Hoàng hậu xinh đẹp nhất thế giới: Kết hôn chỉ sau một lần gặp gỡ, bị mẹ chồng ghẻ lạnh vì một lý do và quyết định chấn động lịch sử
Hoàng hậu xinh đẹp bị mẹ chồng và em chồng chì chiết khiến cuộc hôn nhân của bà trở thành bi kịch.
Sinh ra là một công chúa sống trong nhung lụa, lớn lên lại kết hôn với một vị vua rồi trở thành Hoàng hậu, đó là "diễm phúc" mà biết bao cô gái mong ước có được nhưng với bà Fawzia Fuad tất cả đều khiến cuộc đời bà là chuỗi những bi kịch. Hóa ra làm công chúa ngoài đời thực không hề màu hồng như trong chuyện cổ tích chúng ta vẫn tưởng tượng!
Sức nặng của "vương miện"
Vào ngày 5/11/1921, Công chúa Fawzia Fuad chào đời tại Alexandria, Ai Cập trong niềm hân hoan vui sướng của dân chúng. Các nhà sử học cho biết, vào thời điểm đó Công chúa Fawzia được mệnh danh là "đóa hoa của sông Nile" bởi vẻ đẹp hơn người.
Tuy nhiên, ngay từ thời thơ ấu, cuộc sống của nàng công chúa này không đẹp như mơ. Fawzia Fuad dành phần lớn tuổi thơ của mình ở quanh những cung điện khổng lồ, ngột ngạt, không có bất kỳ sự giao tiếp nào với thế giới ngoài kia. Mọi thứ trong cuộc sống của Công chúa Fawzia hay những người em của cô đều đã được "lập trình" sẵn từ A đến Z. Có thể nói rằng, muốn đội được vương miện thì phải chịu được sức nặng của nó.
Lúc trưởng thành, Công chúa Fawzia sở hữu nhan sắc diễm lệ với đôi mắt xanh hút hồn cùng gương mặt đẹp tựa nữ thần, mái tóc dài đen nhánh. Công chúa được giáo dục rất nghiêm khắc và không phụ lòng cha mẹ, Fawzia là một người rất tài năng, thông thạo 3 ngôn ngữ Ả Rập, Anh và Pháp.
Càng lớn lên, Công chúa Fawzia càng bị quản thúc nghiêm ngặt và tương lai của bà cũng đã bị định đoạt sẵn. Người chồng tương lai của nàng công chúa này đã được xác định là Thái tử Mohammad Reza Pahlavi của Iran vì mục đích chính trị. Bởi vẻ đẹp và tài năng trời phú mà vua cha đã sử dụng Công chúa Fawzia như một "quân cờ" để giúp ông mở rộng quyền lực và tầm ảnh hưởng tại vùng Trung Đông.
Cuộc hôn nhân của Fawzia với vị vua tương lai của Iran sẽ giúp hai quốc gia thắt chặt mối quan hệ hòa hảo, tăng cường sức mạnh bành trướng trong khu vực. Dù chưa từng tiếp xúc hay gặp mặt chồng tương lai, Công chúa Fawzia không có quyền bày tỏ ý kiến của mình hay phản đối mệnh lệnh của Vua cha bởi cô sinh ra là một nàng công chúa, phải có trách nhiệm với hoàng tộc.
Cuộc hôn nhân mặn chát
Vậy là vào năm 1939, khi mới 17 tuổi, Công chúa Fawzia đột ngột phải rời khỏi tổ ấm quen thuộc để chuyển đến thành phố Tehran, một nơi hoàn toàn xa lạ với cô gái này. Khi đó, Fawzia không hề biết gì về văn hóa Iran, từ một nơi phồn hoa đô hội, giờ đây nàng công chúa phải quen với nếp sống nguyên tắc và bảo thủ hơn tại quê hương chồng.
Cuộc hành trình từ châu Phi sang Trung Đông quả thực lắm gian nan. Điện và nước ở trên tàu không được đầy đủ khiến nàng công chúa thất vọng vô cùng. Ngay khi vừa cập bến Iran, biểu cảm đầu tiên của Fawzia là tức giận xen lẫn thất vọng. Bà đã có dự cảm không lành về cuộc sống ở đây.
Trước ngày kết hôn, bà chỉ gặp mặt chồng đúng một lần duy nhất. Cả hai còn không kịp tìm hiểu về sở thích hay tính cách của nhau. Thái tử Shah lên ngôi không lâu sau khi bà sang Tehran, thủ phủ của Iran. Tuy nhiên, từ khi xuất giá, bà dường như rất u uất khi không thể thích nghi với cuộc sống mới ở quê hương chồng. Fawzia chỉ nói chuyện được với một số ít người, kể cả sau thời điểm khi đã lên ngôi Hoàng hậu. Sự cô đơn dường như cứ bủa vây lấy người phụ nữ đẹp tuyệt trần ấy.
