Họa sĩ Lê Vượng - người vẽ sự im lặng

Chia sẻ Facebook
20/06/2022 06:09:13

Những năm gần đây, dòng tranh tả thực dần được ưa chuộng trở lại với sự xuất hiện của nhóm Hiện Thực ở miền Bắc và rải rác các nơi. Ở Sài Gòn, sau khi họa sĩ Đỗ Quang Em qua đời, vẫn còn họa sĩ Lê Vượng tiếp nối dòng tranh này.

Họa sĩ Lê Vượng trong triển lãm cá nhân đầu tiên ở tuổi 70 - Ảnh: M.THỤY

Vẽ tranh tả thực đòi hỏi sự công phu, kỹ lưỡng trong từng đường nét, vệt bút. Trong khi một số họa sĩ ngày nay sử dụng ảnh chụp để dễ dàng phóng to chi tiết và vẽ lại chính xác, họa sĩ Lê Vượng vẫn dùng phương pháp trực họa.

Ông chạy đua với thời gian trước khi cây trái, hoa cỏ được chọn làm vật mẫu bị héo úa và chạy đua với tuổi tác trước khi mắt trở nên kèm nhèm, không còn thấy sự phân định tinh tế giữa bóng tối và ánh sáng.

Tác phẩm Tự họa

Ở tuổi 70, họa sĩ Lê Vượng quyết định tổ chức triển lãm cá nhân lần đầu tiên mang tên Sáng - Tối. 36 tác phẩm của ông sẽ được trưng bày từ ngày 18 đến 28-6 tại Bình Minh Art Gallery (29A Ngô Thời Nhiệm, quận 3, TP.HCM).

Họa sĩ Lê Vượng đến với tranh tả thực bằng sự tình cờ, và đúng hơn là một nỗi buồn. Năm 1992, một người bạn chuyên sưu tập đồ cổ nhờ ông vẽ vài bức tranh về những bộ ấm trà, đèn dầu.

Đang trong cảnh túng thiếu, ông nhận lời và sau đó ngồi vẽ miệt mài nhiều tháng liền trong căn nhà đã xuống cấp. Vẽ xong, họa sĩ giao tranh nhưng bạn của ông lại không chịu nhận.

Lê Vượng đành phải gửi tranh ở các gallery để nhờ bán. Thế nhưng, sự cố này đã dần gieo vào ông một niềm say mê với tranh tả thực và những món đồ cổ, từ đó tên tuổi của người họa sĩ cũng được định hình.

Tác phẩm Tĩnh vật

Tác phẩm Tĩnh vật

Tác phẩm của Lê Vượng thường mất khoảng một tháng mới hoàn thành. Trên căn gác nhỏ thâm thâm u u, ông chong ngọn đèn nhỏ, bày tỉ mẩn chiếc chén sành, tấm vải lụa, một bình sứ và ngắm nghía bóng của chúng đổ trên tường.

Sự chân thực trong tranh họa sĩ Lê Vượng không chỉ đến từ những chi tiết trên chủ thể mà phần nhiều còn được phản ánh qua cách ánh sáng và bóng tối tương tác với nhau, những dải sáng tối tuy tách bạch mà quyện hòa, tạo nên không gian im lặng tuyệt đối.

Xem tranh của Lê Vượng có lẽ cần phải hạ ánh sáng gian phòng trưng bày xuống thật thấp để bức tranh tự toát ra nguồn sáng và lắng nghe những món đồ cổ kể chuyện.

Tình yêu dành cho những món vật cổ đã khiến họa sĩ Lê Vượng giữ chúng lại mãi trong căn nhà ông dù cho bức tranh đã hoàn thành. Nhiều nhà sưu tập ngỏ ý mua lại nhưng ông đều khước từ. Lê Vượng xem chúng là một phần cuộc sống của mình và lưu giữ chúng bằng những tác phẩm hội họa.

Tác phẩm Tĩnh vật (cái ấm đỏ)

Nhiều người vẫn thường so sánh Lê Vượng với họa sĩ Đỗ Quang Em vì cả hai đều đi theo dòng tranh tả thực. Về vấn đề này, nhà phê bình nghệ thuật Nguyên Hưng đã phân định rạch ròi:

"Nhìn chung, thế giới đồ vật trong tranh Đỗ Quang Em chỉ là cái cớ, ông biểu hiện sự định tĩnh của một tâm hồn tự tại. Còn Lê Vượng vẫn là một họa sĩ tả thực với cảm xúc trữ tình hồn nhiên bình dị - không gian trong tranh anh vẫn là không gian hiện thực, ánh sáng trong tranh anh thường là ánh sáng một nguồn, do đó không khí trong tranh anh gần gũi với tự nhiên.

Tình cảm Lê Vượng trong tranh là tình cảm trân quý đối với thế giới đồ vật gần gũi… Lê Vượng khác xa Đỗ Quang Em trong tinh thần hội họa. Đỗ Quang Em tinh tế, thâm trầm, còn Lê Vượng hết sức bình dị, hiền hòa".

Chiều 12-6, Không gian nghệ thuật Xứ thần kinh của bảy họa sĩ trẻ tài hoa đất Huế đã khai mạc tại Hương Art Life gallery, số 553/7 Huỳnh Văn Bánh, Phú Nhuận, TP.HCM.

Chia sẻ Facebook