Hoàng hậu đặc biệt nhất Nhật Bản: Khiến nhà vua phá vỡ quy tắc tồn tại hàng trăm năm, lúc chồng băng hà làm ra hành động "kỳ lạ" mỗi sáng

Chia sẻ Facebook
06/05/2022 17:48:58

Trong hơn 60 năm cuộc đời, vị Hoàng hậu ấy đã làm ra những chuyện kinh thiên động địa, lưu danh sử sách muôn đời.

Hoàng gia Nhật Bản nổi tiếng là nơi tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc và phái mạnh được tôn vinh, đề cao. Tuy nhiên, có một vị hoàng hậu đặc biệt trong lịch sử đã khiến nhà vua phải phá bỏ quy tắc tồn tại hàng trăm năm. Hơn nữa bà còn đóng vai trò quan trọng trong việc nắm vận mệnh của đất nước. Đó chính là Hoàng hậu Teimei!


Nàng dâu tài giỏi được lòng hoàng tộc

Bà Teimei sinh ngày 25/6/1884 tại Tokyo, Nhật Bản, trong một gia đình quý tộc. Hoàng hậu là con gái thứ 4 của ông Michitaka Kujo, thuộc gia tộc Fujiwara. Cha bà từng là thành viên của Hạ viện và có tiếng trong triều đình. Bà Teimei dù xuất thân trong gia đình quyền quý nhưng được nuôi dạy rất nghiêm khắc, gắn bó với nông thôn để hiểu được những giá trị trân quý ở đời.

Càng lớn Teimei càng thể hiện rõ là một cô gái thông minh, tài giỏi và có sức khỏe phi thường. Vào thời điểm đó, Hoàng tử Taisho, người hơn bà Teimei 5 tuổi lại không có sức khỏe như bình thường. Taisho, người sẽ thừa kế ngai vàng sau này đã bị viêm màng não khi chỉ mới 3 tuần tuổi, điều này đã ảnh hưởng đến sức khỏe và trí lực của ông. Thái tử Nhật Bản lúc đó mắc chứng rối loạn ngôn ngữ và đi lại có phần khó khăn.

Vì vậy, Nhật hoàng lúc bấy giờ là vua Meiji đã quyết tâm tìm cho con trai một người vợ thông minh, giỏi giang và đoan trang để hỗ trợ Hoàng tử Taisho khi thừa kế ngai vị sau này. Cuối cùng, ông đã tìm thấy cô con dâu hội tụ đầy đủ những yếu tố mà nhà vua mong muốn, đó chính là Teimei. Hoàng hậu Shoken, vợ vua Meiji cũng ưng ý nàng dâu này.

Bà Teimei đáp ứng đầy đủ các yêu cầu tuyển chọn con dâu của Nhật hoàng.

Hoàng tử Taisho khi ấy gặp nhiều vấn đề về sức khỏe.

Vào tháng 2/1900, khi Teimei 15 tuổi bà đã đính hôn với Hoàng tử Nhật Bản. Đến tháng 5/1900, cặp đôi tổ chức hôn lễ truyền thống tại khu vực thờ cúng tổ tiên và Cung điện hoàng gia.

Cũng vào thời điểm đó, ông Taisho trở thành Thái tử Nhật Bản và bà Teimei được phong làm Thái tử phi. Trước khi làm dâu hoàng gia, bà Teimei phải học các quy định và phép tắc ứng xử trong Cung điện. Người dạy dỗ Hoàng hậu Nhật Bản tương lai là một phu nhân quý tộc đầy nghiêm khắc. Dù trải qua quá trình huấn luyện vô cùng nghẹt thở nhưng bà Teimei vẫn cảm thấy biết ơn những tháng ngày gian khổ ấy đã giúp bà thích ứng nhanh hơn việc trở thành mẫu nghi thiên hạ.


Khiến nhà vua phá vỡ quy tắc tồn tại hàng trăm năm

Sau khi kết hôn, cặp đôi sinh sống tại Cung điện Akasaka và tận hưởng thời gian vợ chồng son hạnh phúc. Một năm sau, Thái tử phi hạ sinh con trai đầu lòng là Hoàng tử Hirohito (người sau này sẽ trở thành Hoàng đế Showa).

Bà Teimei đã mạnh mẽ phá vỡ một quy tắc trong hoàng gia khi Thái tử phi tự tay chăm sóc những nhu cầu thiết yếu của chồng thay vì phụ thuộc vào người hầu. Cảm động trước sự tận tụy hết lòng của vợ mà Thái tử Taisho sau này tuyên bố không nạp thêm thiếp, ông chỉ có một người vợ duy nhất mà thôi.

Vị Thái tử này đã phá vỡ truyền thống tồn tại hàng trăm năm, mở đầu cho lịch sử một vợ - một chồng của hoàng gia Nhật. Bà Teimei cũng trở thành vị Hoàng hậu đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản trở người vợ duy nhất của nhà vua. Cặp đôi sau đó đã sinh thêm 3 người con trai khác, một minh chứng cho tình yêu gắn bó bền chặt của họ.

4 người con trai của vợ chồng Hoàng hậu Teimei.

