Họa phân lô bán nền - Kỳ 3: Tan nát vì đất phân lô
Hàng chục ngàn người ở khắp các tỉnh thành đang "ôm" đất nông nghiệp phân lô chờ thời. Tài sản của họ có nguy cơ mất trắng. Hàng ngàn hecta đất phân lô ở nhiều nơi bỏ hoang. Họa phân lô bán nền là vì thế!
Sập bẫy hàng tỉ đồng vì tin dự án "ma"
Tin vào lời mời gọi mua đất phân lô tại dự án "ma" có tên "dự án khu dân cư Golden Lake" ở khu đất nông nghiệp thuộc thị xã Sơn Tây (Hà Nội), 70 khách hàng đã bị bà Bạch Thị Thu Hường (47 tuổi, tổng giám đốc Công ty Cổng Vàng) cùng nhóm đồng phạm chiếm đoạt hơn 60 tỉ đồng.
Tháng 3-2022, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội hoàn thành cáo trạng truy tố bà Hường về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Đầu tư với hy vọng sinh lời, giờ những người mua đất đứng ngồi không yên vì sập bẫy hàng tỉ đồng.
Tương tự, dù không có dự án trên địa bàn huyện Gia Lâm (Hà Nội) nhưng nhiều năm qua ông Hoàng Văn Thành, tổng giám đốc Công ty cổ phần kinh doanh tổng hợp - xây dựng và phát triển nhà Thành Đạt, đã lập hàng loạt "hợp đồng mua bán đất" thu tiền tỉ của nhiều người dân.
Biết bị lừa mua dự án "ma", nhiều người đã gửi đơn tố giác tới cơ quan công an. Nhiều người vay mượn tiền hàng tỉ đồng mua đất phân lô giờ đứng ngồi không yên vì mua phải đất "ảo", ông Thành cũng bặt vô âm tín và không trả lại tiền.
Ông N.T.V. (ngụ quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết không chỉ ông mà nhiều người khác cũng đã đóng hàng tỉ đồng do tin vào lời mời gọi mua "đất dự án". Ông Thành cam kết nếu không tiếp tục tham gia vào các giai đoạn tiếp theo sẽ trả lại tiền, nhưng đến nay ông Thành không trả tiền và bặt vô âm tín.
"Suốt mấy năm qua nhiều người phải bán nhà trả nợ, có người vay nóng đóng lãi ngân hàng hằng tháng, giờ không biết bấu víu vào đâu", ông V. ngậm ngùi.
Lời nhanh nhờ đất phân lô: ảo tưởng!
Cơn sốt đất tại Lâm Đồng chưa hạ nhiệt nhưng nhiều người đã ôm nợ, gia sản đứng trước nguy cơ đội nón ra đi. Đặc điểm chung của những trường hợp này là muốn kiếm lời thật nhiều, thật nhanh bằng đất nền phân lô. Là người dày dạn trong làm ăn, gia đình bà Đ.K.V. không dễ dàng bị ai qua mặt mua những món tài sản rủi ro.
Đầu năm 2021, công việc kinh doanh không thuận lợi do COVID-19, bà V. nghĩ đến việc mua một vài khu đất ở huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) theo sự dẫn dắt của bạn bè với dự tính sau một năm sẽ kiếm được khoản lời gấp 2-3 lần. Đất nền nghỉ dưỡng, đất view hồ, đất đồi chè... bà đều mua vì bạn bè lẫn "cò" dắt mối ở địa phương đều nói với bà đây là "trend" của nhà giàu trong năm tới, mà nhà giàu mua thì mới được giá.
Ở xa tới, bà nhìn cảnh quan thấy thích thú, say mê, bị mờ mắt bởi những câu chuyện "đô thị nghỉ dưỡng", đất trang trại như trong phim châu Âu mà quên mất những nơi bà mua chưa có hạ tầng cơ bản và trong quy hoạch của Nhà nước, hạ tầng chưa được triển khai đến nơi đây do chưa có dân cư.
Tất cả hạ tầng ở các khu đất bà mua là một con đường bêtông vây quanh khu đất. Bà V. chuyển một lượng lớn vốn kinh doanh sang mua đất đồi và vài khu đất nông nghiệp phân lô để lướt sóng. Mua xong, bà giao cho "cò" dắt mối cho bà chào bán ngay.
Sau một năm, "cò" mất tăm, thửa đất bà mua bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Người săn đất đồi, đất "view hồ" đang mải miết đi săn nhưng không đả động tới những khu đất của bà vì người đi mua đất dần đi sâu vào bản làng để tìm đất giá rẻ và những cơ hội khác rủi ro hơn nhưng có thể sinh lợi cao hơn. Các khu đất của bà "bất động" như hàng trăm khu đất đồi lớn ở Lâm Đồng khi "trend" đi qua.
Nửa tài sản đổ vào mua đất nền theo lời đồn tưởng ngon ăn nhưng khi ăn không ngon, bà V. không rút ra được. Khi dịch COVID-19 đi qua, việc làm ăn bắt đầu vào guồng nhưng lại không có vốn vì đã đổ vào đất. Gõ cửa ngân hàng, dù lý lịch tín dụng của bà rất tốt nhưng ngân hàng không cho vay vì không thể nhận những thửa đất của bà làm tài sản thế chấp.
Hơn nữa, nếu có cho vay thì những khu đất mà bà cho là nhiều tỉ, khi ngân hàng định giá cũng chẳng là bao vì pháp lý chỉ là những khu đất nông nghiệp. Gia đình bà V. lúc này như ngồi trên lửa, phải xoay đủ kiểu để có tiền bỏ vào trở lại làm ăn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ , UBND huyện Gia Lâm khẳng định trên địa bàn huyện không có dự án phân lô bán nền như ông Thành quảng cáo. Ông Thành cũng thừa nhận hoàn toàn không có dự án như đã mời chào. Theo tìm hiểu, đất "dự án" mà ông Thành bán cho nhiều cá nhân là khu đất diện tích hơn 5.000m 2 có nguồn gốc đất nông nghiệp, sau đó được chuyển đổi thành đất ở.
Ngày 18-4, đại diện Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội thông tin từ 26 lô đất ở ban đầu đến nay khu đất này đã được chia tách ra hơn 60 lô. Trong khi đó, Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội cho biết đơn vị này đã ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty phát triển nhà Thành Đạt.
Đáng chú ý, trụ sở công ty này ở số 255 đường Ngọc Lâm (phường Ngọc Lâm, quận Long Biên) đã dừng hoạt động.
Đã thấy "họa", phải ngăn "hậu họa"
Tuyến bài "Họa phân lô bán nền" đã nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc, Tuổi Trẻ xin trích đăng:
* Bạn đọc "Hai Lúa Miền Tây": "Chính quyền địa phương cần mạnh tay hơn nữa mới ổn được. Mặt khác, khi Luật đất đai mới chưa chỉnh sửa kịp thời, các tỉnh cần xin ý kiến trung ương một số ý điều chỉnh cho phù hợp. Ví dụ người các địa phương khác đến sang nhượng phải ghi cụ thể mục đích là canh tác, mua diện tích phải trên 1ha và cam kết không được tách thửa sang nhượng trong vòng 5 năm... và nhiều biện pháp khác tương tự thì im ắng ngay".
* Bạn đọc "Nguyễn": "Cứ đánh thuế chuyển nhượng quyền năm đầu tiên 100% và giảm dần 10 năm. Triển khai thuế tài sản khắc hết sốt thôi".
* Bạn đọc "Nam": "Nhà nước và chính quyền cần quyết liệt ngay, kẻo để lại hậu quả nguy hiểm trong tương lai. Rừng vàng biển bạc!".
* Bạn đọc "Khoa SG": "Trong khi Luật đất đai sửa đổi chưa ban hành, các tỉnh cần xin ý kiến trung ương ban hành một số quyết định trong đó người ngoại tỉnh mua đất phải xác nhận mục đích sử dụng. Nếu mua bán thì không cho, nếu làm trang trại sản xuất thì quy mô phải lớn hơn 5ha để phù hợp với hiện đại hóa sản xuất. Nếu làm nơi nghỉ dưỡng thì phải cam kết 10 năm không sang nhượng. Chính quyền địa phương cương quyết thực hiện thì tình hình sẽ lắng dịu".
* Bạn đọc "Nguyễn Hoàng": "Tôi thấy sau này Nhà nước muốn phát triển khu công nghiệp hay hạ tầng thì tiền đền bù cũng mệt nghỉ".
* Bạn đọc "Lê Duy": "Xu hướng chung là phải tích thửa dồn điền để công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, đó là chủ trương rất đáng hoan nghênh. Vậy tại sao các địa phương lại cho phân lô "tách thửa cắt điền" thế kia? Những người muốn mua vài hecta đất để làm nông nghiệp chắc chắn không thể mua nổi với giá đất như hiện nay, trong lúc đất nông nghiệp để hoang lại nhan nhản ngoài kia! Rất mong Nhà nước, Quốc hội xem xét, đánh giá lại toàn bộ chính sách về đất đai để ngăn hậu họa phân lô bán nền!".
* Bạn đọc "Dương Minh": "Nhà báo hãy đi khắp các tỉnh, ghi nhận thật nhiều hình ảnh những bãi đất phân lô (cả đất ở, đất trồng cây lâu năm phân lô nhỏ...) khoảng 5 năm trở lại đây. Giờ đa số chỉ là bãi cỏ hoang không sự sống. Tai họa thiên tai và nghèo đói, hoang phí từ đây mà ra".
* Bạn đọc "Anh Thư": "Vì lợi ích nhóm mà nhiều khu dân cư tự phát ngoài quy hoạch nở như hoa mùa xuân... rồi sau này lại lấy túi tiền ngân sách của dân đi giải tỏa đền bù?".
Vỡ mộng làm giàu từ đất "Alibaba"
Nhìn lại các vụ án đất đai gần đây, vụ án Công ty Alibaba để lại hậu quả rất lớn và là bài học đắt giá cho các cơ quan quản lý nhà nước. Theo kết luận điều tra, Nguyễn Thái Luyện và 22 đồng phạm đã thành lập 22 pháp nhân, vẽ ra 58 dự án bất động sản không có thật tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận, tự phân lô, tách thửa trái pháp luật để bán cho 4.361 bị hại, chiếm đoạt số tiền 2.264 tỉ đồng.
Từ tháng 9-2019, sau khi vụ án Công ty Alibaba tự vẽ dự án phân lô bán nền được khởi tố, nhiều khu "dự án ảo" của công ty này nằm tại hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu bỏ hoang. Cứ thế này, hàng ngàn tỉ đồng của người dân bỏ vào với mong ước làm giàu chưa biết khi nào và lấy lại được bao nhiêu. Thảm họa của cơn sốt phân lô bán nền được cảnh báo từ lâu, nhưng đến khi vụ án được khởi tố, nhiều nhà đầu tư mới thấm đòn đau đớn.
Nhìn lại vụ án Công ty Alibaba cho thấy bản chất thật của những bị can đầu vụ trong vụ án Alibaba là đứng ra thâu tóm đất nông nghiệp để tạo ra một sản phẩm không có thực. Các lô đất được bị can Nguyễn Thái Luyện cùng người thân của mình phù phép bằng cách vẽ lên những dự án "ma" đánh vào tâm lý khách hàng muốn mua giá rẻ. Nhóm này tự làm hạ tầng như làm đường, dựng cột điện... trên đất nông nghiệp mà không dựa vào quy hoạch và xin phép.
Theo một số người có trách nhiệm, việc Công ty Alibaba thâu tóm đất nông nghiệp đã để lại hậu quả rất nặng nề. Đầu tiên là những nạn nhân gom góp tiền muốn có mảnh đất để an cư nhưng bị nhóm người của Nguyễn Thái Luyện lừa đảo, làm phát sinh tranh chấp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn. Điều lớn hơn là uy tín cơ quan quản lý nhà nước bị ảnh hưởng vì để xảy ra vụ Alibaba lừa đảo rầm rộ trong suốt thời gian dài.
Những ngày đầu tháng 4-2022, chúng tôi trở lại "thủ phủ" khu đất nông nghiệp được Công ty bất động sản Alibaba biến thành "thương phẩm" đất nền và "phân phối" cách đây vài năm tại xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu). Khu đất này đã bị chính quyền cưỡng chế, phá dỡ vào tháng 7-2019.
Cảnh tượng hiện tại của khu đất rộng 24.000m2 chỉ còn lại sự hoang tàn, lãng phí. Những cây mì bật gốc nằm trơ nắng. Những con đường bị xới tung, bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm, khô quéo. Những hố ga không có nắp. Dường như không hề có canh tác, trồng trọt trên mảnh đất này. Căn nhà làm việc của nhân viên tiếp thị Alibaba nằm ở mặt tiền đường nhựa liên xã giờ bỏ hoang, trống vắng. Đây chính là một điển hình hậu họa của nạn phân lô đất nông nghiệp.
Tại khu vực xã Long Phước, Tân Hiệp, Phước Bình... (huyện Long Thành, Đồng Nai), hàng chục hecta đất nông nghiệp được nhóm người ở Công ty Alibbaba "phù phép" để phân lô vẫn còn nằm đó, trải dài, mênh mông. Anh Dũng - một người dân ở ấp Tập Phước, xã Long Phước - cho hay: "Trước khi nhóm người của Alibaba bị bắt thì một số khu đất nông nghiệp ở đây có kết nối đường, trụ điện dựng lên và quảng bá bán đất rầm rộ. Nhưng khi vụ án xảy ra, các con đường trải nhựa, trụ điện dựng lên ở các thửa đất nông nghiệp bị dẹp bỏ...".
SƠN ĐỊNH - ĐÔNG HÀ
Tìm "chính chủ đất" khó như tìm chim!
Tại nhiều địa phương, dù không phải dự án được cấp phép nhưng tình trạng phân lô đất nền xây dựng biệt thự, nhà liền kề, nhà ở nghỉ dưỡng... rồi rao bán công khai nhiều năm nay chưa được xử lý triệt để.
Tràn lan dự án "ma" trái phép
Tháng 2-2022, Sở Xây dựng Hòa Bình điểm mặt hàng chục dự án chưa đủ điều kiện bán hàng. Đáng chú ý có 8 dự án "ma" chưa được cấp phép nhưng có đến cả trăm biệt thự sang trọng vẫn đang mời chào khách hàng gồm: Green Oasis Villas, Beverly Hill, Mountain Villa, Vịt Cổ Xanh Ecologe Việt Pháp (cùng ở huyện Lương Sơn).
Ngoài ra còn có dự án "ma" Sun Legend Villa - Đà Bắc Ecolodge tại huyện Đà Bắc và các dự án "ma" còn lại nằm trên địa bàn TP Hòa Bình gồm: Kai Village Resort, Ohara Villas - Resort (xã Mông Hóa), The Moon Village (xã Yên Quang).
Những dự án "ma" này chủ yếu được cá nhân đi gom đất ở nông thôn từ nhiều năm trước, sau đó ủy quyền cho doanh nghiệp xây dựng dự án và quảng cáo, mời chào không khác gì dự án bất động sản. Điều khó hiểu là dù Sở Xây dựng Hòa Bình đã từng "điểm mặt" từ nhiều năm trước nhưng sau đó các dự án "ma" vẫn được rao bán trên nhiều trang thông tin nhà đất. Hiện có "dự án" đã hình thành quần thể hàng chục căn biệt thự sang trọng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đoàn Tiến Lập, trưởng Phòng quản lý nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Hòa Bình, cho biết việc xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn do thông tin rao bán dự án "ma" chủ yếu qua mạng xã hội.
Mặt khác, những dự án "ma" do người dân tự xây dựng ở các khu vực đất ở nông thôn không cần xin giấy phép xây dựng. Sở Xây dựng chỉ có trách nhiệm kiểm tra, quản lý các dự án, bất động sản nằm trong khu quy hoạch đã được phê duyệt, còn đối với những dự án "ma" không nằm trong quy hoạch thì trách nhiệm quản lý thuộc về UBND cấp huyện, xã.
Theo đại diện Sở Xây dựng Hòa Bình, để ngăn chặn các dự án "ma", ngoài quản lý và giám sát chặt chẽ của cấp huyện và xã, Sở Tài nguyên - môi trường cần phải hạn chế tách thửa, xin hiến đất làm đường, hay xin san gạt, hạ cốt nền, cải tạo đất rừng...
Khó tìm chủ đất, địa phương bó tay với vi phạm?
Còn tại một số tỉnh Tây Nguyên, dù đã phát hiện vi phạm nhưng chính quyền địa phương gặp khó khi tìm "thủ phạm". Ông Phạm Văn Quân, phó chủ tịch UBND xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’Lấp (Đắk Nông), cho biết nhiều trường hợp xã đành bất lực trong khâu xử lý vi phạm.
