Hóa ra Moscow đã có chuẩn bị trước khi EU và Mỹ kịp trừng phạt dầu Nga
Nga đã bắt đầu định tuyến lại dòng chảy dầu của mình từ Tây sang Đông trước khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Xuất khẩu dầu sang 2 quốc gia đông dân nhất hành tinh – Ấn Độ và Trung Quốc – chiếm 90% tổng lượng dầu thô xuất khẩu của Nga trong năm 2023, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak nói với đài truyền hình nhà nước Rossiya-24 hôm 27/12.
Phó Thủ tướng Novak, người cũng chịu trách nhiệm quản lý ngành năng lượng của đất nước, cho biết Moscow đã thành công tránh được tác động của các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine bằng cách định tuyến lại nguồn cung, chủ yếu tới 2 gã khổng lồ châu Á.
Theo ông Novak, thực ra quá trình định tuyến lại nguồn cung của Nga đã bắt đầu trước cả khi xung đột ở Ukraine bùng phát vào tháng 2/2022, và các hạn chế mà Mỹ và EU áp đặt theo sau đó đóng vai trò là chất xúc tác đẩy nhanh quá trình này.
“Khi nói đến những hạn chế và cấm vận đối với nguồn cung cho châu Âu và Mỹ đã được đưa ra... điều này chỉ đẩy nhanh quá trình định hướng lại các dòng chảy năng lượng của Nga”, ông Novak nói.
Ông Novak cho biết, Nga từng cung cấp gần 45% lượng dầu và các sản phẩm dầu mỏ cho châu Âu. Dòng chảy dầu về phía Tây đã giảm xuống còn 4-5% trong năm nay, trong khi dòng chảy dầu về phía Đông tiếp tục tăng lên.
“Trung Quốc là nơi thị phần xuất khẩu dầu của Nga đã tăng lên 45-50%, trong khi Ấn Độ đã trở thành đối tác chính của chúng tôi trong tình hình hiện tại”, vị quan chức Nga nói, đồng thời lưu ý rằng Ấn Độ là nơi doanh số bán dầu của Nga tăng trưởng nhanh nhất.
“Trước đây, về cơ bản không có nguồn cung nào cho Ấn Độ; trong 2 năm, tổng nguồn cung cho quốc gia Nam Á đã lên tới 40%”, ông Novak nói.
Ấn Độ thậm chí còn có thể mua dầu thô xuất khẩu của Nga, đôi khi với giá “hời”, tinh chế và sau đó bán sang châu Âu. Điều này một phần có thể thực hiện được vì các nhà máy lọc dầu thường sử dụng dầu thô từ nhiều nguồn khác nhau, gây khó khăn hoặc không thể xác định được nguồn gốc của nguyên liệu ban đầu làm ra sản phẩm cuối cùng.
Đại diện Cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Josep Borrell đã nói với Reuters hồi đầu năm nay rằng khối này đã biết dầu Nga có thể được đưa “lậu” vào châu Âu như thế nào và đang tìm cách ngăn chặn hoặc hạn chế hành vi này.
“Việc Ấn Độ mua dầu của Nga là điều bình thường. Và nếu, nhờ những hạn chế của chúng tôi về giá dầu, Ấn Độ có thể mua loại dầu này rẻ hơn nhiều, thì Nga càng nhận được ít tiền thì càng tốt”, ông Borrell cho biết hồi tháng 3. “Nhưng nếu điều này bị sử dụng để hình thành một trung tâm lọc dầu của Nga và các sản phẩm sau đó lại được bán cho chúng tôi... thì chúng tôi phải hành động”.
Trở lại với bài phát biểu của Phó Thủ tướng Novak trên Rossiya-24 hôm 27/12, ông Novak cho biết Nga đang tuân thủ các cam kết cắt giảm nguồn cung với tư cách là thành viên của nhóm các nước sản xuất dầu OPEC+. Ông dự đoán giá dầu sẽ tương tự mức hiện tại vào năm 2024, khoảng 80-85 USD/thùng.
Ông cũng dự đoán rằng doanh thu xuất khẩu dầu khí của Nga sẽ đạt tổng cộng gần 9.000 tỷ Rúp (khoảng 98 tỷ USD) trong năm nay, mức tương tự như năm 2021, trước khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát kéo theo “cơn mưa” các lệnh trừng phạt áp đặt lên Moscow.
Theo ông Novak, ngành dầu khí chiếm khoảng 27% GDP của Nga và khoảng 57% doanh thu xuất khẩu của nước này. Ông cho biết Moscow vẫn sẵn sàng làm ăn với những khách mua khác.
“Có rất nhiều người muốn mua dầu của Nga. Đó là các nước Mỹ Latinh, các nước châu Phi và các nước khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, vị quan chức Nga nói .
Minh Đức (Theo DW, Hindustan Times)