Hoàn Cầu: "Trung Quốc không nên đánh giá thấp năng lực cạnh tranh của Việt Nam"
Mục tiêu tăng trưởng GDP cao của Việt Nam cho thấy những tiềm năng to lớn mà Việt Nam sẽ đạt được trong tương lai.
Mục tiêu lớn của Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng mới đây cho biết Việt Nam đang đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7% trong năm nay, cao hơn mục tiêu chính thức từ 6,0 đến 6,5% đặt ra trước đó - Reuters đưa tin. Để đạt được mục tiêu mới, quốc gia này cần đạt mức tăng trưởng kinh tế 9% trong quý 3 và 6,3% trong quý 4.
Vào thời điểm nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với những thách thức lớn, mục tiêu tăng trưởng kinh tế mới nhất của Việt Nam có vẻ đặc biệt tham vọng, phần lớn là do sự gia tăng tổng thể về đầu tư, xuất khẩu và chuỗi cung ứng trong nửa đầu năm nay. GDP của Việt Nam tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước trong quý đầu tiên. Xuất khẩu của Việt Nam cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ 12,9%.
Do thị trường rộng mở và nguồn lao động tương đối dồi dào, Việt Nam ngày càng nhận được ưu ái bởi các khu vực sản xuất toàn cầu và đầu tư nước ngoài trong những năm gần đây. Đặc biệt, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Trung - Mỹ, liệu Việt Nam có trở thành công xưởng tiếp theo của thế giới sau Trung Quốc hay không đã trở thành một chủ đề nóng.
Liệu sự gia tăng nhanh chóng trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam có thực sự đặt ra thách thức cho Trung Quốc và nền kinh tế Trung Quốc có bị ảnh hưởng bởi sự phát triển của Việt Nam hay không là những câu hỏi thường được đề cập trong thời gian qua.
Một số chuyên gia phương Tây từng đề cập tới khả năng "Việt Nam thay thế vị trí của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu". Tuy nhiên, điều này sẽ khó thực hiện nếu so sánh quy mô công nghiệp của 2 quốc gia, do Việt Nam có quy mô kinh tế tương đối nhỏ so với Trung Quốc.
Tăng trưởng mạnh mẽ
Theo Hoàn Cầu, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam có thể nhờ một phần vào kết quả của tác động lan tỏa từ ngành sản xuất của Trung Quốc. Mối liên hệ phức tạp giữa hai nền kinh tế về chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng được củng cố bởi khoảng cách địa lý gần, mức độ công nghiệp hóa và trình độ học vấn của lực lượng lao động. Theo nghĩa này, nền kinh tế Đông Nam Á rất có thể là một đối tác lớn và cung cấp được những mặt hàng triển vọng mà chuỗi công nghiệp của Trung Quốc còn thiếu.
Theo quan điểm của Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam vừa là lợi ích vừa là thách thức. Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là một trong những yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây. Và kể từ khi Việt Nam tiếp tục củng cố và phát triển vị thế của mình trong chuỗi công nghiệp khu vực, sự đi lên của nền kinh tế Việt Nam cũng là động lực cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc và khu vực.
Tuy nhiên, cần lưu ý những lý do đằng sau xu hướng chuyển dịch công nghiệp. Với môi trường địa chính trị phức tạp, Trung Quốc luôn phải đối mặt với thách thức khi các công ty đa quốc gia thay đổi chuỗi công nghiệp của họ. Đây là lý do tại sao Việt Nam không thể thay thế hoàn toàn Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất, nhưng vẫn cần phải chú ý tới việc các doanh nghiệp nước ngoài thay thế dây chuyền công nghiệp tại Trung Quốc trong một số lĩnh vực cụ thể.
Theo Hoàn Cầu, mặc dù việc một số chuỗi công nghiệp rời khỏi Trung Quốc là điều bình thường khi nền sản xuất của nước này phát triển đến một giai đoạn nhất định, nhưng Trung Quốc không nên đánh giá thấp sự cạnh tranh từ Việt Nam.
Trung Quốc vẫn cần liên tục cải thiện môi trường để thu hút và giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài. Trung Quốc cũng cần tăng cường mối quan hệ bổ trợ về sản xuất với Việt Nam và nhất là nâng cao năng lực cạnh tranh sản xuất của Trung Quốc.
Theo Bloomberg nhận định, nền kinh tế Việt Nam "chắc chắn sẽ vượt qua mục tiêu tăng trưởng năm 2022", vì kết quả tăng trưởng quý 2 tốt hơn dự kiến cho thấy sự phục hồi trên diện rộng của "cường quốc xuất khẩu khu vực Đông Nam Á".
Bloomberg cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam có thể sẽ tăng trưởng 7% trong năm nay, vượt qua mục tiêu 6% - 6,5% của chính phủ. Các số liệu mới công bố gần đây cho thấy nền kinh tế đã tăng trưởng 7,72% trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 so với một năm trước đó.
Con số này cao hơn so với ước tính trung bình về mức tăng 5,9% trong một cuộc khảo sát của Bloomberg với các nhà kinh tế học, và là mức cao nhất kể từ quý đầu tiên của năm 2013.