Điển hình là vi phạm san lấp đồi núi tại khu vực cạnh quốc lộ 14, tại thôn 8, xã Nhân Cơ, gần lòng hồ thủy điện Đắk R’Tih, xã đã nhiều lần lập biên bản xử lý nhưng chưa thể ngăn chặn triệt để. Ông Quân nhận định có sự lách luật, biến tướng trong hoạt động san lấp mặt bằng và kinh doanh bất động sản khiến chính quyền địa phương gặp khó trong khâu xử lý và ngăn chặn vi phạm.
"Phòng tư pháp, Phòng Tài nguyên - môi trường cũng xuống đây phối hợp rồi. Người làm tại đất thì lại không phải là chủ đất. Xử lý thì phải xử lý người chính chủ đất, nhưng liên hệ ông chính chủ đất thì không được, ông ấy ở Sài Gòn không chịu lên. Mà người ta cứ biến tướng theo kiểu vậy, khi xử lý rất khó tại vì theo kiểu họ cũng có người tư vấn, họ lách luật mà mình cũng loay hoay. Mà đình chỉ thì mình cũng lập biên bản đình chỉ rồi, chứ không thể ngày nào cũng có anh em ở dưới đó được", ông Quân nói.
Ông Lê Văn Hoàng, phó chủ tịch UBND huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông, cho biết có một số khó khăn và bất cập trong khâu xử lý vi phạm đối với hoạt động san đồi, bạt núi trái phép. Một mặt do mức phạt hiện nay rất thấp, hành vi hủy hoại đất có mức phạt tối đa ở cấp xã là 5 triệu đồng và ở cấp huyện chỉ là 50 triệu đồng.
Trong khi đó, giá trị các thửa đất sau khi san lấp có thể đến hàng tỉ đồng. Đồng thời, quy định về khắc phục hậu quả là "khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm" đối với vi phạm san đồi, bạt núi là gần như không thể. Vấn đề này cần được nghiên cứu, sửa đổi để luật pháp áp dụng vào thực tiễn có hiệu quả, có tính răn đe.
"Đồi núi bây giờ san lấp rồi mà khôi phục tình trạng ban đầu thì rất khó. Hiện nay Chính phủ đang xây dựng dự thảo sửa đổi Luật đất đai, về phía địa phương thì cũng kiến nghị các cấp có thẩm quyền để có giải pháp sửa đổi như thế nào đó cho phù hợp và đi vào thực tiễn", ông Hoàng phân tích.
Tháo dỡ nhà xây trên đất nông nghiệp
Ông Huỳnh Tấn Lộc - phó chủ tịch UBND TP Biên Hòa (Đồng Nai) - cho biết thời điểm năm 2020 địa bàn TP Biên Hòa xảy ra tình trạng phân lô, xây nhà không phép trên đất nông nghiệp khoảng 300 - 400 căn ở các khu vực có đông công nhân và dân di cư như phường Trảng Dài, Long Bình, An Hòa. Đa số các trường hợp vi phạm là người ở trọ, muốn có nhà giá rẻ nên đã mua những lô đất nông nghiệp rồi xây nhà không phép.
TP Biên Hòa đã chấn chỉnh bằng việc cách chức, điều chuyển công tác một số chủ tịch UBND phường/xã, quy trách nhiệm cụ thể và cưỡng chế những căn nhà xây dựng không phép nên tình trạng phân lô bán nền trên đất nông nghiệp có lắng xuống. Bên cạnh đó, TP Biên Hòa cũng đề xuất UBND tỉnh xây dựng các khu nhà ở xã hội ở các phường Tân Hòa, Long Bình Tân... với quy mô lớn để đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho người có thu nhập thấp.
Có giải pháp nào chấn chỉnh tốt hơn? Ông Lộc cho hay cái chính vẫn là con người làm công tác quản lý nhà nước mà trực tiếp là chủ tịch UBND các phường, xã trên địa bàn. Nếu nắm chắc địa bàn, giám sát tốt sẽ ngăn chặn kịp thời các vụ phân lô, xây nhà không phép trên đất nông nghiệp. "Để xảy ra phân lô, xây dựng không phép thì người đứng đầu ở nơi đó phải có đề xuất biện pháp xử lý và phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo UBND TP Biên Hòa", ông Lộc nói.
SƠN ĐỊNH
QUANG THẾ - TIẾN LONG - TRUNG TÂN
Cơn "đại dịch" phân lô bán nền đã lan ra khắp cả nước: nông dân đua nhau bán đất, người dân đô thị đổ tiền mua "nền" sau đó bỏ hoang để chờ giá lên.