Hoài nghi về đề xuất đảm bảo an ninh cho Ukraine

Chia sẻ Facebook
03/04/2022 23:36:54

Ukraine muốn đổi trạng thái trung lập lấy đảm bảo an ninh vững chắc kiểu NATO, nhưng các nước phương Tây không tỏ ra sẵn sàng với cam kết này.


David Arakhamia, nhà đàm phán hàng đầu của Ukraine , hôm 2/4 cho biết Nga đã chấp nhận lập trường của Ukraine trong đề xuất về giải pháp cho cuộc xung đột, ngoại trừ vấn đề bán đảo Crimea. Một trong những điểm quan trọng của đề xuất này là phương án Ukraine tuyên bố trung lập, từ bỏ tham vọng gia nhập NATO.

Tuy nhiên, điều kiện mà Ukraine đưa ra cho nhượng bộ này là được đảm bảo an ninh từ một nhóm quốc gia khác. "Chúng tôi sẽ trung lập, nhưng ý tưởng là một trạng thái trung lập được đảm bảo", Arakhamia nói.

Đề xuất của Kiev yêu cầu các nước như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italy và Thổ Nhĩ Kỳ đứng ra làm bên bảo trợ an ninh cho Ukraine khi nước này tuyên bố trung lập và sẵn sàng phản ứng trước bất cứ hành vi vi phạm chủ quyền nào nhắm vào họ, giống như cách NATO thực hiện Điều 5 với các nước thành viên. Điều 5 của NATO quy định bất cứ cuộc tấn công nào vào một nước thành viên đều là hành động tấn công vào cả khối và buộc liên minh quân sự này phải hành động.


"Đó là những gì chúng tôi gọi là NATO của Ukraine ", Arakhamia tuyên bố.

Thành viên lực lượng phòng vệ Ukraine tại một chốt kiểm soát an ninh ở Kiev hồi đầu tháng 3. Ảnh: NY Times.

Nhà đàm phán cấp cao của Ukraine Mykhailo Podolyak hôm 31/3 nói với đài truyền hình NTV rằng nước này cũng đã đàm phán sơ bộ với Mỹ, Anh, Pháp, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ về thỏa thuận bảo trợ cho trạng thái trung lập.

Podolyak cho rằng những quốc gia được gọi là "bên bảo trợ" này sẽ có nghĩa vụ pháp lý theo một hiệp ước quốc tế để cung cấp vũ khí, lực lượng hoặc trợ giúp tài chính nếu Ukraine bị tấn công sau khi đã tuyên bố trung lập.

"Ý nghĩa của hiệp ước này là một quốc gia muốn tấn công Ukraine sẽ biết rằng Kiev không đơn độc, khi các nước khác đang sát cánh bên Ukraine, cùng với quân đội và vũ khí của họ", ông nói, bày tỏ tin tưởng rằng hình thức đảm bảo an ninh như vậy có thể giúp chấm dứt xung đột.

Thổ Nhĩ Kỳ, nước có quan hệ tốt với Ukraine và đang đóng vai trò trung gian trong các cuộc đàm phán giải quyết xung đột giữa Moskva và Kiev, nhận được đề xuất làm bên bảo trợ an ninh từ ngày 17/3, nhưng Ankara đến nay chưa thể hiện quan điểm rõ ràng. Chính quyền Tổng thống Recep Tayyip Erdogan không tán thành hay phản đối đề xuất, nhưng bày tỏ ủng hộ các cuộc đàm phán hòa bình.

Israel cũng tỏ ra không ủng hộ ý tưởng của Ukraine. "Vào thời điểm này, Israel không tin rằng mình sẽ là bên đảm bảo an ninh cho Ukraine", một quan chức cấp cao của Tel Aviv nói. "Chúng tôi sẵn lòng hỗ trợ các bên đạt được thỏa thuận thông qua biện pháp xây dựng lòng tin và những nỗ lực khác".


Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng chưa bình luận về đề xuất. Giám đốc truyền thông Nhà Trắng Kate Bedingfield ngày 30/3 từ chối cho biết liệu Washington có sẵn sàng đóng vai trò là bên đảm bảo an ninh cho Ukraine hay không.

"Chúng tôi thường xuyên thảo luận với Ukraine về những cách có thể giúp họ đảm bảo an ninh và chủ quyền", bà nói. "Nhưng không có gì cụ thể về đảm bảo an ninh mà tôi có thể nói vào lúc này".


Các nhà lập pháp Mỹ tỏ ra hoài nghi về ý tưởng của Ukraine. Thượng nghị sĩ Dick Durbin, thành viên cấp cao thứ hai của đảng Dân chủ ở Thượng viện, cho rằng đề xuất này "hơi sớm".

Thượng nghị sĩ Jim Risch, thành viên hàng đầu của Cộng hòa trong Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Thượng viện, thì tin rằng đề xuất đảm bảo an ninh của Ukraine có thể khả thi, nhưng còn lâu mới được thực hiện.

"Chúng tôi từng làm điều này", ông Risch nói, đề cập tới Bản ghi nhớ Budapest năm 1994, khi Ukraine từ bỏ vũ khí hạt nhân để đổi lấy đảm bảo an ninh từ phương Tây. "Nhưng nó đã hoạt động thế nào?".

Bản ghi nhớ Budapest được ký ngày 5/12/1994 tại hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE). Theo thỏa thuận này, Ukraine tình nguyện phá hủy hoặc chuyển tên lửa hạt nhân tới Nga. Đổi lại, Ukraine sẽ nhận được hỗ trợ tài chính từ Mỹ, năng lượng giá rẻ từ Nga, và những đảm bảo về "tôn trọng độc lập và biên giới".

"Bản ghi nhớ này không có điều khoản nào quy định nếu một nước vi phạm thỏa thuận, các nước khác sẽ dùng biện pháp quân sự để đáp trả", Gerhard Simon, chuyên gia về Đông Âu tại Đại học Cologne, Đức, nói.

Một số lãnh đạo phương Tây đã bày tỏ ủng hộ đối với một số hình thức đảm bảo an ninh cho Ukraine, nhưng không ai nói rõ nó sẽ diễn ra như thế nào.


"Chúng tôi sẽ xem xét cẩn thận bất kỳ điều gì mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho là cần thiết. Nhưng chúng tôi sẽ không đơn phương áp dụng cam kết mà NATO dành riêng cho các thành viên của liên minh", Phó thủ tướng Anh Dominic Raab nói, bày tỏ hoài nghi về đề xuất đảm bảo an ninh cho một nước không phải thành viên NATO.

Cục diện chiến trường Ukraine sau một tháng giao tranh. Bấm vào hình để xem chi tiết.

Ian Bond, người phụ trách về chính sách đối ngoại của Trung tâm Cải cách châu Âu, nói rằng vấn đề với đề xuất của Ukraine là không nước nào muốn đứng ra đảm bảo an ninh cho Kiev bằng cách triển khai lực lượng quân sự chống lại các hành vi vi phạm thỏa thuận, tương tự cách NATO áp dụng Điều 5 trong hiệp ước của khối.


Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 30/3 nói với Tổng thống Zelensky rằng Berlin "sẵn sàng" hành động như một bên đảm bảo an ninh cho Ukraine, theo phát ngôn viên chính phủ Đức Steffen Hebestreit. Tuy nhiên, Hebestreit thêm rằng còn quá sớm để thảo luận về những cam kết như vậy.

Một quan chức cấp cao của chính phủ Đức sau đó cho hay đề xuất của Ukraine mới chỉ trong giai đoạn đầu thảo luận, thêm rằng nó chỉ có thể được thực hiện nếu Nga là một phần trong đó.

Pháp cũng để ngỏ cánh cửa ủng hộ ý tưởng Ukraine trung lập và nhận được đảm bảo an ninh từ một nhóm nước khác. Tuy nhiên, Paris không sẵn lòng ký một bản cam kết bảo đảm an ninh có cơ chế tương tự Điều 5, theo một nguồn tin am hiểu vấn đề.

Người này thêm rằng Nga có thể sẽ không đồng ý với bất kỳ thỏa thuận nào yêu cầu Pháp và các thành viên thường trực khác của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đảm bảo an ninh cho Ukraine.


Theo các bình luận viên Jared Malsin, Lindsay Wise và Bojan Pancevski của WSJ , thái độ miễn cưỡng của các nước phương Tây với đề xuất của Ukraine, trong đó thiết lập một cơ chế bảo trợ an ninh như NATO, cho thấy các bên vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung về một giải pháp thoát xung đột.


Jo Adetunji, bình luận viên kỳ cựu của Conversation về châu Âu, cho rằng Moskva và Kiev đến nay vẫn còn nhiều khác biệt trong quan điểm về đảm bảo trung lập cho Ukraine. Điều Nga muốn là đảm bảo Ukraine luôn trung lập, trong khi điều Kiev muốn là đảm bảo tính toàn vẹn lãnh thổ của họ.

Hai mong muốn về đảm bảo an ninh này không giống nhau, đòi hỏi những bên bảo trợ và cơ chế đảm bảo khác nhau. Khi đó, các bên sẽ phải tiến hành hai phương thức đàm phán riêng rẽ. Một là đàm phán giữa Nga với Ukraine về bản chất của trạng thái trung lập, còn một là thảo luận giữa hai nước với các bên có thể tham gia bảo trợ an ninh.


Theo Adetunji, bất kỳ thỏa thuận chấm dứt xung đột nào đều cần tới sự ủng hộ của Nga . Trong khi đó, giới phân tích cho rằng đề xuất của Ukraine rất gần với học thuyết phòng thủ tập thể của NATO, điều mà Moskva luôn phản đối áp dụng với Kiev.

"Về cơ bản, mong muốn được đảm bảo an ninh theo cách của Ukraine không khác gì tư cách thành viên của NATO, chỉ là bằng một tên gọi khác", chuyên gia Bond nhận định, chỉ ra rằng Nga sẽ không bao giờ chấp nhận kịch bản đó. "Nó sẽ rất khó xảy ra".


Thanh Tâm (Theo NY Times, WSJ )

Chia sẻ Facebook