Hoạt động cho vay bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp làm "nóng" mùa đại hội cổ đông ngân hàng
Trong đại hội cổ đông thường niên 2022, hoạt động cho vay lĩnh vực bất động sản và bất động sản đang trở thành chủ đề được nhiều cổ đông quan tâm và được đưa ra chất vấn ban lãnh đạo các ngân hàng.
Tại ĐHCĐ thường niên SHB năm 2022 vừa tổ chức ngày 20/4, một cổ đông đã đặt câu hỏi về tỷ trọng cho vay bất động sản trong tổng dư nợ của ngân hàng, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
Trả lời về vấn đề này, Phó Chủ tịch HĐQT Võ Văn Tiến cho biết dư nợ lĩnh vực bất động sản của ngân hàng chiếm 6,75%. Khối lượng trái phiếu đầu tư ở mức 6.600 tỷ đồng, riêng lĩnh vực bất động sản là 4.100 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo của các trái phiếu SHB đầu tư đều an toàn, có tính thanh khoản cao.
Trước thông tin trên, cổ đông cũng đặt câu hỏi SHB đã mua trái phiếu bất động sản của doanh nghiệp nào, độ rủi ro ra sao, có mua trái phiếu của Tân Hoàng Minh không? Tín dụng của SHB cho FLC và Tân Hoàng Minh là bao nhiêu?
Trả lời nhà đầu tư, Chủ tịch HĐQT SHB Đỗ Quang Hiển khẳng định trái phiếu và dư nợ tại ngân hàng đều đúng mục đích, tuân thủ pháp luật và có tài sản đảm bảo. Đây đều là những trái phiếu của các doanh nghiệp, dự án có tài chính và thanh khoản tốt.
"Về việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, tôi khẳng định các khoản đầu tư của SHB là an toàn tuyệt đối và thanh khoản cao. Điều này đảm bảo an toàn bền vững cho ngân hàng", ông Hiển nói.
Tại ABBank, một cổ đông cũng bày tỏ băn khoăn về việc ngân hàng gia tăng hoạt động cho vay bất động sản, xây dựng.
Nói về vấn đề này, ông Đào Mạnh Kháng – Chủ tịch ABBank cho biết, trong năm 2021, ABBank có tăng dư nợ trong lĩnh vực bất động sản để ở nhưng hiện tỷ trọng trong tổng dư nợ không cao, chỉ chiếm khoảng 14 – 15% dư nợ.
Chi tiết hơn, Tổng giám đốc ABBank Nguyễn Mạnh Quân cho biết ại ABBank, cho vay kinh doanh BĐS chỉ chiếm tỷ trọng trên 6%, cho vay mua nhà để ở là khoảng 17%. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng không nằm trong danh sách cảnh báo của NHNN về cho vay lĩnh vực BĐS và được cơ quan quản lý đánh giá cao về khả năng kiểm soát rủi ro trong lĩnh vực này.
''ABBank vẫn tiếp tục cho vay đối với lĩnh vực bất động sản. Chúng ta vẫn kiểm soát rất tốt. Trong thời gian tới, ABBank vẫn có thể đẩy mạnh cho vay lĩnh vực BĐS để ở nếu còn room", ông Quân nói.
Cũng theo ban lãnh đạo ngân hàng, nợ xấu liên quan đến lĩnh vực bất động sản xây dựng đang ở mức rất thấp, khoảng 0,4% danh mục tín dụng. NHNN đánh giá cao khả năng kiểm soát nợ xấu của ABBank và ngân hàng tiến dần đến nhóm top đầu về kiểm soát rủi ro tín dụng.
Đối với câu hỏi của đông về mối quan hệ với FLC và Tân Hoàng Minh, Chủ tịch Đào Mạnh Kháng khẳng định ngân hàng không có bất kỳ khoản cho vay nào đối với hai doanh nghiệp bất động sản này. "ABBank không có món vay nào liên quan đến FLC và Tân Hoàng Minh tại thời điểm này. Chủ trương của Hội đồng quản trị là không phát triển quá nhanh, không có khẩu vị rủi ro nào lớn", ông Kháng nói.
Trước đó, cổ đông VIB cũng đặt câu hỏi với ban lãnh đạo về cơ cấu danh mục tín dụng và kế hoạch tài trợ cho các dự án bất động sản.
Trả lời câu hỏi này, ông Đặng Văn Sơn, Phó chủ tịch VIB cho biết, danh mục cho vay của ngân hàng có 87% là cho vay khách hàng cá nhân, 10% cho vay khách hàng doanh nghiệp và 3% là cho vay các định chế tài chính. Trong đó, cho vay có tài sản bảo đảm là bất động sản chiếm khoảng 48% danh mục cho vay khách hàng cá nhân. Đây cũng là sản phẩm VIB cho vay nhiều nhất.
Về cho vay dự án, VIB có cho vay để phát triển các dự án bất động sản. Tuy nhiên, chính sách của ngân hàng là "hạn chế tối đa số lượng cho vay dự án và chủ yếu là cho vay người tiêu dùng".
Theo ông Sơn, nếu có cho vay phát triển dự án bất động sản, VIB sẽ tiến hành ký các hợp đồng ba bên gồm khách hàng, nhà phát triển và ngân hàng. Trong đó, các khách hàng phải đảm bảo đủ điều kiện về mặt tài chính, pháp lý và các nhà phát triển phải thỏa hàng loạt các tiêu chí về cho vay của VIB. Ngân hàng sau đó sẽ tiến hành thẩm định các tài sản đảm bảo và đi đến quyết định cho vay.
Đối với việc định giá bất động sản, VIB không chỉ tự mình định giá mà còn tham chiếu các bên uy tín như Savill, VIB AMC, CBRE, Hoàng Quân. Tính đến nay, có trên 90% các bất động sản được VIB cho vay đều có qua định giá của bên thứ ba độc lập. Mức định giá thường được các tổ chức này đưa ra là khoảng 80% giá trị thị trường của tài sản, tương đồng với tỷ lệ cho vay tối đa của VIB.
"Ở những tài sản tốt nhất, chúng tôi cũng chỉ cho vay tối đa lên đến 80% giá trị tài sản đảm bảo", ông Sơn khẳng định với các cổ đông: "Điểm tích cực của VIB là tổn thất sau khi phát sinh nợ xấu của sản phẩm cho vay nhà đất là bằng 0", .
Theo lãnh đạo VIB, hiện ngân hàng chọn lọc rất kỹ và hợp tác với một số tập đoàn phát triển bất động sản như Phú Mỹ Hưng, Gamuda, Daewoo, ParkCity. VIB không tài trợ các dự án tại Cần Giờ, Phú Quốc hay những dự án có tính chất rủi ro cao.
Trong những năm tới, cho vay có tài sản bảo đảm là bất động sản vẫn sẽ là sản phẩm chủ đạo trong hoạt động ngân hàng bán lẻ và vẫn sẽ được VIB tiếp tục quan tâm phát triển.
Nhiều ngân hàng siết chặt tín dụng vào bất động sản
Gần đây, một số ngân hàng cùng thông báo dừng cho vay bất động sản. Như với Sacombank mới đây đã yêu cầu giám đốc khu vực, giám đốc chi nhánh và trưởng phòng giao dịch không cấp tín dụng với lĩnh vực bất động sản, ngoại trừ cho vay cán bộ, công nhân viên và người mua, xây, sửa bất động sản để ở. Nhà băng này yêu cầu các đơn vị tập trung cấp tín dụng với các lĩnh vực sản xuất, không thực hiện huy động - cho vay cầm cố sổ (nhà đất) cùng lúc.Thông báo được áp dụng đến hết tháng 6 năm nay.
Còn Techcombank, đơn vị này đã dừng giải ngân khoản vay mua bất động sản (gồm chưa hoặc đã có giấy chứng nhận) từ ngày 25/3. Ngân hàng cũng đang cho các đơn vị kinh doanh trao đổi và đàm phán với khách hàng để dời lịch giải ngân các khoản vay sang đầu tháng 4.
Theo đại diện các ngân hàng, đây là hoạt động nhằm thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về kiểm soát tăng trưởng tín dụng, tập trung ưu tiên vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Trước đó, NHNN đã nhiều lần chỉ đạo về việc kiểm soát chặt tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản.
Số liệu của NHNN cho thấy, tín dụng bất động sản tính đến cuối năm 2021 chiếm khoảng 18-20% trong tổng dư nợ nền kinh tế. Trong cơ cấu tín dụng bất động sản, cho vay mua bất động sản để sử dụng chiếm 68%, còn lại là kinh doanh bất động sản.
Với dư nợ cho vay toàn nền kinh tế vào cuối năm 2021 đạt hơn 10,44 triệu tỷ, ước tính dư nợ cho vay đối với lĩnh vực bất động sản nằm trong khoảng 1,88 – 2,09 triệu tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản là khoảng 600.000 - 670.000 tỷ đồng.