Họa sĩ Trần Ngọc Hưng: Khao khát đi đến cùng với sơn mài
Gần 20 năm miệt mài sáng tạo với sơn mài, họa sĩ Trần Ngọc Hưng luôn khao khát đi đến tận cùng giá trị nghệ thuật của chất liệu truyền thống này, góp phần làm phong phú cho bảng màu của sơn mài và gìn giữ những giá trị văn hóa Việt.
Hơn 40 tác phẩm sơn mài vừa được họa sĩ Trần Ngọc Hưng mang từ Hà Nội vào giới thiệu với công chúng TP.HCM qua triển lãm cá nhân "Sơn mài Trần Ngọc Hưng: Chất liệu & Nghệ thuật", được khai mạc tối 21-6 tại Ngõ Art Gallery (quận 2, TP.HCM).
Đây là lần đầu họa sĩ Trần Ngọc Hưng có triển lãm cá nhân tại TP.HCM sau nhiều triển lãm cá nhân và triển lãm nhóm ở Việt Nam cùng nhiều quốc gia trên thế giới.
" Mình muốn đóng góp thêm một hương vị mới về chất liệu, để công chúng thấy sơn mài có thể thú vị và lung linh hơn. Các cụ ngày xưa đã rất tâm huyết với sơn mài truyền thống. Mình là người trẻ, mình muốn tiếp cận với truyền thống với hơi thở và phương pháp hiện đại.
Vật liệu là phương tiện để nghệ sĩ làm việc, nhưng khi làm việc với phương tiện gì, ta cần đi đến tận cùng giá trị nghệ thuật của phương tiện ấy. Mình chỉ muốn giữ lại hồn cốt Việt, giá trị văn hóa Việt và phát triển nó cho bảng màu sơn mài phong phú hơn" - họa sĩ Trần Ngọc Hưng chia sẻ.
Nhận xét về các tác phẩm của họa sĩ Trần Ngọc Hưng, họa sĩ Lê Xuân Chiểu đã dành lời khen cho sự dày công trong việc sử dụng chất liệu sơn mài và nhất là niềm đam mê theo đuổi những giá trị truyền thống, đặc biệt là sơn ta của Ngọc Hưng.
"Tác giả kết hợp nguyên liệu đa dạng để tạo nên tác phẩm có chiều sâu, vừa truyền thống vừa mang phong cách riêng, đạt đến hiệu quả cao về độ phẳng, bóng của sơn ta. Hưng cũng giỏi về phục chế. Công việc này giúp anh khai thác thêm nhiều yếu tố giá trị của những người đi trước" - họa sĩ Lê Xuân Chiểu cho hay.
Trong khi đó, họa sĩ Đinh Văn Sơn cho rằng tranh của Ngọc Hưng có sự chăm chút rất cẩn trọng. "Phải là một họa sĩ rất giỏi về kỹ thuật và thực sự yêu sơn mài mới vẽ được như thế!", cũng là người chuyên sáng tác bằng chất liệu sơn mài, họa sĩ Đinh Văn Sơn đã dành cho đồng nghiệp lời nhận xét chân tình.
Tại triển lãm, các nghệ sĩ còn có buổi trò chuyện ngắn về chất liệu sơn mài và những công việc liên quan đến bảo tồn, phục chế tranh với sự tham dự của tiến sĩ Mã Thanh Cao (nguyên giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM).
Triển lãm diễn ra từ nay đến hết ngày 30-6.
Một số tác phẩm đang được trưng bày tại triển lãm:
Những cuộn giấy vệ sinh từng là nỗi ám ảnh của nhiều người khi dịch COVID-19 vừa càn quét thế giới, và chiếc khẩu trang trên gương mặt những cô gái xinh đẹp nhiều ưu tư ẩn hiện trong những bức sơn mài khổ lớn lạ mắt của họa sĩ Trần Lâm Bình.