Học cách yêu thời bố mẹ: Cố gắng xây thay vì không thích liền dỡ bỏ
Thời của bố mẹ, tình yêu là điều vô cùng thiêng liêng, cao cả. Bố mẹ sẽ cố gắng xây dựng, giữ gìn thay vì nghĩ đến chuyện dỡ bỏ. So với giới trẻ hiện đại, chuyện yêu thời bố mẹ có nhiều bài học quý giá mà chúng ta có thể học hỏi.
Tôi còn nhớ thời điểm bài hát Ông Bà Anh nổi tiếng khắp các trang mạng xã hội, diễn đàn âm nhạc bởi giai điệu và ca từ độc đáo, đi đâu cũng thấy người ta nghêu ngao những câu hát như: "Ông bà anh yêu nhau thời chưa có tivi. Ông bà anh yêu nhau thời chưa có xe hơi. Ông thường đưa bà anh đi dạo quanh. Trên con ngựa sắt Thống Nhất màu xanh,... Ôi tình yêu ngày xưa đẹp lắm con ơi! Những dòng thư tay viết vội. Những lời ngây ngô đầu môi..."
Có lẽ, đây là ca khúc diễn tả vô cùng chính xác về tình yêu đẹp của thế hệ trước. Thời ông bà, bố mẹ chúng ta định nghĩa về tình yêu tuy đơn giản nhưng thật đẹp. Người ta đến với nhau bằng những xúc cảm chân thành và mộc mạc, sau đó cùng nhau vun đắp hạnh phúc tới "răng long đầu bạc" vẫn không thay đổi. Thời gian có trôi đi, xã hội có ngày càng tân tiến và hiện đại, những bài học giá trị về tình yêu từ thế hệ trước vẫn luôn "chiếc gương sáng" để thế hệ sau học hỏi, noi theo.
Trên đời này, cái gì hư thì phải sửa, sửa 1 ngày không được thì sửa 10 ngày, chứ đừng vứt đi.
Tình yêu của ông bà, bố mẹ chúng ta nhẹ nhàng, giản dị nhưng ấm áp đến vô cùng. Thời ấy, làm gì có internet, mạng xã hội để người ta hỏi về những bí kíp chọn người yêu, phải yêu người thế này, thế kia, phải chọn chồng có đặc điểm a, b,c,... Đơn giản là gặp nhau, rung động trước đối phương và đến bên nhau bằng cả trái tim, không chút tính toán hay vụ lợi. Khi ấy, người ta yêu nhau không vội vã, chuyện gì cũng nhẹ nhàng, chậm rãi. Một cái chạm tay cũng rụt rè, đắn đo mất nhiều ngày, và một khi đã "chạm tay nhau một giây, là nhớ nhau cả đời". Ở cái thời không có internet, không có smartphone, tình yêu lại đẹp và bình yên đến lạ kỳ. Không cầu kỳ, phô trương, ông bà, bố mẹ chúng ta vẫn ở với nhau được 40, 50, 60 năm có lẻ.
Tình yêu của bố mẹ là "tấm gương sáng" để con cháu noi theo. (Ảnh minh họa: Lưu Xuân Đức)
Tất nhiên, khi chung sống, dù thế hệ nào cũng sẽ có những lúc "cơm không lành, canh chẳng ngọt". Với ông bà, bố mẹ chúng ta, những xích mích, cãi vã chỉ là vấn đề ắt ai cũng gặp phải, thay vì làm cho mọi chuyện lớn hơn, họ chọn cách nhún nhường xoa dịu đối phương, cùng nhau giải quyết để mâu thuẫn không ngày một lớn hơn. Ở thời kỳ ấy, gần như người ta hiếm khi nhắc đến chuyện ly hôn, bỏ nhau. Bực tức, giận dỗi vẫn có, nhưng sau đó, ông bà, bố mẹ sẽ chọn cách gạt bỏ những hiềm khích và cùng nhau xây dựng gia đình, cùng ở lại vì những đứa con chung. Thay vì sơ hở liền đòi ly hôn, chia tay như nhiều người trẻ hiện đại, thế hệ trước chọn cách cho nhau cơ hội để sửa chữa sai lầm.
Thông tin từ báo Thanh Niên, theo thống kê của Viện nghiên cứu Gia đình và Giới vào năm 2018, trung bình cả nước có trên 60.000 vụ ly hôn mỗi năm, chiếm tỷ lệ 30% tổng số cặp đôi. Điều này đồng nghĩa với việc cứ 10 cặp đôi kết hôn thì có đến 3 cặp ly hôn. Trong số các cặp đôi ly hôn, 70% số vụ thuộc về các gia đình trẻ trong độ tuổi từ 18 - 30, 60% ly hôn sau từ 1 - 5 năm chung sống, nhiều trường hợp chỉ kết hôn được vài tháng hoặc vài ngày.
