Hoa Kỳ và Đài Loan sẽ đàm phán hợp tác sâu rộng về thương mại – kinh tế

Chia sẻ Facebook
21/08/2022 08:31:08

Washington và Đài Bắc sẽ sớm khởi động các cuộc đàm phán chính thức về Sáng kiến Thương mại Thế kỷ 21 Hoa Kỳ – Đài Loan, được công bố vào hôm 1/6, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) cho biết vào ngày 17/8.

Hoa Kỳ và Đài Loan lên kế hoạch tăng cường hợp tác kinh tế thương mại và lên án hành động đe dọa của Bắc Kinh. (Ảnh minh họa: Maksym Kapliuk/Shutterstock)

Các cuộc đàm phán sẽ diễn ra dưới sự bảo trợ của Văn phòng Đại diện Kinh tế – Văn hóa Đài Bắc (tại Hoa Kỳ) và Viện Hoa Kỳ (tại Đài Loan), theo một tuyên bố ngày 17/8.

Theo đó, sáng kiến này sẽ liên quan đến các cuộc đàm phán về một loạt các chủ đề, chẳng hạn như điều chỉnh quy chuẩn hàng hóa, hợp tác sâu về thương mại nông nghiệp, thúc đẩy thương mại giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ của hai quốc gia, tạo thuận lợi thương mại, thương mại kỹ thuật số, tiêu chuẩn lao động và giải quyết các hành vi làm méo mó thị trường của các doanh nghiệp sở hữu bởi nhà nước.

Trong suốt các cuộc đàm phán, các quan chức Hoa Kỳ sẽ tham khảo ý kiến của Quốc hội cũng như ‘các đối tượng chính’ trong các nhóm kinh doanh, lao động và môi trường, theo tuyên bố.


“Chúng tôi có kế hoạch theo đuổi một lịch trình đầy tham vọng để đạt được các cam kết tiêu chuẩn cao và kết quả có ý nghĩa bao gồm 11 lĩnh vực thương mại trong nhiệm vụ đàm phán. Điều này sẽ giúp xây dựng một nền kinh tế thế kỷ 21 công bằng hơn, thịnh vượng hơn và linh hoạt hơn”, Phó Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Sarah Bianchi cho biết trong tuyên bố.

Trong buổi nói chuyện với phóng viên ở Đài Bắc, Nhà đàm phán thương mại hàng đầu Đài Loan John Deng cho biết vòng đàm phán đầu tiên có thể bắt đầu vào tháng tới. Việc này có thể dẫn đến một thỏa thuận thương mại tự do mà quốc đảo này đã theo đuổi trong một thời gian dài, theo Reuters.

Các cuộc đàm phán diễn ra trong bối cảnh chính quyền Biden đã loại Đài Loan khỏi Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF), một quan hệ đối tác kinh tế giữa Hoa Kỳ và 13 quốc gia châu Á.

Phản ứng của chính quyền Bắc Kinh

Theo ông John Deng, một trong những chủ đề sẽ được thảo luận trong các cuộc đàm phán là sự ép buộc kinh tế của Trung Quốc. Chế độ cộng sản đã hạn chế thương mại với các quốc gia mà họ có tranh chấp, một động thái mà ông cho rằng gây tổn hại lớn đến trật tự kinh tế và thương mại toàn cầu.

Vào tháng 6, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cho biết Bắc Kinh phản đối bất kỳ liên hệ chính thức nào giữa Đài Loan và các quốc gia khác, bao gồm cả việc ký kết các thỏa thuận kinh tế và thương mại có “tính chất chính thức”.


“Hoa Kỳ nên thận trọng xử lý các mối quan hệ thương mại và kinh tế với Đài Loan để tránh gửi một thông điệp sai lầm đến những người ly khai Đài Loan” , ông Cao Phong nói, theo Reuters.

Sau chuyến thăm đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi trong tháng 8 này, Trung Quốc đã phát động cuộc tập trận quân sự lớn nhất xung quanh hòn đảo này.

Trong Sách trắng thường niên năm 2022, Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Đài Loan đã yêu cầu Washington “đẩy nhanh” hội nhập kinh tế với Đài Bắc thông qua một thỏa thuận thương mại song phương.


Tổ chức này tuyên bố rằng một thỏa thuận như vậy sẽ “củng cố cả nền kinh tế của Hoa Kỳ và Đài Loan. Do đó an ninh tổng thể sẽ chống lại một Trung Quốc độc đoán’.

Theo thống kê, giá trị thương mại giữa Đài Loan và Hoa Kỳ vào năm 2020 là 106 tỷ USD.


Tuấn Minh, theo The Epoch Times

Thăm dò: 78% người Đài Loan không sợ các cuộc tập trận quân sự của ĐCSTQ Quỹ Dư luận Đài Loan đã công bố kết quả khảo sát về "chuyến thăm của bà Pelosi, các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc".

Chia sẻ Facebook