Hỗ trợ 2% lãi suất: không thêm thủ tục
Theo quy định, kỳ trả nợ lãi phát sinh từ 20-5 đến hết năm 2023 sẽ được ngân sách hỗ trợ lãi suất 2% từ gói 40.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay các ngân hàng mới đang triển khai quy trình.
Các ngân hàng (NH) đều cho rằng bản chất của gói hỗ trợ 40.000 tỉ đồng để giảm 2% lãi suất là giúp giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp (DN) và giúp phục hồi sản xuất kinh doanh. Điều mà nhiều NH lo nhất vẫn là việc xác định đúng đối tượng được thụ hưởng.
Trừ 2% ngay kỳ trả lãi
Về điều kiện hỗ trợ lãi suất theo nghị định 31, bà Hà Thu Giang, phó vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NH Nhà nước), nhấn mạnh khách hàng có đề nghị được hỗ trợ lãi suất và đáp ứng các điều kiện vay vốn thông thường. Những khoản vay bằng đồng VN đã ký hợp đồng và giải ngân từ ngày 1-1 năm nay đến hết 31-12-2023 và chưa được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước của các chính sách khác mới được giảm 2% lãi suất chương trình này. Đến kỳ trả nợ lãi, NH sẽ giảm trừ trực tiếp số lãi tiền vay được hỗ trợ lãi suất cho khách hàng.
Đại diện BIDV cho biết NH này sẽ không "vẽ" thêm bất cứ thủ tục nào cho khách hàng mà làm đúng theo quy trình cấp tín dụng gắn với đúng đối tượng được giảm lãi suất để hỗ trợ. Theo quy định, khoản vay không được hỗ trợ lãi suất chương trình này là có số dư nợ gốc, lãi quá hạn. Sau khi khách hàng đã trả hết số nợ quá hạn thì sẽ được hỗ trợ lãi suất đối với các kỳ trả nợ lãi tiếp theo. Còn với các khoản vay được gia hạn nợ thì sẽ được hỗ trợ trong thời gian gia hạn nợ.
Hay nói cách khác, chính sách loại trừ hỗ trợ đối với những "ông" có nợ cơ cấu, nợ quá hạn. Như vậy, chỉ những khách hàng bình thường, khách hàng tốt thuộc những nhóm ngành dịch vụ, du lịch, vận tải, hàng không, giáo dục... mới được hỗ trợ 2% lãi suất. "Quan trọng nhất là hỗ trợ phải đúng đối tượng thuộc các nhóm ngành, lĩnh vực mà Chính phủ quy định trong nghị định 31. Còn "ông" có nợ quá hạn thì làm sao hỗ trợ được" - đại diện BIDV chia sẻ thêm.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, tổng thư ký Hiệp hội NH Việt Nam, khẳng định quan điểm của ngành NH là không hạ chuẩn tín dụng, do vậy chỉ những DN thuộc nhóm ngành quy định và có dư nợ nhóm 1 mới được cho vay. "Vừa qua, NH Nhà nước đã họp và ghi nhận các ý kiến vướng mắc để giải quyết. Về phía Hiệp hội NH cũng lưu ý các NH triển khai để đảm bảo đúng đối tượng", ông Hùng nói.
Chờ phản hồi từ NH Nhà nước
Trao đổi với Tuổi Trẻ, tổng giám đốc một NH cổ phần tại TP.HCM cho biết đã thống kê nhu cầu dựa trên số dư nợ hiện tại của những DN hội đủ điều kiện cấp bù lãi suất và đang trả gốc, lãi hằng tháng để đăng ký với NH Nhà nước. Hiện nay NH này đang chờ phản hồi từ NH Nhà nước rồi mới triển khai.
"Nguyên tắc là NH sẽ hỗ trợ với những DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh đang còn dư nợ đến thời điểm hiện tại và dư nợ mới phát sinh của những đối tượng đủ điều kiện. Tuy nhiên do đang chờ phản hồi từ NH Nhà nước nên những khách hàng đến kỳ trả lãi của tháng này vẫn chưa được nhận hỗ trợ", vị tổng giám đốc này nói.
