Hoàn thuế VAT – Đừng tư duy “giết nhầm hơn bỏ sót”

Chia sẻ Facebook
03/12/2022 08:36:59

Xoay quanh câu chuyện hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT), chuyên gia cho rằng, ngành thuế đừng vì sợ bị doanh nghiệp “qua mặt” mà áp dụng quy trình “giết nhầm hơn bỏ sót”…

Như đã thông tin, cộng đồng doanh nghiệp đã và đang “gặp khó” về tình trạng chậm hoàn thuế như Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, lượng thuế VAT mà hàng trăm doanh nghiệp hội viên chưa được hoàn lại tính đến nay đã khoảng 1.500 tỷ đồng; Hiệp hội Sắn cũng kêu cứu tương tự tới Thủ tướng vì bị “ngâm” tiền hoàn thuế…

Trước thực tế đã nêu, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh, việc chậm hoàn thuế càng tạo ra thách thức rất lớn cho doanh nghiệp vì doanh nghiệp đang gặp khó khăn về dòng tiền.

Theo cộng đồng doanh nghiệp, nguyên nhân dẫn đến hiện trạng đã nêu xuất phát từ các hướng dẫn của Tổng cục Thuế tại các Công văn 429/TCT- TTKT năm 2021, 2124/TCT-TTKT, 2928/TCT-TTKT và 4569/TCT-TTKT năm 2020.

Cụ thể, theo các công văn này, gỗ và các mặt hàng gỗ được làm từ gỗ rừng trồng trong nước là các mặt hàng có độ rủi ro cao về thuế. Các cục thuế địa phương được yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát, phối hợp với cơ quan công an, hải quan, chính quyền địa phương… trong việc xác minh nguồn gốc gỗ.

Không chỉ doanh nghiệp ngành gỗ, nhiều doanh nghiệp khác cũng rơi vào tình trạng bị chậm hoàn thuế tương tự, xuất phát từ Công văn 633/TCT-TTKT ngày 7/3/2022 của Tổng cục Thuế về thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có rủi ro về hoàn thuế VAT.

Theo công văn này, Tổng cục Thuế yêu cầu việc kiểm tra hoàn thuế phải xác minh qua các khâu trung gian từ F1, F2, F3… đến khâu cuối cùng. Nếu các doanh nghiệp F1, F2, F3… không thuộc địa bàn quản lý thì cục thuế làm công văn gửi cục thuế có liên quan để rà soát, đối chiếu.

Quy trình thực thi được Tổng cục Thuế đưa ra được cho chưa phù hợp với quy định của Luật Quản lý thuế - Ảnh minh họa: Internet


Trong khi đó, theo các quy định hiện hành, với trường hợp doanh nghiệp thuộc diện “hoàn thuế trước kiểm tra sau”, thời gian hoàn thuế là 06 ngày làm việc, với doanh nghiệp thuộc diện “kiểm tra trước hoàn thuế sau”, thời gian hoàn thuế tối đa là 40 ngày.

Chưa kể, Luật Quản lý thuế cũng quy định, doanh nghiệp xuất khẩu đáp ứng ba điều kiện sau sẽ được hoàn thuế VAT: có hợp đồng xuất khẩu, có tờ khai hải quan, thanh toán qua ngân hàng. Như vậy, nếu doanh nghiệp xuất khẩu đủ điều kiện thì cơ quan thuế phải thực hiện hoàn thuế VAT.

Quy định rõ ràng là vậy nhưng ngành thuế sợ bị doanh nghiệp “qua mặt” nên đã đưa ra các quy trình kiểm soát thông qua các văn bản chỉ đạo trong ngành. Đây là quy trình bình thường nhưng sự vận dụng máy móc lại ảnh hưởng nặng nề đến doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, về mặt pháp lý, các văn bản này là việc nội bộ của ngành thuế và không thể vượt trên các quy định pháp luật về hoàn thuế đã được quy định trong Luật Quản lý thuế hiện hành, bởi sau thời hạn quy định trong luật, nếu cơ quan thuế không chứng minh được có gian lận thuế thì phải hoàn thuế cho doanh nghiệp.

Và việc điều tra tiếp theo vẫn được tiến hành, nếu phát hiện gian lận thuế từ kết quả điều tra thì xử lý theo quy định pháp luật. Nhưng cách làm hiện nay của cơ quan thuế là vì một nhóm nhỏ doanh nghiệp gian lận mà “ngâm” hồ sơ hoàn thuế gây thiệt hại cho các doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng theo kiểu “giết nhầm hơn bỏ sót”.

Đặc biệt, với việc 100% thủ tục thuế hiện nay đều làm qua môi trường trực tuyến, ngành thuế không khó để hậu kiểm, xử phạt hay thậm chí truy tố các trường hợp gian lận thuế. Lực lượng thanh tra thuế có thể ứng dụng công nghệ để rà quét và phân tích dữ liệu thuế sau đó phân tích và xử lý cụ thể những trường hợp nghi ngờ, chuyển qua danh sách theo dõi và điều tra.

Các chuyên gia cho rằng, thẳng thắn nhìn nhận thì việc gian lận hoàn thuế không chỉ đến từ doanh nghiệp hay “lỗ hổng” trong quy định pháp luật mà còn từ chính cán bộ, nhân viên ngành thuế khi không ít vụ gian lận thuế lớn có dính dáng trực tiếp hay gián tiếp đến lực lượng ngành thuế.

Thực tế mới đây, trong vụ điều tra gian lận chiếm đoạt của Nhà nước hơn 538 tỷ đồng tiền hoàn thuế VAT tại Công ty Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House), một Phó cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh bị khởi tố do có liên quan, đặc biệt, trong quá trình điều tra trước đó đã không ít cán bộ thuế cấp quận bị truy tố về tội nhận hối lộ trong quá trình làm thủ tục hoàn thuế VAT cho Thuduc House.

Từ đó, không ít chuyên gia cho rằng, đối với những vụ việc mà hồ sơ có vấn đề gian lận mà lọt qua mọi cửa kiểm soát trong thời gian dài thì cần xem lại phía nội bộ ngành thuế. Bởi, suốt quá trình kiểm tra nhiều năm mà không phát hiện hồ sơ gian lận thì do quy trình kiểm tra không đạt yêu cầu hoặc có sự bất thường gì từ phía cán bộ thuế khi họ không phát hiện ra hồ sơ có vấn đề.

Và thay vì “ngâm” hồ sơ hoàn thuế VAT của doanh nghiệp để điều tra, nhiều chuyên gia cho rằng, trước hết cần bịt “lỗ hổng” từ chính nội bộ con người của các cơ quan quản lý.

Chia sẻ Facebook