Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản cùng đề xuất canh tân đất nước

Chia sẻ Facebook
18/08/2023 03:06:54

Trong thời kỳ nhà Nguyễn suy yếu, Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản đã có nhiều đề xuất canh tân đất nước. Tiếc rằng những đề xuất học hỏi kỹ thuật phương Tây của ông không được vua Tự Đức nghe theo. Hơn nữa, kể cả khi được nghe theo, thì Đại Nam liệu có thể kịp có cơ hội trở mình đủ để chống được cuộc xâm lăng của người Pháp?

Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản

Nguyễn Tư Giản sinh tại làng Du Lâm, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là thôn Du Lâm, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội) trong gia đình khoa bảng nhiều đời.

Dòng họ này có Hoàng giáp Nguyễn Thực làm đến tể tướng đời nhà Lê Trung Hưng. Cha Nguyễn Tư Giản cũng làm quan tới chức Lang trung bộ Hình dưới thời Minh Mạng.


Từ nhỏ Nguyễn Tư Giản đã có tiếng là thông minh hay chữ, nhưng năm lên 5 tuổi thì mẹ mất, đến năm 11 tuổi thì cha cũng qua đời, ông phải đến ở nhà ngoại ở cửa bắc thành Hà Nội gần hồ Trúc Bạch. Sau này trong bài thơ “Đề Phổ Quang tự” , ông có lời chú như sau:

“Ông ngoại tôi làm Thiếu tư khấu (Tham tri bộ Hình), có nhà riêng ở phía bắc cố đô Thăng Long. Nhà kề vườn sau của chùa Phổ Quang. Lúc nhỏ tôi được nuôi dưỡng ở bên ngoài. Hàng ngày tôi thường sang chơi đùa bên sân chùa, đá cầu, cưỡi ngựa tre.”

Năm 1843, Nguyễn Tư Giản dự khoa thi và đỗ cử nhân ở trường thi Hà Nội. Năm sau Nguyễn Tư Giản vượt qua tứ trường kỳ thi Hội, vào đến thi Đình thì đỗ Tiến sĩ đệ nhị giáp tức Hoàng giáp.

Làm đê điều chống lũ ở miền bắc

Sau khi vinh quy bái tổ, Nguyễn Tư Giản được cử đến Huế nhận chức Tu soạn Hàn lâm viện, rồi được cử làm ban biên tập bộ Thiệu Trị văn quy. Tại đây ông gặp gỡ tiếp xúc với những người có tư tưởng cải cách nổi tiếng sau này như Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Đức Hậu, Bùi Viện.

Năm 1846, Nguyễn Tư Giản được cử làm Tri phủ Ninh Thuận. Năm 1847 thì vua Tự Đức triệu ông về kinh, từ đó suốt 10 năm ông làm qua các chức vụ Khởi chú ở lầu Kinh Diên, Thị giảng học sĩ ở Hàn lâm viện, Binh khoa cấp sự trung, Quang lộc tự khanh sung Biên nội các sự vụ.

Vào thời kỳ này các con đê ở miền bắc thường bị vỡ gây lũ lụt lớn. Trong Triều đình có 2 chủ trương là phá bỏ đê làm lại hoàn toàn và đắp thêm đê cho vững chắc.


Năm 1857, nhân dịp Nguyễn Tư Giản về thăm quê, Vua giao cho ông nhận nhiệm vụ nghiên cứu đê điều ở miền bắc. Nguyễn Tư Giản sau khi nghiên cứu thì cho rằng việc phá bỏ đê rất nguy hiểm, rồi đề ra “Phương lược trị thủy Nhị hà” gồm 10 điểm chính trình lên Vua như sau:

Đắp đê ở bờ biển để ngăn nước mặn. Nạo vét cửa biển để khỏi ứ đọng sỏi cát. Xây các đập để ngừa lúc nước lên to bất ngờ. Đào các sông nhánh để giữ dòng chính. Khơi các dòng cũ để phân tán sức nước lũ. Lấp các nguồn nước đọng để khỏi đọng bùn cát. Dự trữ tiền gạo để có sẵn chi phí. Trả tiền công hậu cho những người làm đê. Mở rộng việc quyên tiền để giúp cho những người trị thủy. Đặt ngạch dân đinh chuyên trách coi sóc đê điều, chống lụt.

Vua Tự Đức xem xong liền chuyển các bộ liên quan để thực hiện.