Ngay sau khi lấy chồng, Fawzia liên tục bị mẹ chồng và em chồng gây sức ép về việc phải sinh con nối dõi cho hoàng gia. Rồi cũng đến lúc Fawzia có bầu và sinh con. Đó là một cô con gái xinh xắn đáng yêu. Cặp đôi đặt tên cho bé là Shahnaz. Bé gái lớn lên trong tình yêu thương của mẹ và sự thất vọng của hoàng gia Iran.
Chồng bà luôn mong muốn vợ mình sinh ra một hoàng nam nối ngôi nhưng mọi thứ lại không thể như ý muốn. Sau đó, Hoàng hậu Fawzia mãi chưa có thai trở lại. Mọi thứ cứ như vậy mà nhạt nhòa dần đi đến vô vị. Và hậu quả tất yếu là nhà vua công khai có mối quan hệ ngoài luồng, không đoái hoài đến vợ và con gái nữa.
Vào thời điểm đó, Fawzia lúc ấy ngày càng đẹp quyến rũ. Nhìn bà có dáng dấp của một ngôi sao điện ảnh đương thời. Tạp chí Life thậm chí đã bình chọn bà là một trong những người phụ nữ đẹp nhất thế giới. Tuy nhiên, vẻ đẹp của bà lại chứa đựng nỗi u sầu. Vị hoàng hậu ấy mang đôi mắt buồn nặng trĩu tâm sự, gương mặt hoàn mỹ toát lên nỗi đau từ tận bên trong tâm hồn khi hôn nhân không như ý muốn.
Chút bình yên còn sót lại
Một thời gian sau, Hoàng hậu xinh đẹp ngày càng thu mình lại, từ chối nói bất kỳ ngôn ngữ nào ngoài tiếng Pháp. Bà càng thêm chán ghét gia đình chồng và phát ốm với lối sống của người Iran. Hoàng hậu bắt đầu đi gặp một bác sĩ tâm lý người Mỹ, người đã chẩn đoán bà mắc chứng trầm cảm.
10 năm sau khi kết hôn, Fawzia phải trở lại Ai Cập để điều trị sau một trận ốm dài. Ở nhà, dưới sự tác động của người anh trai đáng kính cộng với sự ảnh hưởng từ nỗi trống trải ở Iran, bà Fawzia đã quyết tâm ở lại quê hương và không bao giờ quay trở lại nhà chồng nữa. Bà đã có một quyết định mang tính lịch sử, trở thành Công chúa Ai Cập đầu tiên chủ động ly hôn chồng. Vua Iran đã ngay lập tức cưới một phụ nữ khác làm vợ sau khi ly dị để thực hiện mong muốn có người nối dõi. Trong khi đó, con gái bà vẫn phải ở lại hoàng gia Iran.
Vào năm 1949, bà tái hôn với người chồng thứ hai là một sĩ quan quân đội. Người này tên là Ismail Shirin rất khéo léo, ăn nói hoạt bát. Điều quan trọng là cặp đôi đến với nhau vì tình yêu, không phải vì mục đích chính trị nào. Cuộc sống của bà lại cứ thế trôi đi trong yên ắng với hai người con một trai, một gái.
Không lâu sau đó, đế chế của cha Fawzia sụp đổ và Ai Cập được thành lập thành nước cộng hòa. Gia đình hoàng gia đã gần như bị rơi vào lãng quên và rất ít người còn nhớ đến. Công chúa cuối cùng của Ai Cập, Fawzia qua đời ở tuổi 92 bằng một đám tang giản dị được tổ chức bởi bạn bè và những người thân trong gia đình. Bà được chôn cất bên cạnh chồng của mình ở Cairo.
Dù đã qua đời nhưng sắc đẹp và thần thái của Fawzia vẫn trở thành một biểu tượng của thế giới, không bao giờ bị lãng quên. Những bức ảnh xưa cũ của bà cho đến nay vẫn được công chúng bàn luận và xuýt xoa về vẻ sắc nước hương trời của một vị Hoàng hậu dám chống lại các luật lệ xưa cũ để đi tìm tình yêu đích thực cho mình.
Vẻ đẹp hoàn mỹ của bà Fawzia cho đến nay vẫn khiến người đời xao xuyến.
Nguồn: Tatler, Whatwomenwant
Theo Diệp Lục
Pháp Luật và Bạn đọc