Hoá giải "điểm nghẽn" thị trường xăng dầu bằng giải pháp tài khoá
Tình trạng thiếu xăng dầu hoặc “đứt cục bộ” đã diễn ra mấy tháng nay. Gần đây tình trạng này đã lan ra Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc.
Khi xăng dầu bị đứt đoạn sẽ ảnh hướng đến việc giao thông cá nhân, mất thời gian đi lại mua xăng dầu, làm cho cuộc sống "bất bình thường".
Còn doanh nghiệp thiếu xăng dầu sẽ dẫn tới ảnh hưởng đến kế hoach sản xuất, kinh doanh, giá thành sản phẩm, lỗi hẹn với bạn hàng, lỡ nhịp kinh doanh. Ngư dân không có phương tiện đủ xăng dầu để ra khơi đánh bắt, ảnh hưởng thu nhập, đời sống người lao động, ảnh hướng đến cung ứng thực phẩm cho thị trường…
Tóm lại, xăng dầu là “lương thực” của sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, không thể dừng cung cấp xăng dầu đều đặn, cần phải lưu thông thông suốt, có dự trữ dài lâu để đề phòng bất trắc xảy ra môt cách chủ động. Nguyên nhân thiếu nguồn cung xăng dầu theo tôi bắt nguồn từ một số lý do sau.
Thứ nhất, giá bán xăng dầu chưa phù hợp. Khi giá xăng dầu nhập vào cao nhưng thời điểm quyết định giá bán thì lại thấp hay ngược lại.
Thứ hai, nguồn cung xăng dầu thế giới không ổn định, ngoại tệ nhập khẩu cũng chưa được “đều đặn”.
Thứ ba, cũng là nguyên nhân chính, đó là chiết khấu không đủ vì đã lạc hậu hàng chục năm nay, quy định 6 tháng điều chỉnh/1 lần thì không điều chỉnh. Việc này dẫn đến các đầu mối kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ nên phải bán cầm chừng hoặc không bán.
Tất nhiên, trong đó cũng có một số doanh nghiệp bán buôn lợi dụng việc này nhưng không nhiều. Nguyên nhân chính là do bị thua lỗ nên phải đóng cửa, tạm dừng kinh doanh để “đối phó”.
Thứ tư, dự trữ xăng dầu của chúng ta rất mỏng, chỉ 5 đến 7 ngày và dự trữ không được tách rời giữa dự trữ nhà nước và dự trữ doanh nghiệp. Đây là những vấn đề bất cập trong câu chuyện xăng dầu.
Gần đây Bộ Tài chính đề nghị dồn tất cả các quyết định về vấn đề xăng dầu sang Bộ Công Thương. Cũng có ý kiến đồng tình quy về một mối, nhưng cũng có quan điểm xăng dầu cần bỏ quỹ bình ổn bằng tiền, sau đó tiến tới phải vận hành theo quy chế thị trường, tự doanh nghiệp quyết định.
Quan điểm của tôi là chuyển dần sang cơ chế thị trường. Tức là, doanh nghiệp phải hoạch toán kinh doanh, từ doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ và thương nhân đầu mối.
Chính doanh nghiệp bán lẻ sẽ tự quyết định việc điều chỉnh giá theo thị trường và biết cách tính toán chi phí cho từng giọt xăng dầu của mình. Ngoài ra, cũng có thể có những khung giá cần thiết khi có biến động đột biến như thời gian vừa qua.
Các đại biểu Quốc hội cho rằng phải có một thị trường kinh doanh xăng dầu ở Việt Nam. Điều đó cần có một đề án khoa học nghiên cứu rõ ràng và theo tôi hết năm 2023, đầu năm 2024 đề án này nên được áp dụng, cho cả cấp quản lý nhà nước và doanh nghiệp, người tiêu dùng. Chúng ta cần làm quen dần với cơ chế thị trường đúng nghĩa của nó.
Cách can thiệp tốt nhất của Nhà nước đối với thị trường xăng dầu là bằng chính sách tài khóa, nghĩa là điều chỉnh thuế và phí đánh lên xăng dầu. Thậm chí Nhà nước có thể dùng ngân sách bù lỗ cho các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trong tình huống khủng hoảng cung ngắn hạn, như đã từng hỗ trợ lãi suất cho một số lĩnh vực. Bài toán tăng khối lượng dự trữ quốc gia về xăng dầu theo Luật Dự trữ quốc gia cũng cần được tính đến.
Chúng ta đã có khá đầy đủ các quy định của pháp luật điều chỉnh hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh xăng dầu. Đó là các Luật Thương mại, Luật Giá, Luật Cạnh tranh, Luật Doanh nghiệp, các luật về thuế và phí, lệ phí,… và nhiều văn bản quy phạm pháp luật dưới luật. Vấn đề là các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu điều hành giá cả xăng dầu sao cho vừa bảo đảm các quy định của pháp luật, vừa sát với tình hình thực tế của thị trường với những cơ chế, chính sách linh hoạt mà vẫn bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và khách hàng. Nói cách khác, khi xử lý hài hòa được yêu cầu "định hướng xã hội chủ nghĩa" và "thị trường", thị trường sẽ ổn định.
Suy cho cùng, xăng dầu là nhiên liệu, đầu vào của nền kinh tế và giá xăng dầu có tác động tới hầu hết các ngành kinh tế và đời sống, sinh hoạt của người dân. Vậy nên, giá xăng dầu ổn định, các cân đối vĩ mô sẽ ổn định, sản xuất, kinh doanh sẽ phát triển, sẽ có tăng trưởng kinh tế và Nhà nước sẽ lại thu được thuế, phí từ nền kinh tế. Bên cạnh đó, chấp nhận chi phí hợp lý trong logistics và phân phối xăng dầu để doanh nghiệp hạch toán đúng, đủ giá thành cũng là giải pháp quan trọng.