Thiên hoàng Meiji băng hà vào ngày 30/7/1912 và Thái tử Nhật lên ngôi trở thành vị vua mới của đất nước. Vì tân Nhật hoàng có sức khỏe hạn chế nên khi ấy bà Teimei, Hoàng hậu mới của Nhật Bản đóng vai trò quan trọng trong triều đình.

Hoàng hậu Teimei đã thúc đẩy ngành công nghiệp tơ lụa phát triển, chính bà cũng tham gia vào hoạt động sản xuất nuôi dâu tằm để làm ra loại sợi thượng hạng. Hoàng hậu cũng tập trung phát triển các hoạt động y tế, chăm sóc bệnh nhân và hỗ trợ những người canh giữ ngọn hải đăng.

Hoàng hậu Teimei cũng quan tâm đến lĩnh vực y tế.

Vài năm sau đó, vì sức khỏe suy kiệt, Nhật hoàng Taisho thường ở trong cung, hạn chế thực hiện các nhiệm vụ công khai. Hoàng hậu Teimei đã thay mặt chồng cáng đáng các công việc đối nội đối ngoại. Vào ngày 25/11/1921, Thái tử Hirohito được phong làm người nhiếp chính thay cho nhà vua.

Ngày 25/12/1926, Nhật hoàng Taisho băng hà sau một cơn đau tim ở tuổi 47. Thái tử Hirohito kế vị trở thành tân Nhật hoàng tiếp theo. Sau khi chồng qua đời, bà Teimei trở thành Thái hậu.

Hoàng hậu Teimei hết lòng phò tá cho chồng. Khi vua băng hà, bà cũng không quên dành cho ông những tình cảm cao quý nhất. Trong ảnh, bà Teimei chụp cùng con trai cả.


Vị hoàng hậu hết lòng vì chồng con

Sử sách tương truyền rằng, sau khi Hoàng đế băng hà, Thái hậu Teimei đã duy trì một thói quen đó là dành cả buổi sáng ngồi trong căn phòng có treo bức chân dung của người chồng đã khuất. Những người hầu cận của Thái hậu cho biết, bà Teimei trò chuyện với bức chân dung như thể người chồng vẫn tồn tại và bà đang phục vụ ông như ngày còn sống.

Dù chồng qua đời nhưng Thái hậu Teimei vẫn tích cực hoạt động, giúp ích cho xã hội. Bà đi đầu trong việc giúp đỡ những người mắc bệnh phong. Vào năm 1931, chính phủ Nhật Bản thành lập 'Hiệp hội phòng chống bệnh phong' bằng cách sử dụng tiền quyên góp từ Thái hậu Teimei. Tuần lễ nâng cao nhận thức và hiểu biết về bệnh phong cũng được ra đời, chọn thời điểm là trước và sau ngày sinh của Thái hậu.

Với tư cách là mẹ chồng, Thái hậu Teimei được cho là đối xử nghiêm khắc với con dâu cả, Hoàng hậu Kojun. Dù xuất thân từ giới quý tộc nhưng Thái hậu Teimei lại được nuôi dưỡng và trưởng thành ở vùng nông thôn. Trong khi đó Hoàng hậu Kojun lại được lớn lên ở điều kiện đủ đầy, do vậy, quan điểm giữa mẹ chồng - nàng dâu không giống nhau.

Hoàng hậu Kojun không được lòng mẹ chồng.

Có một lần cả hai đã xung đột trong thời gian Thượng hoàng Taisho điều trị bệnh. Khi đó, Kojun còn là Thái tử phi đã vắt chiếc khăn mặt để giúp cha chồng hạ nhiệt nhưng vẫn đeo găng tay. Bà Teimei khi đó không hài lòng về hành vi này của con dâu, đáng lẽ cô nên tháo găng tay ra và chăm sóc nhà vua bằng tấm lòng chân thật nhất.


Bà Teimei được cho là nói với con dâu rằng: " Khi nào mẹ yêu cầu con làm thì hãy thực hiện theo, đừng tùy tiện động vào ". Khi đó Thái tử phi Kojun chỉ biết im lặng.

Nhiều người cho rằng, sự hà khắc của Thái hậu Teimei dành cho con dâu cả chỉ xuất phát từ việc bà luôn mong muốn Hoàng hậu Kojun có thể trở thành trụ cột vững chắc để chăm lo cho Nhật hoàng và hậu cung. Trong khi đó, Thái hậu rất yêu quý những người em bên nhà chồng. Bà thường xuyên mời họ đến dùng bữa tối và thưởng thức tiệc trà tại Hoàng cung.

Ngày 17/5/1951, Thái hậu Teimei qua đời sau khi bị một cơn đau thắt ngực. Vào thời điểm đó, bà đang chuẩn bị cho một sự kiện hoàng gia. Thi hài của Thái hậu được chôn cất gần chồng tại Nghĩa trang Hoàng gia Musashi ở Tokyo, Nhật Bản. Trong 66 năm cuộc đời, bà Teimei đã cống hiến hết phân nửa thời gian cho chồng con và gia đình hoàng gia. Những công ơn to lớn của bà cho đến nay vẫn được người đời vinh danh.


Nguồn: Unofficialroyalty, Leprosyhistory


Theo Diệp Lục

Pháp Luật và Bạn đọc

Chia sẻ Facebook