xã hội của trẻ em không có cơ hội được hình thành đúng cách. Trường học chỉ tập trung vào nội dung các môn giáo khoa và thi cử.

Vì thiếu giáo dục đời sống nên cho dù thông minh, sáng láng và học hành tiến bộ, thi cử bách chiến bách thắng, 12 năm là học sinh giỏi trong các trường top đầu, rất nhiều học sinh Việt Nam có sự trưởng thành trong nhận thức xã hội và kinh nghiệm đời sống nhợt nhạt. Nhiều em sống, lớn lên và thành người lớn như cỏ dại.

Xã hội Việt Nam đang biến chuyển. Nhiều gia đình giàu lên nhanh. Ý thức về việc học để thay đổi địa vị mạnh lên trong dân chúng. Chính vì vậy rất nhiều gia đình ở nông thôn hi sinh hết cho con để con học. Con không cần phải làm gì chỉ cần ngồi vào bàn học để có điểm cao và thi đỗ.


Kết quả là một thế hệ thanh niên “Nghèo nhưng không khổ” trở thành sinh viên đại học và thành người trường thành.

Ở họ có trí tuệ nhưng thiếu sự cảm thông; có thông minh nhưng thiếu bao dung và kiên nhẫn; có tham vọng nhưng thiếu khả năng chịu đựng gian khổ.

Và khi kết hôn, có gia đình, phải nuôi con, chắc chắn họ sẽ gặp khó khăn trong thế giới tinh thần vì tinh thần của họ đã không được giáo dục tốt thông qua đời sống. Họ sẽ luôn cảm thấy tự ti hoặc bực dọc, chán nản hoặc phản ứng cực đoan mang sắc màu bạo lực.

Đấy là một nan đề của giáo dục Việt Nam hiện tại mà những ai quan tâm không thể bỏ qua.


Trích từ cuốn “Đường xa nghĩ về giáo dục Việt Nam”, tham khảo thêm tại đây
Tác giả: Nguyễn Quốc Vương


Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây


Xem thêm cùng tác giả, dịch giả :


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook