Hoa khôi làng võ Việt Nam: "Thần tài" với đẳng cấp thượng thừa, xuất chiêu là có vàng
Hoa khôi làng Wushu Dương Thúy Vi thường xuyên là người mở hàng HCV về cho đoàn thể thao Việt Nam ở các kỳ đại hội thể thao khu vực và châu lục.
"Công chúa Midas" – chạm tay là lấy vàng
Trong thần thoại Hy Lạp, Midas là vị vua huyền thoại của vương quốc Phrygia. Ông nổi tiếng với giai thoại chạm vào thứ gì là đều biến thành vàng. Đôi tay quyền năng của vua Midas là vũ khí đặc biệt mà hiếm người có được. Ông nhận được món quà này từ một vị thần có tên Dionysus. Sau này vua Midas hối hận với điều ước ngu xuẩn của mình và cuối cùng phải xin được hóa giải để trở lại cuộc sống như người bình thường.
Nếu vua Midas chạm đâu cũng thành vàng thì trong làng thể thao Việt Nam, cái tên Dương Thúy Vi cũng xứng đáng với sự ví von "công chúa Midas". Hoa khôi Wushu luôn có được cái duyên mở hàng huy chương vàng qua nhiều kỳ đại hội trong khu vực và cả châu lục. Thậm chí nhiều người ưu ái gọi Vi với biệt danh "thần tài" của thể thao Việt Nam.
Trở lại mốc thời gian năm 2013, Dương Thúy Vi là một trong những niềm hy vọng vàng của đoàn Việt Nam tham dự SEA Games 27 trên đất Myanmar. Đáp lại kỳ vọng từ người hâm mộ, Thúy Vi thi đấu xuất thần ở nội dung kiếm thuật sở trường. Trong phần thi biểu diễn, hoa khôi Wushu Việt Nam giành được 9.70 điểm, hơn VĐV chủ nhà Myanmar - Sandy Oo đúng 0.01 điểm (9.69). Khoảng cách sít sao đó là quá đủ để Dương Thúy Vi vượt qua đối thủ và đem về tấm HCV đầu tiên cho đoàn thể thao Việt Nam.
Bước sang kỳ ASIAD 2014, cũng chính Dương Thúy Vi là người đi tiên phong mang về tấm HCV lịch sử đầu tiên và duy nhất cho Việt Nam tại kỳ đại hội trên đất nước Hàn Quốc.
Tại Kuala Lumpur (Malaysia) năm 2017, người đẹp Wushu một lần nữa hoàn thành xuất sắc bài thi kiếm thuật với những động tác ở độ khó cao. Mang nét đẹp thanh tú của người con gái Việt Nam, Thúy Vi hút hồn khán giả qua từng đường kiếm khi thì mềm mại, uyển chuyển, lúc thì đầy uy lực và đẹp mắt. Cô gái vàng của thể thao Việt Nam giành 9,67 điểm, hơn VĐV nước chủ nhà Malaysia giành HCB 0,04 điểm. Thành tích này giúp Thúy Vi mang về tấm HCV đầu tiên cho thể thao Việt Nam tại SEA Games 29.
"Tôi tin vào khả năng chiến thắng trước khi vào thi đấu nhưng áp lực, sức ép từ nước chủ nhà vẫn rất lớn, 2 VĐV của Malaysia cũng được lợi thế thi đấu trước. Nhưng may mắn, các thầy và chuyên gia đã có những biện pháp giúp tôi giảm bớt áp lực, liên tục tự nhủ trong đầu về kỹ thuật thi đấu, nếu không khi lên sàn sẽ không thể biểu diễn được".
"Thần tài" thể thao Việt Nam lẽ ra đã có cơ hội lần thứ 4 mở tài khoản cho nước nhà ở đấu trường khu vực nếu Philippines không cắt bớt nội dung sở trường của Vi ở SEA Games 2019.
"Nghĩ lại kỳ SEA Games Philippines đó mình chỉ cảm thấy tiếc. Nếu được tham dự đại hội và có nội dung thi, mình sẽ duy trì được trạng thái thi đấu, đặc biệt đó là giải đấu cuối cùng của năm 2019. Trong 2 năm 2020, 2021, bọn mình không có giải đấu quốc tế nào vì dịch bệnh. Việc không được tham dự SEA Games 2019 nằm ngoài dự định của mình , bởi nước chủ nhà đã cắt nội dung thi.
Mất một kỳ SEA Games thì rất đáng tiếc, bởi đó là lúc tuổi trẻ rất khác. 5 năm không được tham dự SEA Games khiến mình chờ đợi kỳ đại hội này rất nhiều",
Wushu xưa giờ vẫn luôn là mỏ vàng của thể thao Việt Nam mà ở đó chính Dương Thúy Vi đã tạo ra điểm nhất đặc biệt từ những màn biểu diễn điêu luyện và cả thần thái hút hồn trên sàn đấu. SEA Games 2021 được tổ chức tại sân nhà Việt Nam, Wushu không còn nằm trong số những môn thi đấu đầu tiên, và hoa khôi Dương Thúy Vi cũng khó có cơ hội chứng tỏ cái duyên mở hàng vốn có. Tuy vậy, cô vẫn là một trong những niềm hy vọng lớn hứa hẹn tỏa sáng để giành HCV danh giá.
Con nhà nòi "đi đường quyền" với bạn cùng lớp
Thanh xuân của Thúy Vi gắng liền với mồ hôi, máu và cả nước mắt trên sàn tập. Ở tuổi 29, hoa khôi Wushu dành phần lớn thời gian để tập luyện võ thuật.
Dương Thúy Vi (SN 1993) thừa hưởng "gen" từ truyền thống võ học của gia đình. Bố tập luyện Thiếu Lâm từ thời trai trẻ, mẹ là võ sư Vịnh Xuân Quyền, ngay từ lúc nhỏ cô đã bị thu hút bởi những đường quyền làm cho mê mẩn. Niềm đam mê võ thuật sớm ngấm vào máu của Vi cho dù bố mẹ muốn cô chuyên tâm việc học hành thay vì cầm kiếm, múa quyền như cánh nam nhi.
"Khi biết tôi định theo Wushu hướng chuyên nghiệp, bố mẹ đều không hài lòng. Đặc biệt là mẹ. Mẹ muốn tôi đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên như bao cô gái khác. Nhưng tôi không thể làm được điều đó. Lúc tôi tốt nghiệp Trung học phổ thông, gia đình còn gây sức ép muốn tôi phải từ bỏ. Bố mẹ lo rằng Wushu sẽ khiến tôi không có một tương lai rõ ràng",
Chính sự kiên định của Vi đã dần thuyết phục được ba mẹ phải chiều lòng để cô con gái đi theo con đường võ thuật. Đó là bước ngoặt quan trọng dẫn lối đến một "tượng đài" như Dương Thúy Vi của hiện tại.
Trong ký ức của nhà vô địch SEA Games, "con gái học võ sẽ không bị ai bắt nạt" là câu nói mà cô nhận được nhiều nhất khi nói về bản thân. Song ít ai biết rằng thời còn học trung học, cô gái có võ ấy thường xuyên bị bạn bè ăn hiếp. Mang tư tưởng đề cao võ đạo mà cha mẹ truyền dạy, Thúy Vi thường xuyên nhún nhường chúng bạn nhưng càng nhịn thì càng bị lấn át.
"Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, hồi tôi học lớp 8, do bạn đó vượt quá giới hạn, tôi đã dùng một động tác khóa tay để tự vệ. Đó là lần duy nhất tôi bất đắc dĩ phải "đi đường quyền". Kể từ đó, bạn này biết sợ và luôn gọi tôi là chị dùng cho học cùng lớp và bằng tuổi nhau".
Suýt giải nghệ vì chấn thương nhưng không có khái niệm từ bỏ
Tiếp xúc với võ thuật từ lúc khoảng 4 tuổi nhưng Wushu chính thức gắn liền với cuộc đời Dương Thúy Vi từ năm 7 tuổi. Vị HLV đầu tiên cũng chính là người bạn thân của bố cô. Trong một lần yêu cầu cô bé bật nhảy xa, ông vô cùng ấn tượng với sải chân dài và sức bật mạnh mẽ của Vi vượt qua cả các võ sinh lớn tuổi.
Nhận thấy đây là viên ngọc thô cần phải mài giũa, ông và các HLV ở Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức (Hà Nội) đã dày công khổ luyện chờ ngày Vi tỏa sáng. Sự kỳ vọng mà các võ sư dành cho cô gái sinh năm 1993 cũng sớm có thành quả khi 3 năm sau, Dương Thúy Vi đã trở thành nhà vô địch giải trẻ quốc gia 2003. Nhờ tài năng thiên bẩm và sự tiến bộ vượt bậc qua từng giai đoạn nên Vi nhanh chóng được đưa vào danh sách trọng điểm của bộ môn Wushu. Bắt đầu từ năm 13 tuổi, cuộc sống của nhà vô địch SEA Games thường xuyên gắn liền với các chuyến tập huấn xa nhà nhiều tháng trời.
Biến cố lớn nhất cuộc đời VĐV của hoa khôi Wushu phải kể đến là giai đoạn năm 2007 – 2008 khi liên tiếp dính phải các chấn thương nặng. Chứng kiến cô công chúa nhỏ đi về trên đôi chân tập tễnh, nén đâu thi đấu, người làm cha làm mẹ ai mà không xót. Thương Vi, bố mẹ từng khuyên cô giải nghệ rất nhiều lần. Nhưng cái mà họ nhận lại chỉ là từ cái lắc đầu của cô công chúa nhỏ.
"Ai tập luyện cũng chấn thương hết, chỉ là đau ít hay đau nhiều. Bọn mình phải đi tấn, bật nhảy thường xuyên nên khớp gối, tay chân hay lưng lúc nào cũng đau nhức. Nhưng ít nhất mình cũng may mắn khi chưa phải trải qua phẫu thuật như vài anh chị trong đội.
Mình cũng không biết vì sao đến giờ này vẫn còn tiếp tục. Đam mê là chắc chắn rồi, nhưng nó cũng nằm ngoài dự định. Nhiều lần mình tự nhủ bản thân sẽ nghỉ tập để học hành, làm cái này cái kia, nhưng giờ mình vẫn học, vẫn làm và vẫn tập, chưa bỏ. Mình cũng không hứa gì với ban huấn luyện, chỉ nói với các thầy cô là tập năm nào tính năm đó, chứ không đặt mục tiêu gì. Mình sợ hứa với người khác rồi không làm được, nên mình không hứa",
Người yêu cái đẹp của võ thuật đã từng chứng kiến hình ảnh hoa khôi Wushu nén đau ra sân biểu diễn rồi nhờ đồng đội cõng lên bục nhận huy chương. Điều đó đủ cho thấy nhiệt huyết và đam mê của cô gái có nụ cười chân phương này.
Hơn 20 năm tập luyện và thi đấu, Dương Thúy Vi đã giành được vô số danh hiệu cao quý từ HCV quốc gia đến SEA Games, ASIAD và cả thế giới. Mỗi giải đấu là một cuộc hành trình mang tính lịch sử của hoa khôi làng Wushu. Ở tuổi 29, Vi vẫn chưa nghĩ đến điểm dừng. Ngọn lửa khát khao chinh phục luôn cháy rực và Dương Thúy Vi chưa một lần cho phép bản thân ngủ quên trên chiến thắng.
Tháng Năm này cô sẽ cùng đồng đội đi chinh phục những tấm HCV SEA Games 31 ngay chính trên sân nhà Việt Nam.
Theo Song An
PHÁP LUẬT & BẠN ĐỌC