Hoà Bình cảnh báo chiêu trò mua bán BĐS, đề nghị cung cấp bằng chứng ra công an
UBND tỉnh Hoà Bình vừa cảnh báo dấu hiệu bất thường của các dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các dự án có dấu hiệu bất thường huy động vốn bằng hình thức khác nhau với lãi suất khủng và đề nghị khách hàng cung cấp bằng chứng ra công an.
Mới đây, Văn phòng UBND tỉnh Hòa Bình đã ra văn bản về việc xử lý nội dung liên quan đến Công ty cổ phần đầu tư thương mại bất động sản (BĐS) Nhật Nam (Công ty Nhật Nam) có dấu hiệu, hành vi, hoạt động huy động vốn có nguy cơ phức tạp về an ninh kinh tế (ANKT), an ninh trật tự (ANTT).
Đồng thời, ngày 6/9, Sở Thông tin và truyền thông (TT&TT) tỉnh Hòa Bình cũng có văn bản đề nghị các cơ quan báo chí, đơn vị tại các huyện, thành phố thực hiện tuyên truyền, cảnh báo đến người dân, doanh nghiệp thông tin trên.
Theo đó, Công ty Nhật Nam, trụ sở chính tại 54 Ngô Thị Thu Minh, phường 2, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh; người đại diện theo pháp luật là Vũ Thị Thúy (hộ khẩu thường trú khu 4, xã Thạch Tân, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa).
Công ty có hành vi huy động vốn thông qua "Hợp đồng hợp tác kinh doanh” tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư (NĐT) như: Yêu cầu bảo mật thông tin và cam kết không hình sự hóa các tranh chấp, chỉ hòa giải dân sự tại tòa án kinh tế.
Hiện nay, công ty này đã thành lập nhiều chi nhánh và các văn phòng tại các tỉnh trên cả nước, lôi kéo nhiều NĐT với lợi nhuận khủng lên đến 60 - 84%/năm, kèm theo nhiều ưu đãi BĐS.
Tuy nhiên Công ty Nhật Nam chi trả lợi nhuận bằng tài khoản cá nhân (hành vi có dấu hiệu vi phạm Luật Quản lý thuế). Cách thức hoạt động của công ty này tương tự mô hình "Ponzi” (lấy tiền của người trước trả cho người sau), đến khi Công ty Nhật Nam hết khả năng chi trả cho NĐT.
Căn cứ vào nội dung trên, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức rà soát các chi nhánh, văn phòng của Công ty Nhật Nam, cũng như các doanh nghiệp có dấu hiệu hoạt động huy động vốn tương tự để có biện pháp ngăn chặn, xử lý; thực hiện rà soát các cổ đông góp vốn có tài khoản hoặc giao dịch chuyển tiền tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Sở Xây dựng Hoà Bình đề nghị trường hợp các tổ chức, cá nhân có bằng chứng về việc ký hợp đồng đặt cọc giữ chỗ mua bán sản phẩm dự án giữa khách hàng và chủ đầu tư thì cung cấp về Sở Xây dựng và các cơ quan có liên quan (Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố nơi có dự án rao bán) để xem xét, xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Để tránh những rủi ro trong giao dịch và đảm bảo minh bạch và đảm bảo phát triển lành mạnh ổn định của thị trường bất động sản, không làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương, tránh tình trạng các tổ chức, cá nhân huy động vốn, bán sản phẩm bất động sản trái quy định pháp luật trên địa bàn tỉnh; Sở Xây Hoà Bình cũng khuyến cáo người dân không tham gia giao dịch đối với các bất động sản chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định.
Vị này cho biết thêm, trước đó, Sở Xây dựng công bố danh sách 51 dự án chưa đủ điều kiện huy động vốn, chuyển nhượng và bán hàng như Khu biệt thự nghỉ dưỡng Đảo Ngọc (35ha) của liên danh Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Xanh Kỳ Sơn và Công ty Cổ phần Tập đoàn TELIN; Khu nhà ở Thăng Long Xanh (gần 100ha) của liên danh Công ty Cổ phần Thăng Long Land, Công ty TNHH Xây dựng Thành Hưng và Công ty Cổ phần Phát triển đô thị An Thịnh; Làng sinh thái Việt Xanh (gần 50ha) tại xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn của Công ty Cổ phần địa ốc Sài Gòn; Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Đông Trường Sơn (98ha)…
Theo đó, tháng nào Sở Xây dựng Hoà Bình cũng cung cấp danh sách các dự án để người dân nắm thông tin trong giao dịch mua bán BĐS. Điều này làm minh bạch thị trường và tránh người dân bị lừa đảo mất tiền oan.