Nhiều quan điểm cho rằng, một số cặp đôi hiện nay ly hôn quá vội vàng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc ly hôn: Ly hôn vì mâu thuẫn nhưng chưa tìm ra cách giải quyết, ly hôn vì tự ái cá nhân, hay vì bố mẹ chồng, bố mẹ vợ,... Tất nhiên có những người đã phải đắn đo, thậm chí đau khổ rất nhiều khi chấm dứt mối quan hệ vợ chồng, nhưng bên cạnh đó vẫn có những người vì nóng giận nhất thời mà chấp nhận buông tay. Những trường hợp như vậy quả thật rất đáng tiếc.
Trên đời này, làm gì có ai sinh ra đã hợp nhau.
Để hạnh phúc lâu bền, kéo dài hàng chục năm, ông bà, bố mẹ chúng ta cũng cần rất nhiều nỗ lực và cố gắng. Không biết bố mẹ các bạn như thế nào, nhưng mẹ tôi vẫn thường hay nói đùa với hai chị em tôi rằng: "Trên đời này, chỉ có mẹ mới chịu đựng được bố của 2 đứa mà thôi, người đâu mà khó tính, khó chiều. Mẹ không lấy thì còn lâu ông ấy mới lấy được vợ, ai mà chịu nổi". Mỗi lần mẹ nói thế, bố lại cười rất thích thú mà trêu lại mẹ: "Phải rồi, bố mà không lấy mẹ 2 đứa thì có mà ế".
- Bố mẹ mình hay nói cảm ơn nhau. Cãi vã, giận dỗi tất nhiên là có nhưng mình thấy lần giận nhau dài nhất cũng chỉ khoảng 1 tuần. Bố mẹ mình có một nguyên tắc đó là dù giận dỗi, cãi nhau vẫn sẽ ăn cơm chung, không được ngủ riêng, không được bỏ đi. - Khánh Linh (26 tuổi) chia sẻ.
- Có lần bố mẹ mình cãi nhau, mình nhớ mẹ đã khóc rất nhiều và đòi bỏ về nhà bà ngoại. Lúc ấy bố đã ngay lập tức xin lỗi mẹ và hứa sẽ không mắc lỗi nữa. Khi ấy, mình nhận ra mẹ là tất cả của bố vì vậy, ông sợ sẽ đánh mất mẹ hơn bất cứ điều gì. - Nguyên Hạnh (30 tuổi) tâm sự cùng chúng tôi.
Bố mẹ tôi và bố mẹ các bạn, 2 con người ấy có lẽ chẳng có nhiều điểm chung, thậm chí sở thích ăn uống, cách sống cũng hoàn toàn khác biệt. Nhưng khi quyết định đến với nhau, cả 2 lại sẵn sàng thay đổi, chấp nhận tính xấu của đối phương, yêu cả những khuyết điểm của họ dù bản thân không thích. Để bên nhau hàng chục năm có lẻ, họ đã phải đánh đổi và nỗ lực rất nhiều.
Tất nhiên, ở mỗi một thời điểm chuyện yêu, cách yêu cũng sẽ khác nhau. Người trẻ hiện đại cũng có cách thể hiện tình yêu của riêng họ. Nhưng sẽ có những bài học, giá trị yêu thương từ thời ông bà, bố mẹ mà chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi, áp dụng vào cuộc sống hiện đại.
Đến với nhau bằng tình yêu nhưng để ở lại bên nhau cần sự nỗ lực và cố gắng cả đời. Nếu có những lúc bạn cảm thấy mệt mỏi trong cuộc hôn nhân của mình, hãy nghĩ đến lý do mình đã bắt đầu. Cố gắng để vun đắp thay vì nghĩ đến chuyện buông tay.
Khi trưởng thành, chúng ta muốn đi xa để học được nhiều điều mới mẻ. Thế nhưng, có những bài học chẳng cần tìm đâu xa mà ngay trong chính gia đình. Đó chính là sự yêu thương, tình yêu của bố mẹ. Cách bố mẹ chúng ta bên nhau, cùng xây dựng gia đình và nuôi ta khôn lớn có thể coi là kim chỉ nam cho những bước đường ta đi trên cuộc đời.
Cùng cập nhật những tin tức khác TẠI ĐÂY !