Hoàng cung thời xưa giữ ấm giữa mùa đông như thế nào?

Chia sẻ Facebook
09/03/2023 12:54:28

Hoàng đế và các phi tần, hoàng tử, hoàng tôn, cùng một lượng lớn cung nữ, thái giám làm thế nào có thể giữ ấm để trải qua được mùa đông...

Chia sẻ FB Chia sẻ Twitter Bình luận


Vào thời nhà Thanh, trong vòng một năm, Bắc Kinh có tới hơn 150 ngày chìm trong thời tiết giá lạnh, thời điểm lạnh nhất có thể xuống tới âm 20, 30 độ. Nơi đó không có hơi ấm, không có thảm điện giữ nhiệt, không có áo giữ nhiệt, không có áo phao, lại càng chẳng có điều hoà. Hoàng đế và các phi tần, hoàng tử, hoàng tôn, cùng một lượng lớn cung nữ, thái giám sinh sống trong Tử Cấm Thành, làm thế nào có thể giữ ấm để trải qua được mùa đông buốt giá và dài lê thê như vậy?

(Ảnh minh họa: Cowardlion, Shutterstock)


Các kiến trúc sư thời xưa có những công cụ giữ ấm vô cùng độc đáo. Họ xây những bức tường của cung điện thành những bức vách rỗng, hay còn gọi là “bức tường lửa”. Phía trong tường có đào đường hầm dẫn nhiệt, những ô đưa than tiếp thêm lửa được thiết kế dưới gầm mái hành lang bên ngoài cung điện, phía trong miệng đốt than sẽ đốt than củi. Sức nóng lan theo tường rỗng, toả hơi ấm đến khắp đại điện.


Vì muốn nhiệt lượng luôn lưu thông nên phía cuối đường dẫn này có thiết kế ống thông khói. Đường tiếp nhiệt này còn thông thẳng tới giường của hoàng thượng và gầm giường ngủ của những người khác, tạo hành những “chiếc giường ấm áp” và những “căn phòng ấm áp” , khiến cả cung điện đều cảm thấy ấm áp như mùa Xuân.


Vào mùa Đông, trong hoàng Cung hai triều Minh Thanh, đa phần đều đốt than củi để giữ ấm. Do vậy trong cung còn có một cơ cấu phụ trách việc đốt than “giữ ấm” vào mùa Đông, có chức quan Tích Tân Ti, chuyên quản việc cung ứng than củi trong hoàng cung. Vào thời nhà Minh, những quan viên của cơ cấu này có thể trực tiếp tới bẩm tấu trước hoàng thượng, địa vị của họ khá được coi trọng. Vào thời nhà Thanh, trong hoàng cung còn thiết lập 3 cơ cấu phụ trách việc “giữ ấm” cho hoàng cung, ngay cả việc nhóm lửa đốt lò cũng đều có chuyên gia phụ trách, người quản lý chuyên trách.

Những thái giám trong ba cơ cấu này, vào mùa đông công việc của họ không hề nhẹ nhàng. Ví như những thái giám quản việc tích luỹ và phân phát củi tại kho củi mà nói, số người trong Tử Cấm Thành nhiều như vậy, nên nhu cầu than củi cho cả mùa đông đương nhiên cũng không ít. Có tài liệu ghi lại rằng, vào những năm Càn Long thời Nhà Thanh, tiêu chuẩn cung ứng than củi mỗi ngày trong cung là: Hoàng Thái Hậu là 120kg, Hoàng Hậu là 110kg, Hoàng quý phi là 90kg, Quý phi là 70kg, công chúa 30kg, hoàng tử 20kg, hoàng tôn 10kg. Hơn nữa để khói không ám vào trong phòng, nơi đốt than còn cần chuẩn bị những loại than củi chất lượng tốt, không khói, không mùi, cháy đượm và bền.

Tử Cấm Thành. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)


Trong bài thơ “Đông Dạ Ngẫu Thành” của hoàng đế Càn Long từng ghi lại tình hình cụ thể và cảm nhận về việc “giữ ấm” vào mùa Đông trong Tử Cấm Thành. Thơ rằng:


Nhân khổ đông nhật đoản, Ngã ái đông dạ trường.
Hạo nguyệt huyền trường không, sóc phong biều toái sương.
Thuỳ liên tại cù du, hồng trúc minh đồ đường.
Bác sơn chú thuỷ trầm, hoà dĩ mai nhị hương.
Xao thi bất giác lãnh, lậu vĩnh dạ vị ương.

Tạm dịch:


Người khổ vì ngày Đông ngắn, ta lại thích đêm Đông dài.
Trăng sáng lơ lửng giữa không trung, gió bấc thổi tan sương sớm.
Rèm rủ trên tấm thảm, nến hồng sáng giữa nhà.
Nén Bác Sơn nước trẫm, như hương hoa mai.
Mượn thơ không thấy lạnh, nước nhỏ chưa quá đêm thâu.


Thiên Cầm


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook