Hỗ trợ nhu cầu nhà ở xã hội hay 'giải cứu' thị trường bất động sản?
Hai người trong cơ quan tôi may mắn đủ điều kiện quy định để mua nhà ở xã hội và đã mua được nhà dạng này trước năm 2016 khi gói tín dụng 30.000 tỉ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đưa ra giữa năm 2013 và kết thúc vào năm 2016.
Hỗ trợ nhu cầu nhà ở xã hội hay 'giải cứu' thị trường bất động sản?
Hai người trong cơ quan tôi may mắn đủ điều kiện quy định để mua nhà ở xã hội và đã mua được nhà dạng này trước năm 2016 khi gói tín dụng 30.000 tỉ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đưa ra giữa năm 2013 và kết thúc vào năm 2016.
Bộ Xây dựng chỉ ra loạt nguyên nhân khiến nhiều nhà ở xã hội để không
Sở dĩ nói may mắn bởi cơ quan có hơn 80 người làm việc trong đó gần một nửa có nhu cầu về nhà ở nhưng chưa đủ điều kiện về tiền bạc hoặc các điều kiện quy định ràng buộc mua nhà ở xã hội hiện hành; nhiều người trong số này phải ở nhà thuê, phòng trọ.
Và rồi… gói tín dụng 30.000 tỉ đồng lẳng lặng qua đi, “phong trào” đăng ký mua nhà ở xã hội lắng xuống. Mấy hôm nay lại rộ lên thông tin “Bộ Xây dựng kiến nghị gói tín dụng 110.000 tỉ đồng cho các dự án nhà ở xã hội”.
Theo tin trên báo chí, Bộ Xây dựng sẽ kiến nghị Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỉ đồng cấp cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn, tức giống như gói 30.000 tỉ đồng đã thực hiện trong giai đoạn 2013-2016. Cùng đề xuất gói tín dụng đồ sộ như đã nói là thí điểm một số chính sách đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, như chính sách giao đất để đầu tư dự án nhà ở xã hội; dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội; phương thức chọn chủ đầu tư; xác định giá bán, giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội; đối tượng và điều kiện được hưởng chính sách nhà ở xã hội…
Không nói đâu chi xa, tại TPHCM với hơn 10 triệu dân thì chính quyền thành phố từng ước tính có khoảng 519.000 người dân cần nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2025 và 5 năm tiếp theo có hơn 524.000 người cần nhà ở xã hội, kể cả công nhân. Vậy là trong 10 năm tới, có hơn 1 triệu người dân cần nhà ở xã hội, bình quân mỗi năm phải giải quyết chính sách an sinh này cho hơn 100.000 người.
Vậy mà năm ngoái, Sở Xây dựng TPHCM công bố báo cáo làm buồn cho những ai có nhu cầu mua nhà ở xã hội. Đô thị hơn chục triệu dân nhưng chỉ có 1 dự án nhà ở xã hội hoàn thành và đưa vào sử dụng tại thành phố Thủ Đức với quy mô 260 căn so với chí ít cũng 100.000 người có nhu cầu. Còn lại 9 dự án nhà ở xã hội đang thi công với quy mô gần 6.491 căn, có 2 dự án nhà cho công nhân thuê đang thi công với quy mô 1.400 căn. Giả dụ các dự án này đưa vào sử dụng trong năm nay thì cao lắm giải quyết cho chục ngàn người có nhu cầu nhà ở xã hội, như muối bỏ biển trong cái nhu cầu hàng trăm ngàn hoặc cả triệu người cần chính sách an sinh về nhà ở xã hội.
Tôi không có con số thống kê chi tiết bao nhiêu người dân ở đô thị này được mua nhà ở xã hội trong gói tín dụng 30.000 tỉ đồng giai đoạn 2013-2016 như 2 trường hợp của cơ quan tôi đã mua. Nhưng, trên bình diện cả nước thì Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước cho biết gói tín dụng kết thúc vào năm 2016 với doanh số cho vay đạt trên 29.000 tỉ đồng và có khoảng 53.000 cá nhân, hộ gia đình đã được tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để mua, sửa chữa nhà ở.
Trong một tài liệu của Bộ Xây dựng ghi nhận thành tích của gói này là “tạo sức lan tỏa giúp cho thị trường bất động sản tan băng, thông qua đó người dân có thể mua bán, giao dịch bất động sản thuận lợi, cải thiện điều kiện về chỗ ở. Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xây dựng, bất động sản được tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiêu thụ hàng tồn kho, vật liệu xây dựng, giảm nợ xấu”.
Gói tín dụng 110.000 tỉ đồng mà Bộ Xây dựng đang kiến nghị cũng ra đời đúng vào thời điểm thị trường bất động sản đóng băng và lần này quy mô đóng băng lớn hơn, rộng hơn, nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn ngắc ngoải.
Nhà ở xã hội là chính sách an sinh của Nhà nước, giúp người có thu nhập thấp tiếp cận được nhà ở và nhu cầu này càng tăng do khoảng cách giá nhà và thu nhập ngày càng nới rộng. Thế nhưng, khi các nhà hoạch định chính sách tung ra gói tín dụng nhà ở xã hội trong bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng, nhiều người có cảm giác đó là một cách gỡ băng cho thị trường. Bởi, sau năm 2016, khi thị trường bất động sản không còn trầm lắng, thậm chí sôi động thì chẳng thấy chương trình nhà ở xã hội được thúc đẩy bao nhiêu, trong khi đó có thể xem là vấn đề an sinh xã hội cần được duy trì lâu dài.
Người dân hay những ai quan tâm tới nhà ở xã hội lo ngại các gói tín dụng nhà ở xã hội này thay vì là một chính sách an sinh xã hội thì vô tình lại trở thành một biện pháp chỉ nhằm giải cứu thị trường bất động sản. Lẽ ra các gói tín dụng cho nhà ở xã hội phải thường xuyên, liên tục, lâu dài và nó phải được tung ra những lúc sốt giá nhà đất mới đúng hơn?
Hồng Văn
TBKTSG