Dù đang làm Thị lang bộ Lại, nhưng Nguyễn Tư Giản được cử kiêm thêm Hiệp chính Biện lý đê chính sự vụ để lo việc trị thủy ở Bắc Kỳ.

Việc trị thủy không hề đơn giản, Nguyễn Tư GIản là nhà Nho chứ không am hiểu về trị thủy, các năm sau vẫn có những chỗ vỡ đê khiến Vua không hài lòng, giáng chức ông và giải thể nha Đê Chính.

Đề xuất chính sách canh tân tự cường


Năm 1858, Pháp tiến đánh Đà Nẵng, rồi chiếm Gia Định. Vua Tự Đức chỉ muốn hòa chứ không chống Pháp, Nguyễn Tư Giản dâng sớ về Huế mong Vua đừng hòa hoãn với Pháp. Đại Nam thực lục có ghi lại rằng: “Quan đê chính là Nguyễn Tư Giản dâng sớ nói thiết tha rằng không nên hoà với Tây Dương”.

Vua Tự Đức đưa bản sớ cho viện cơ mật rồi hỏi ý kiến, tuy nhiên đại thần Trương Đăng Quế và Phan Thanh Giản lại cật lực phản đối.

Vua Tự Đức trả lời ông như sau:

“Xử lý việc Dương di (ý chỉ quân Pháp) là xuất từ ý trẫm. Để trẫm bàn lại với các đại thần trong triều, mong sao cho công việc tốt đẹp, không xảy ra điều gì đáng tiếc. Khanh đang ở bên ngoài, nghe tin đồn chưa chính xác, nên lời lẽ hùng hồn mà không trúng, thậm chí quá đáng. Tuy nhiên, nói thật nói thẳng cũng là bổn phận của bề tôi, trẫm miễn tội cho khanh. Mọi việc đã có triều đình lo liệu, khanh nói lắm làm gì?”

(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Đến năm 1867, Nguyễn Tư Giản được thăng hàm Hồng lô tự khanh, năm sau ông được chọn làm phó sứ đi sứ sang nhà Thanh.

Đến Trung Quốc, Nguyễn Tư Giản học thêm được rất nhiều thứ, biết được tình hình Trung Quốc, Nhật Bản và quốc tế. Khi trở về nước, ông cùng Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Đức Hậu, Bùi Viện dâng sớ lên vua Tự Đức xin thực hiện chương trình gọi là canh tân tự cường, mở rộng bang giao với các nước phương Tây, cử người sang phương Tây học về công nghệ của họ.

Vua không nghe theo, tuy nhiên những đề xuất canh tân đất nước của ông gây được chú ý xem trọng. Ông cũng được thăng làm Thị lang bộ Lại kiêm phó Tổng tài Quốc sử quán, tham gia biên soạn và xét duyệt lần cuối bộ sử lớn của nhà Nguyễn là Việt sử thông giám cương mục.

Là người quan tâm đến đất nước, nhất là hiểm họa từ cuộc xâm lăng của người Pháp, Nguyễn Tư Giản nhiều lần dâng sớ cũng như có các bài viết về việc canh tân đất nước về rất nhiều mặt.

Đề xuất cải cách bộ máy hành chính

Nhận thấy bộ máy quan lại hành chính suy yếu, không hiệu quả, Nguyễn Tư Giản đề xuất với Vua cần tổ chức các buổi thuyết giảng để đào tạo các quan, chia sẻ về đạo trị quốc cùng những tấm gương trong lịch sử. Vua đồng ý mở các buổi thuyết giảng, buổi đầu tiên được tổ chức vào tháng 2 năm 1849.


Nguyễn Tư Giản cũng nghĩ ra hình thức chuyên sâu là “ngự chế”“ứng chế” . Vua nêu ra vấn đề cần giải quyết gọi là “ngự chế”, còn các quan thì “ứng chế” tức cùng nêu ra kiến giải cho vấn đề đó. Hình thức này được thực hiện trong suốt thời gian lâu dài.


Để chống lại hiểm họa xâm lược của người Pháp, ông nêu rõ cần làm cho dân giàu nước mạnh, muốn thế cần cải cách hành chính, thay đổi tình trạng kém hiệu quả của bộ máy chính quyền. Năm 1873, ông làm bài “ứng chế” trình lên vua Tự Đức 6 tệ nạn của quan lại, đứng đầu là nạn tham nhũng và nhiều quan lại bất lực. Điều này không chỉ liên quan đến đạo của người làm quan, mà còn liên quan đến chế độ đãi ngộ phúc lợi, sự nghiêm minh của luật pháp.

