Hoàng Đình Ái: Công thần giúp nhà Lê trung hưng đánh bại nhà Mạc (P2)

Chia sẻ Facebook
19/02/2023 07:51:46

Vua Gia Long xem Hoàng Đình Ái là công thần trung hưng bậc nhất; vua Minh Mạng cho dựng miếu trong kinh thành Huế để thờ ông cùng...

Chia sẻ FB Chia sẻ Twitter Bình luận


Quân nhà Lê tiến vào thành Thăng Long. Hoàng Đình Ái lập công lớn khi đánh bại đội quân phục binh và bắt sống được Nguyễn Quyện, danh tướng quân nhà Mạc lúc bấy giờ. Nhưng sau đó, nhận thấy chưa thể đánh bại quân Mạc, Trịnh Tùng quyết định rút về Thanh Hóa.

(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, báo Bình Phước Online)

Mạc Mậu Hợp lập mưu cướp vợ công thần

Mạc Mậu Hợp trở về kinh thành nhưng lại lo ăn chơi hưởng thụ. Nguyễn Thị Niên là vợ của tướng thủy quân Bùi Văn Khuê và cũng là em gái của Hoàng hậu. Nguyễn Thị Niên thường vào thăm chị, Mạc Mậu Hợp thấy em vợ đẹp thì có ý định giữ lại ở trong cung, rồi cho triệu Bùi Văn Khuê vào để giết chết rồi cướp vợ.

Nguyễn Thị Niên bị giữ lại trong cung, lo lắng bèn tìm cách để người hầu cận đi báo cho chồng biết. Bùi Văn Khuê nhiều lần không vào cung nên Mạc Mậu Hợp cho quân đến hỏi tội. Không còn đường nào khác, Bùi Văn Khuê liền nào nam xin hàng và cầu cứu Trịnh Tùng.

Có được tướng thủy quân Bùi Văn Khuê theo mình, tháng 10/1592, Trịnh Tùng cho quân bắc tiến. Mạc Mậu Hợp cho quân đắp chiến lũy ở sông Thiên Phái (Nam Định) chặn quân nhà Lê.

Lập công đầu đánh bại nhà Mạc

Hoàng Đình Ái cùng Bùi Văn Khuê đưa quân tiến đánh sông Thiên Phái, quân nhà Mạc đại bại phải bỏ chạy về Thăng Long, một số tướng xin hàng.

Quân Nam Triều tiến vào sông Hát (tức sông Đáy, dòng sông là ranh giới giữa Ninh Bình và Nam Định). Tướng nhà Mạc là Mạc Ngọc Liễn cho quân cắm cọc phòng thủ, tuy nhiên quân Mạc vẫn bị đánh bại. Quân Nam Triều đuổi theo đến tận phía nam Kinh thành Thăng Long. Mạc Mậu Hợp cùng gia tộc bỏ chạy đến huyện Kim Thành, trấn Hải Dương.

Năm 1593, nhà Lê cử các tướng cũ của nhà Mạc đã hàng là Nguyễn Thất Lý, Trần Bách Niên, Nguyễn Nga tiến đánh tông thất nhà Mạc ở Hải Dương, nhưng quân nhà Lê thất trận phải chạy về.

Hoàng Đình Ái nhận lệnh đưa quân đến Hải Dương đánh tôn thất nhà Mạc, quân của Hoàng Đình Ái thắng lớn, Mạc Mậu Hợp phải bỏ thuyền lên bờ chạy trốn, giả làm sư đến chùa Mô Khuê ở hạt Phượng Nhãn. Dân chúng biết được đi báo, Mạc Mậu Hợp bị bắt và bị khép vào tội chết.

Tháng 4/1593, Trịnh Tùng đưa vua Lê thế Tông đến Thăng Long. Xét công ban thưởng, nhận thấy Hoàng Đình Ái có công lớn nhất nên gia phong làm Hữu tướng Thái uý Vinh quốc công.

Tiến đánh tông thất nhà Mạc, bảo vệ vua Lê

Lúc này lực lượng tông thất nhà Mạc vẫn còn khá mạnh, trấn giữ vùng Hải Dương và phía bắc. Mạc Kính Chỉ, Mạc Kính Cung, Mạc Kính Khoan, Mạc Kính Dụng, Mạc Kính Chương trấn giữ các vùng Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng.

Tháng 1/1594, Mạc Ngọc Liễn đưa Mạc Kính Cung đến chiếm cứ huyện An Bác (thuộc Lạng Sơn ngày nay).

Tháng 2/1594, Hoàng Đình Ái đưa quân tấn công An Bác, đánh tan quân Mạc ở đây, bắt được Vạn Ninh Vương. Đến tháng 4 năm đó, Hoàng Đình Ái lại đưa quân tấn công công huyện Hữu Lũng (thuộc Hà Bắc ngày nay), đánh tan quân Mạc, chém được Phúc quận công. Đến tháng 8 Hoàng Đình Ái đưa quân đánh Lạng Sơn, bắt được Nghiên quốc công.

