Hoãn xét xử vụ Tịnh thất Bồng Lai: Phát biểu quan trọng của một nhân vật vắng mặt
Phiên tòa xét xử vụ Tịnh thất Bồng Lai sáng 30/6 bất ngờ phải hoãn khi các chức sắc trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, công an... vắng mặt.
Phiên tòa xét xử 6 người tại Tịnh thất Bồng Lai vào sáng 30/6 bất ngờ phải hoãn khi hàng loạt các chức sắc trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Công an huyện Đức Hòa, Giám định viên của Sở TT-TT tỉnh… vắng mặt. Trước đó, các bị can sau nhiều lần bị gia hạn tạm giam, đã bị truy tố chỉ 6 ngày sau khi có kết luận điều tra, và bị ấn định ngày xét xử chỉ hơn 20 ngày sau đó.
Nhóm người tại Tịnh thất Bồng Lai bị truy tố tội ‘Lợi dụng các quyền tự do dân chủ…’
8h sáng ngày 30/6, TAND huyện Đức Hòa (tỉnh Long An) mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 6 bị cáo trong vụ án hình sự “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” xảy ra tại hộ bà Cao Thị Cúc, nơi tự gọi là Tịnh thất Bồng Lai (sau đổi tên là “Thiền am bên bờ vũ trụ”).
Cuối giờ sáng, luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, một trong 5 luật sư bào chữa cho 6 người tại Tịnh thất Bồng Lai cho biết vào lúc 8h15, sau khi kiểm tra những người được triệu tập, có khá nhiều người vắng mặt tại phiên tòa.
Các ông Trần Ngọc Thảo (tức Thượng tọa Thích Nhật Từ, Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Giác Ngộ tại TP.HCM) và ông Trương Ngọc Toàn (pháp danh Thích Minh Thiện, trụ trì chùa Thiên Châu – đại diện bị hại là Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An) có đơn xin xử vắng mặt; ông Trần Quốc Thắng (cán bộ Công an huyện Đức Hòa), 2 giám định viên tư pháp của Sở TT-TT tỉnh Long An và nhiều người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người làm chứng vắng mặt, đều không có lý do.
Thay mặt nhóm luật sư bào chữa cho các bị cáo, luật sư Đặng Đình Mạnh nêu 6 lý do đề nghị hoãn phiên tòa.
Trong đó, có 2 lý do đáng chú ý, thứ nhất là sự vắng mặt của 2/3 bị hại là ông Trần Ngọc Thảo và ông Trương Ngọc Toàn; thứ hai, 5 luật sư cho rằng họ chỉ ới được TAND huyện Đức Hòa cho tiếp cận hồ sơ từ ngày 23/6 (cách 7 ngày trước phiên xét xử) nên không đủ thời gian nghiên cứu hồ sơ, cần thêm thời gian để đảm bảo việc thực hiện việc bào chữa có trách nhiệm cho các thân chủ.
Sau khi nghe các bị cáo, đại diện người bị hại, các luật sư và đại diện Viện Kiểm sát, HĐXX hội ý, đến 9h25 ra tuyên đọc Quyết định hoãn phiên tòa. Lý do được viện dẫn: “…Luật sư bào chữa đề nghị hoãn phiên tòa để triệu tập thêm người tham gia tố tụng…”.
Phiên tòa dự kiến sẽ mở lại vào 8h ngày 20/7 tới.
Những thông tin đáng lưu ý trong clip của Thượng tọa Thích Nhật Từ
Trước đó, ngày 23/6, khi nhóm luật sư đến tòa sao chụp hồ sơ vụ án, TAND huyện Đức Hòa mới giao cho các luật sư các quyết định mở phiên tòa vào ngày 30/6.
“Thật ra, việc họ giao văn bản cho chúng tôi trễ như vậy là không đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Lẽ ra chúng tôi phải có văn bản này ít nhất 10 ngày trước khi đưa ra xét xử”, luật sư Đặng Đình Mạnh nói. Ông Mạnh cho hay việc thông báo ngày xét xử chậm trễ gây khó khăn cho các luật sư khi không đủ thời gian chuẩn bị cho phần bào chữa.
