Hóa thạch 36 triệu năm tuổi của tổ tiên cá voi dưới sa mạc Peru, sống dưới nước mà vẫn còn dấu vết chi sau
Cá voi cổ đại trông rất khác bây giờ. Chúng cứ như một con rắn được gắn lên cái đầu khổng lồ. Vẫn còn 2 chi sau chưa tiêu biến hết, nhiều nhà cổ sinh vật học còn nhầm đây là một loài bò sát.
Khi các nhà khảo cổ học khảo quật một di tích trong sa mạc, bạn mong chờ họ sẽ tìm thấy thứ gì nhất? Một kim tự tháp? Một hang động chứa đầy kho báu? Hay một nghĩa địa, trong đó, có những xác ướp được bảo quản nguyên vẹn như thế này?
Chắc chắn, ngay cả những người có trí tưởng tượng phong phú nhất cũng khó nghĩ ra nổi: Bên dưới lớp cát sa mạc lại có thể có cá voi. Nhưng tại đây, trên sa mạc Ocucaje của Peru, các nhà khoa học vừa tìm thấy hộp sọ của một con cá voi cổ đại đã 36 triệu năm tuổi.
Hóa thạch được xác định là một loài động vật biển có vú nguyên thủy. Nghĩa là nó là tổ tiên chung của cá voi và cá heo hiện đại. Tuy nhiên, với thân hình dài tới 17 mét, loài cá voi này còn được gọi là basilosaurus, nghĩa là "thằn lằn vua" .
Các nhà cổ sinh vật học cho rằng trong quá khứ, basilosaurus có thể bơi uốn thân trong nước giống một con rắn biển. Nhưng loài cá voi này có hộp sọ rất lớn. Về cơ bản, nó trông giống một con rắn được gắn lên một khuôn mặt khổng lồ, với hàm răng sắc nhọn.
Với các đặc điểm ấy, loài quái vật khổng lồ này chắc là một loài cá voi ăn thịt. Chúng được cho là có thể hạ cả cá mập và các loài cá voi cổ đại khác để đứng trên đỉnh chuỗi thức ăn.
Nhưng còn một câu hỏi có lẽ bạn cũng đang thắc mắc: Tại sao giữa sa mạc lại có hóa thạch cá voi?
Hóa ra, địa điểm bây giờ là sa mạc Ocucaje cách thủ đô Lima của Peru 350 km về phía nam, từng là đáy của một đại dương cổ đại. Khoảng 34-41 triệu năm về trước, Ocucaje là nhà của hàng loạt các loài sinh vật khổng lồ, bao gồm cá heo Miocen, cá mập và cá voi lùn bốn chân.
Những con thằn lằn vua basilosaurus không nằm ngoài số đó. Nhưng tổ tiên của basilosaurus không phải sinh vật biển. Chúng ta biết cá voi là động vật có vú, tổ tiên của chúng từng sống trên cạn.
Sau đó, cá voi mới tiến hóa dần thành loài bán thủy sinh, nghĩa là nửa sống trên cạn, nửa sống dưới nước. Đến khoảng 55 triệu năm về trước – 10 triệu năm sau cuộc đại tuyệt chủng giết chết loài khủng long – tổ tiên cá voi mới chuyển xuống sống dưới nước hoàn toàn, trong đó có basilosaurus.
Với chiều dài trung bình từ 15-20 mét, cá voi basilosaurus là một trong những loài động vật lớn nhất từng tồn tại sau sự kiện tuyệt chủng Kỷ Creta- Paleogen. Như đã nói, loài cá voi này có thân dài, với 70 đốt sống tất cả, 7 đốt sống cổ, 18 đốt ngực, 20 đốt thắt lưng và 25 đốt sống đuôi.
Với phần giữa của lồng ngực kéo dài qua các đốt sống đuôi trước, basilosaurus có kiểu hình anguilliform, nghĩa là nó có thể uốn sóng thân và bơi như rắn nước hoặc lươn biển. Cộng thêm việc có hai chi sau chưa tiêu biến hết, ban đầu, nhiều nhà cổ sinh vật học đã nhầm nó là một loài bò sát.
Về hộp sọ, basilosaurus có đầu nhỏ và não của nó có lẽ không lớn hơn được một quả dưa hấu. Đây cũng là một đặc điểm thường thấy ở bò sát như cá sấu – kích thước thân hình không tương xứng với kích thước não bộ.
Các nhà khoa học vì vậy nghĩ rằng basilosaurus không thông minh được như cá voi và cá heo hiện đại. Chúng không thể săn mồi theo nhóm và có các hành vi xã hội như các loài động vật biển có vú như ngày nay.
Bù lại, basilosaurus có một hàm răng rất sắc nhọn và cực kỳ khỏe. Lực hàm từ một cú cắn của nó được ước tính lên tới 3.600 pound trên mỗi inch vuông (tương đương 25Mpa). Phân tích vết cắn từ bộ hàm này trên các loài sinh vật biển cổ đại khác, các nhà khoa học cho biết basilosaurus chỉ chuyên săn cá mập khổng lồ và các loài cá voi lớn.
Bất kể khi được tìm thấy ở đâu, basilosaurus đều là kẻ săn mồi đầu bảng trong vùng biển nó ngự trị. Chính vì vậy, loài cá voi này mới được gọi là "thằn lằn vua " – dù một lần nữa, nó là cá voi chứ không phải thằn lằn.
Hồ sơ hóa thạch mà các nhà cổ sinh vật tìm thấy được từ loài basilosaurus khép lại vào khoảng 35-34 triệu năm trước. Đó là khoảng thời gian mà họ nghĩ loài cá voi này đã tuyệt chủng.
Nó trùng với sự kiện tuyệt chủng Eocen-Oligocen xảy ra cách đây 33,9 triệu năm. Tác động của núi lửa, thiên thạch và sự thay đổi khí hậu đột đã xóa sổ một loạt các loài cổ sinh vật trên mặt đất. Dưới đại dương, sự thay đổi và gián đoạn các dòng hải lưu cũng khiến nhiều loài động vật biển trong đó có basilosaurus tuyệt chủng.
Loài cá voi basilosaurus không để lại hậu duệ. Các loài anh em nhỏ hơn của chúng lại may mắn hơn khi thoát nạn và tiến hóa dần thành cá voi răng cưa và cá voi sừng tấm hiện đại. Câu chuyện của basilosaurus bây giờ chỉ còn lại trong những hóa thạch bên dưới lớp cát sa mạc Ocucaje ở Peru.