Năm 1596 tôn thất nhà Mạc báo với nhà Minh ở Trung Quốc rằng nhà Lê thực ra là họ Trịnh, mượn danh nhà Lê để giành ngôi báu với nhà Mạc. Đại Việt Sử ký Toàn thư chép rằng:

“Bấy giờ bề tôi họ Mạc lắm quỷ kế, tố cáo với nhà Minh rằng: Quân nhà Lê chính là họ Trịnh tranh cường, dấy binh đánh giết bề tôi thần phục của thượng quốc cùng con cháu họ Mạc, thực không phải là quân trung hưng của con cháu nhà Lê. Vì thế, nhà Minh nhiều lần sai sứ qua cửa Trấn Nam Giao, mang điệp văn sang nước ta hẹn đến cửa quan hội khám xem có thực là con cháu nhà Lê hay không”.


Tháng 2/1596 nhà Minh đưa quan quân đến Nam Giao để “hội khám” . Nhà Lê cho các quan Đỗ Uông và Ngự sử đài đô ngự sử Nguyễn Văn Giai đến Nam Giao hội đàm với nhà Minh. Tuy nhiên nhà Minh không đồng ý mà đòi vua Lê Thế Tông phải đích thân đến.

Hoàng Đình Ái được tin tưởng giao cho 1 vạn quân bảo vệ vua Lê Thế Tông đến Nam Giao. Nhà Minh yêu cầu phải có cả ấn vàng cùng một tín số vật để đảm bảo rằng vua Thế Tông là hậu duệ nhà Lê.


Đầu năm 1597, vua Lê thế Tông mang đầy đủ các tín vật đến Nam Giao một lần nữa. Nhận thấy quân Minh có thể thừa cơ “hội khám” để bắt Vua và bất ngờ mang quân sang hội với quân nhà Mạc tấn công cướp nước, Triều đình tin tưởng cử Hoàng Đình Ái thống lĩnh 5 vạn binh mã bảo vệ Vua.

Vua Lê Thế Tông đưa ra đầy đủ các tín vật khiến nhà Minh không còn gì để nói, từ đó 2 bên có quan hệ hòa hảo với nhau.

Tháng 3/1597, Hoàng Đình Ái khi ấy đã 70 tuổi vẫn đưa quân đến huyện Lục Ngạn (thuộc Bắc Giang) tấn công Tôn thất nhà mạc, bắt được Mạc Kính Luân. Từ đấy Hoàng Đình Ái vẫn nhiều lần cho quân tấn công tôn thất nhà Mạc.

Tưởng nhớ công lao

Sau khi nhà Mạc bị đẩy lui đến Cao Bằng, tình hình đã ổn định, Hoàng Đình Ái xin về ở huyện Kim Thành, Hải Dương. Ông khuyến dân khai khẩn đất hoang, xin Triều đình cấp thóc giống cho dân cày cấy, xin Triều đình cho dân được miễn thuế 3 năm, khuyến học, giúp con trẻ đến trường.


Ngày 15 tháng 12 năm Đinh Mùi (1607,) Hoàng Đình Ái mất tại Kinh thành THăng Long, thọ 81 tuổi. Vua Lê Kính Tông ra chiếu chỉ cả nước để tang 5 ngày, triều đình bãi triều 5 ngày, lấy dân 10 xã làm lính giữ phần mộ. Người dân ở Mạc Xá, huyện Tứ Lộc, tỉnh Hải Dương đã lập đền thờ “Chiêu cảm Đại Vương” để thờ ông.

Ông là người góp công lớn nhất trong việc đánh bại nhà Mạc, giúp nhà Lê – chúa Trịnh trung hưng.


Không chỉ Nhà Lê đánh giá cao ông, mà sau này các Vua khai quốc nhà Nguyễn cũng đánh giá rất cao Hoàng Đình Ái. Vua Gia Long xem ông là công thần trung hưng bậc nhất; vua Minh Mạng cho dựng miếu “Lịch đại đế vương” trong kinh thành Huế để thờ Thái tể Hoàng Đình Ái cùng các công thần Tô Hiến Thành, Trần Nhật Duật, Trương Hán Siêu..


Sách “Lịch triều hiến chương lại chí” của Phan Huy Chú nhận xét rằng:

“Ông có học thức, thông binh pháp, cầm quân nghiêm chỉnh, trong thì giúp mưu, ngoài thì đánh dẹp, tự mình trải vài trăm trận, đánh đến đâu được đấy, làm cả tướng võ, tướng văn, không phân biệt thứ bậc, uy quyền, ưu đãi sĩ phu, giữ gìn pháp độ. Mọi người đều khen là giỏi… Với lòng quyết tâm, tài mưu lược, dũng cảm, ông đã giữ vững lòng tướng sĩ chống được giặc mạnh, cuối cùng đã chuyển thua hóa thắng, đổi nguy ra yên do sức bọn ông cả.”


Trần Hưng

Mời xem video “Bậc trí giả biết cách khuyến thiện, không làm tổn thương người khác”

Chia sẻ Facebook