Do đó, ngay chiều 23/6, nhóm 5 luật sư đã gửi văn bản kiến nghị hoãn phiên tòa để các luật sư có đủ thời gian chuẩn bị cho phiên tòa, nhưng kiến nghị này sau đó không được chấp thuận.
Ngoài những người đã được tòa triệu tập, nhóm 5 luật sư đã đề nghị TAND huyện Đức Hòa triệu tập thêm 11 cơ quan, tổ chức và cá nhân trong đó có đại diện Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An, ông Văn Công Minh (Đại tá, Phó Giám đốc Công an tỉnh Long An, Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra), vợ chồng ông Võ Văn Thắng, bà Đoàn Thị Tuyết Mai, cô Võ Thị Diễm My, Lê Thanh Minh Tùng, bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm)…
Đáng lưu ý, một ngày trước phiên tòa ngày 30/6, luật sư Đặng Đình Mạnh gợi mở một chi tiết quan trọng trong phần bào chữa của các luật sư.
“Trong vụ án, từ thời điểm khởi tố vụ án, công chúng đã được nghe nhiều về các đánh giá “Giả chùa, giả tu và giả sư” đối với Thiền Am. Điều này đã làm xấu đi một cách không chính đáng về hình ảnh của một nơi tu hành tại gia.
Thực hư điều này, có lẽ khó có ý kiến nào đánh giá xác đáng hơn ý kiến của Thượng tọa Thích Nhật Từ, một vị chức sắc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam…”, luật sư Mạnh viết trên trang Facebook cá nhân.
Thượng tọa Thích Nhật Từ cho hay nhóm Tịnh thất Bồng Lai không phải là nhóm người giả mạo tăng sĩ để lừa đảo như báo chí cáo buộc, mà là cư sĩ tại gia. (Nguồn: Thích Nhật Từ /Facebook)
Trong một clip trả lời cho ký giả Báo Giác Ngộ vào ngày 7/10/2017, qua các thông tin ông nêu về Thiền Am, “cho thấy Thượng tọa Thích Nhật Từ đã có sự hiểu biết rất sâu sắc, chi tiết, đầy đủ, toàn diện về tất cả các thành viên của Thiền Am, về tín ngưỡng của họ, về các sinh hoạt, danh xưng… mang ý nghĩa tôn giáo giữa họ với nhau”, luật sư Mạnh nhận định.
Theo đó, sau khi cân nhắc, các luật sư đều nhận thấy không thể dùng lời bào chữa nào tốt hơn bằng chính các lời phát biểu của Thượng tọa Thích Nhật Từ, vốn là một chức sắc tôn giáo, có sự hiểu biết sâu sắc về vấn đề mà công chúng đang quan tâm về các nghi án quanh Thiền Am.
Clip trích dẫn có thời lượng 4 phút 41 giây – được trích từ clip gốc có thời lượng 26 phút 05 giây đăng tải trên tài khoản Facebook “Thích Nhật Từ” ngày 7/10/2017, được luật sư trích đăng kèm bài viết và cho hay clip sẽ được trình chiếu trong phiên tòa xét xử ngày 30/6.
Theo dõi clip, người quan tâm đến phiên tòa xét xử nhóm người tại Tịnh thất Bồng Lai sẽ có được nhiều thông tin chi tiết, rõ ràng về các thành viên tu tại gia của Tịnh thất Bồng Lai, từ một chức sắc cấp cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trước khi vị này tham gia phiên tòa xét xử nhóm người tại Tịnh thất Bồng Lai với tư cách bị hại.
Xem đầy đủ clip tại đây .
Nguyễn Xuân
'Loạn' tội danh trong vụ Tịnh thất Bồng Lai
Mặc dù đang trong quá trình điều tra, vụ Tịnh thất Bồng Lai bị báo chí nhà nước công bố trong tình trạng "loạn" tội danh, "định" tội sớm.