Đại diện lãnh đạo BIDV cho biết Chính phủ cho phép trong thời gian 15 ngày kể từ khi nghị định 31 được ban hành (ngày 20-5), NH thương mại chuẩn bị đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất cho khách hàng. Hiện BIDV đã xây dựng phần mềm phục vụ riêng cho chương trình hỗ trợ lãi suất 2%. Mặt khác, quy trình nội bộ triển khai gói này đã hoàn thiện và sẽ hướng dẫn, tập huấn tới toàn bộ chi nhánh.
Do không phải tất cả các lĩnh vực đều được vay (mà chỉ có 11 nhóm ngành nghề, lĩnh vực gồm du lịch, giáo dục, vận tải, nông nghiệp... mới được hỗ trợ) nên nguyên tắc triển khai là các NH phải đảm bảo đúng đối tượng, đúng quy định, rõ ràng và không để trục lợi chính sách.
Giám đốc khối khách hàng DN một NH lớn băn khoăn các DN thường đăng ký ngành nghề rất rộng nhưng NH Nhà nước quy định chỉ hỗ trợ một số ngành nghề nhất định. Do vậy, NH phải làm sao kiểm soát đi theo từng giấy nhận nợ để mục đích sử dụng vốn đúng đối tượng mà thông tư hướng dẫn. Hiện NH đã xây dựng quy định nội bộ để triển khai và yêu cầu các chi nhánh tổng hợp nhu cầu để đăng ký với NH Nhà nước, để đơn vị này dự trù về ngân sách chung. Về phía mình, NH đã cam kết về tiến độ và sẽ cố gắng triển khai sớm.
Về câu hỏi thông tư, nghị định về gói hỗ trợ đã có từ 20-5 nhưng nếu tháng 6 mới triển khai được thì NH có "hồi tố" hỗ trợ lãi suất cho DN ở kỳ trả lãi suất tháng 5 không, vị giám đốc khối khách hàng DN này cho hay sẽ tùy thuộc vào quy định nội bộ của NH và của NH Nhà nước nhưng sẽ rất khó.
Ngân hàng phải đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất
Về triển khai hỗ trợ lãi suất cho khách hàng, bà Giang cho biết theo quy định nghị định 31, trong vòng 15 ngày kể từ ngày nghị định có hiệu lực là 20-5, các NH phải đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất gửi NH Nhà nước. Ngay sau khi nghị định được ban hành, NH Nhà nước đã có văn bản đề nghị các NH thương mại gửi kế hoạch cho NH Nhà nước trong tuần vừa rồi để triển khai kịp thời chính sách này. Theo quy định, việc hỗ trợ lãi suất áp dụng cho các kỳ trả nợ lãi từ ngày 20-5 đến hết ngày 31-12-2023.
Thống nhất cách hiểu, thuận lợi triển khai
Giám đốc khối khách hàng DN một NH lớn cho biết đang nỗ lực triển khai gói hỗ trợ đồng loạt với các phân khúc theo đúng phạm vi của nghị định 31. Nhưng vị này cho biết do nguồn cấp bù lãi suất đến từ ngân sách nên sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề, đặc biệt liên quan đến công tác thanh kiểm tra sau này, do vậy phải thống nhất cách hiểu với nhau để đảm bảo triển khai sau này.
Chẳng hạn, riêng mã ngành kinh tế của DN thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất, vị giám đốc này cho hay mỗi NH mỗi kiểu và mô tả một kiểu, trong khi các quy định tại nghị định 31 và thông tư 03 của NH Nhà nước lại có cách hiểu khác nhau. Điều này dễ dẫn đến bộ phận thực thi và bộ phận kiểm tra sau này có thể không đồng nhất, dẫn đến khó khăn sau này.
Nghị định của Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện hỗ trợ lãi suất đảm bảo đúng quy định, tạo thuận lợi cho khách hàng. Không thực hiện hỗ trợ lãi suất đối với dư nợ quá hạn hoặc được gia hạn nợ.