Hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động: Nhiều nơi mới chỉ dừng ở việc lập danh sách
Từ đầu tháng 4 vừa qua, nhiều người lao động làm tại các khu công nghiệp phải thuê trọ nhà khá vui mừng khi Công ty lập danh sách đề nghị hưởng hỗ trợ tiền thuê trọ. Tuy nhiên, từ đó đến nay vẫn chỉ dừng ở việc lập danh sách, mà chưa ai nhận được hỗ trợ.
Quyết định 08 của Chính phủ về việc hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp và quay trở lại thị trường lao động có hiệu lực từ ngày 1/4 nhưng đến nay, các doanh nghiệp, người lao động vẫn đang rục rịch làm thủ tục bởi vẫn còn nhiều vướng mắc. Trước việc chậm triển khai này, Thủ tướng đã có công điện yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành quyết liệt triển khai việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, phấn đấu hoàn thành trong tháng 8 tới. Những vướng mắc nào cần tháo gỡ để đảm bảo hoàn thành việc hỗ trợ theo đúng thời gian và tiến độ?
Anh Nguyễn Văn Đông và chị Tạ Thu Trang, công nhân Khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh cho biết, công ty đã có thông báo về chính sách hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục cho người lao động, nhưng đến nay anh, chị vẫn chưa làm bất cứ giấy tờ gì bởi đọc qua các bước để nhận hỗ trợ đã thấy có vướng mắc, nhất là việc xin xác nhận của chủ nhà trọ và chính quyền địa phương.
“Nếu Nhà nước mà có chính sách bớt thủ tục hành chính đi thì công nhân chúng tôi cũng đỡ được rất nhiều. Ngay cả lấy BHXH khi chúng tôi khỏi Covid, để đi làm thủ tục hành chính hưởng BHXH thì đã rất khó khăn, mất nhiều thời gian. Tập trung ở cơ quan nhà nước để xin giấy thì rất đông. Là công nhân, chúng tôi rất mong muốn cơ quan nhà nước có quy định giảm bớt thủ tục hành chính", anh Đông nói.
Tương tự, chị Tạ Thu Trang cũng cho biết: “Ở đây chúng tôi chỉ làm tạm trú, tạm vắng, cũng không có hợp đồng thuê nhà. Bản thân chúng tôi cũng rất ít khi gặp chủ nhà. Chúng tôi cũng rất mừng khi có chính sách hỗ trợ này và mong muốn hỗ trợ nhanh để phần nào trang trải một chút tiền thuê trọ".
Theo Quyết định 08, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc các khu kinh tế trọng điểm có thể được hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đang thuê trọ với số tiền từ 500.000 đồng (tối đa 3 tháng) và 1 triệu đồng/người/tháng (tối đa 3 tháng) với người lao động quay trở lại thị trường lao động. Để đủ điều kiện nhận hỗ trợ, người lao động phải đảm bảo đủ các loại giấy tờ chứng minh: Người lao động ở thuê, ở trọ, được doanh nghiệp xác nhận, có quan hệ lao động, thuộc đối tượng theo quy định. Về thủ tục, yêu cầu phải có giấy tạm trú, tạm vắng, xác nhận của chủ nhà trọ, của chính quyền địa phương.
Theo ông Phan Thanh Hải, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam (Khu công nghiệp Thạch Thất, Quốc Oai, Hà Nội), phòng hành chính nhân sự đã hướng dẫn cho công nhân viên làm tờ khai, lập danh sách, thủ tục liên quan đến chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà trọ. Qua quá trình triển khai, phía Công đoàn nhận được phản ánh của công nhân gặp khó khăn trong việc xin xác nhận của chủ trọ và chính quyền địa phương nơi tạm trú.
Để đẩy nhanh tiến độ, bà Lan Oanh, Phó trưởng Phòng Nhân sự, Công ty Luxshare ICT Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Châu và Khu công nghiệp Vân Trung, Việt Yên, Bắc Giang) cho biết, công ty hiện có 42.000 công nhân viên, trong đó khoảng 60% đang thuê trọ. Do số lượng công nhân quá đông nên công ty mới chuyển được hồ sơ đợt 1 cho cơ quan Bảo hiểm xã hội. Tiếp theo, công ty dành 3 ngày để niêm yết công khai danh sách hỗ trợ tiền thuê nhà, sau đó chuyển thông tin lên UBND huyện Việt Yên duyệt chi.
Trao đổi với phóng viên về tiến độ giải ngân, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, thời điểm này, doanh nghiệp đang rà soát, phổ biến cho người lao động để nộp đầy đủ hồ sơ. Nhiều doanh nghiệp gửi hồ sơ đề nghị hưởng 2 đến 3 tháng tiền hỗ trợ thuê nhà trọ, khi có đầy đủ hồ sơ, danh sách sẽ gửi lên các cấp phê duyệt. Khi có danh sách từ doanh nghiệp, các cấp như: cơ quan Bảo hiểm xã hội, UBND cấp huyện, tỉnh sẽ nhanh chóng xác nhận và thực hiện việc hỗ trợ thông qua doanh nghiệp. Hiện, Cục Việc làm (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) đang lập các đoàn công tác khảo sát tại các tỉnh thành Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Đồng Nai, TP.HCM nhằm tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, người lao động trong quá trình giải ngân gói hỗ trợ.
“Khi giải quyết những vướng mắc cụ thể, các địa bàn cũng như tổ chức giám sát trong triển khai, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương và các Bộ, ban, ngành. Khi có vấn đề nảy sinh, lập tức chúng tôi cùng triển khai để tháo gỡ, giải quyết với tinh thần là thủ tục đơn giản cho người lao động, đặc biệt là để cho người lao động quay trở lại thị trường nhưng cũng phải đảm bảo là tiền ngân sách sử dụng đúng theo quy định và không bị trục lợi. Đây là nguyên tắc trong quá trình thực hiện”, ông Vũ Trọng Bình cho biết.
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện 55 địa phương đã ban hành kế hoạch giải ngân hỗ trợ và 6 tỉnh chưa ban hành kế hoạch. Riêng Lai Châu, Điện Biên không có lao động thuộc chính sách hỗ trợ. Dự kiến có khoảng 3,4 triệu người thụ hưởng tiền hỗ trợ thuê nhà trọ từ gói 6.600 tỉ đồng. Cà Mau là địa phương đầu tiên phê duyệt hỗ trợ tiền thuê nhà cho hơn 2.300 lao động với kinh phí trên 1,16 tỉ đồng. Hiện mới có khoảng 333 người lao động có quyết định nhận tiền hỗ trợ. Tại TP.HCM, qua thống kê, có gần 1,2 triệu lao động trên địa bàn có nhu cầu nhận hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định 08, trong đó, trong đó có hơn 987.000 người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp và hơn 200.000 người quay trở lại thị trường lao động. Tỉnh Bắc Giang dự kiến có 90.000 người nhận hỗ trợ với kinh phí 138 tỉ đồng...