Ông viết cụ thể như sau:

“Nay, ở trong Kinh đô thì các nha môn thuộc sáu bộ, ngoài Kinh thì từ tỉnh, phủ, huyện châu, cho đến dinh vệ, số viên chức lên tới hàng vạn, bệ hạ có chắc họ trong sạch cả không? Lương cấp cho họ có đủ để trên thì phụng dưỡng cha mẹ, dưới thì nuôi nấng vợ con không? Với cảnh lương bổng ít ỏi như hiện nay mà ngày nào cũng yêu cầu quan lại phải thanh liêm thì khác nào ngựa nuôi trong chuồng, rơm cỏ không cho ăn đủ mà đòi trở thành thiên lý mã; cây trồng vừa mới lớn, nước nôi không tưới đều mà đòi trở thành danh mộc to mấy sải ôm. Trong khi đói rét bức bách, hình pháp đốc thúc, triều đình đãi ngộ nhân tài một cách vô liêm sỉ như vậy thì quan lại làm sao không tham nhũng, dân chúng làm sao không khốn khổ?”

Ông cũng nêu rõ bộ máy quan lại cồng kềnh, bất lực nhũng nhiễu dân chúng:


“Đất chỉ vừa bằng một huyện thì bày đặt số quan lại cho một tỉnh, đất chỉ vừa một tổng thì bày ra thành một phủ, đất chỉ vừa một ấp thì bày ra thành một huyện, số quan lại văn võ trong và ngoài triều đình ăn lương nhà nước do vậy mà trở nên quá đông. Quan nhiều thì công việc không thể không rối rắm, mà công việc đã rối rắm thì dân không thể không oán trách. Ấy là cái nạn “nhũng viên”, tức những kẻ nhàn tản quá nhiều trong cơ quan nhà nước“.

Ông cũng đề xuất giảm bớt quan lại, giữ lại những vị quan tốt rồi trả lương thưởng thích đáng

Nguyễn Tư Giản từng bước giúp cải cách bộ máy hành chính cồng kềnh, giảm bớt quan lại, xây dựng bộ máy quan lại thanh liêm.

Chỉ phục vụ dân, không hợp tác với Pháp

Khi vua Hàm Nghi chạy ra Tân Sở, vua Đồng Khánh chấp nhận sự bảo hộ của Pháp, Nguyễn Tư Giản được bổ nhiệm làm quan nhưng ông không chấp nhận người Pháp nên cáo ốm xin được nghỉ.

Năm 1886, Kinh lược sứ Nguyễn Trọng Hợp mời một số danh sĩ không muốn hợp tác với Pháp ra làm quan. Từ chối mãi không được, Nguyễn Tư Giản bất đắc dĩ phải nhận làm Tổng đốc Ninh-Thái (Bắc Ninh-Thái Nguyên).

Năm 1887, vua Đồng Khánh trích công quỹ một ngàn đồng Đông Dương để Chính phủ Pháp mua đồng đúc tượng Toàn quyền Paul Bert. Các quan trong Nha Kinh lược Bắc Kỳ cũng kêu gọi các tỉnh quyên góp để đúc tượng. Nhưng tỉnh Bắc Ninh, Thái Bình do Nguyễn Tư Giản làm Tổng đốc không góp một đồng nào.

Nha Kinh Lược tâu lên, vua Đồng Khánh cho triệu Nguyễn Tư Giản về kinh xét hỏi, Nguyễn Tư Giản biện giải rằng việc này không phải do Vua xuống chỉ dụ mà là do Nha Kinh lược Bắc Kỳ định ra, Tổng đốc các tỉnh cũng không tham gia dự bàn nên không thể trách được. Hơn nữa ông lấy lý do đây là việc quyên góp thì cần phải là tự nguyện, dân tỉnh Ninh-Thái cũng thiếu thốn không thể quyên tiền cho Pháp làm tượng.

Nguyễn Tư Giản nhân việc này mà từ quan, về Ninh Bình dạy học cho đến lúc mất.

Nguyễn Tư Giản là người có văn tài nổi tiếng với rất nhiều tác phẩm. Ông cũng đề xuất rất nhiều biện pháp để canh tân đất nước trong hoàn cảnh nhà Nguyễn dưới thời Tự Đức đã suy yếu. Làm quan thanh liêm, ông về quê mà gia sản chẳng có gì nhiều. Ngày nay tên của ông đã được đặt cho tuyến đường ở Hà Nội, Huế và Sài Gòn.


Trần Hưng


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook