Hỗ trợ 120 triệu người ở vùng sâu vùng xa kết nối với thế giới kỹ thuật số
Chương trình “Đẩy mạnh kết nối: Đổi mới sáng tạo để bứt phá” của Huawei đặt mục tiêu mang lại kết nối cho 120 triệu người ở vùng sâu vùng xa ở hơn 80 quốc gia vào năm 2025.
Huawei vừa công bố thực hiện ký cam kết toàn cầu, tham gia liên minh kỹ thuật số Partner2Connect (P2C) của Liên minh Viễn thông Quốc tế (International Telecomunication Union - ITU) tại Diễn đàn Phát triển Bền vững của Huawei năm 2022 với chủ đề "Đẩy mạnh kết nối: Đổi mới sáng tạo để bứt phá", với mục tiêu mang lại kết nối cho khoảng 120 triệu người ở vùng sâu vùng xa tại hơn 80 quốc gia vào năm 2025.
Trong khuôn khổ diễn đàn là các bài chia sẻ về cách thức mà đổi mới sáng tạo ICT có thể khai thác được giá trị kết nối trong kinh doanh và xã hội, đồng thời thúc đẩy tính bền vững trong kỷ nguyên kinh tế số. Tham gia chia sẻ tại diễn đàn có các nhà lãnh đạo cấp cao của ITU, Liên Hợp Quốc, các Bộ trưởng và các nhà quản lý viễn thông của Campuchia, Nigeria, Bangladesh và Pakistan, cùng các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, đối tác, chuyên gia và khách hàng đến từ Trung Quốc, Nam Phi, Bỉ và Đức.
Trong bài trình bày của mình, Tiến sĩ Liang Hua, Chủ tịch Tập đoàn Huawei nhấn mạnh việc truy cập vào một mạng lưới ổn định là yêu cầu cơ bản và hợp lí trong thời đại kỹ thuật số. Đối với nhiều nơi còn hạn chế về mặt kết nối, việc tạo điều kiện để tiếp cận các kết nối đáng tin cậy sẽ đánh dấu bước đầu trong quá trình phát triển và thay đổi cuộc sống của họ.
"Kết nối sẽ không chỉ là một công cụ hỗ trợ quá trình liên lạc được thuận tiện hơn mà cùng với các công nghệ Cloud và AI, kết nối sẽ tạo điều kiện cho mọi người được truy cập vào thế giới kỹ thuật số, được phép tiếp cận đến nhiều thông tin và kỹ năng hơn, nâng cao dịch vụ cũng như đa dạng các cơ hội kinh doanh. Điều này sẽ tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội," Ông Liang chia sẻ.
Phó Tổng thư ký ITU, ông Malcolm Johnson, cho biết: "Chúng ta đều nhận thấy rằng kết nối thôi là chưa đủ. Kết nối cần đi chung với chi phí phải chăng, nội dung phù hợp và cần được thể hiện ở ngôn ngữ địa phương, đồng thời người dùng phải được trang bị kĩ năng tốt nhất để có thể sử dụng một cách hiệu quả nhất."
Ông Siddharth Chatterjee, Điều phối viên thường trú tại Trung Quốc của Liên Hợp Quốc, đồng thời kêu gọi "sự hợp tác đa phương" từ các nhà hoạch định chính sách, tổ chức tư nhân, học viện và tổ chức xã hội để cùng loại bỏ thực trạng khoảng cách kỹ thuật số đã và đang diễn ra, gây ảnh hưởng đến một phần ba dân số toàn cầu.
Ông Cao Ming, Chủ tịch Giải pháp Không dây của Huawei, cho biết: "Là doanh nghiệp có năng lực công nghệ thông tin hoàn chỉnh nhất, Huawei hiện đang tích hợp các tiềm năng đổi mới công nghệ toàn diện của các thiết bị, trạm phát sóng, năng lượng, đường truyền và ăng-ten để giải quyết những khó khăn mà việc triển khai các trạm phát sóng theo phương thức truyền thống đang gặp phải như chi phí cao, hạn chế trong di chuyển, những thách thức trong nguồn lực và quy trình bảo trì".
Huawei hiện không ngừng nâng cấp các giải pháp RuralStar và RuralLink để mở rộng phạm vi phủ sóng chất lượng cao đến các vùng sâu vùng xa, tạo điều kiện tiếp cận hơn nữa và nâng cao trải nghiệm kết nối băng thông rộng và tốc độ cao cho người dùng tại các khu vực hạn chế giống như ở các thành phố. Các giải pháp RuralStar hiện đã tạo kết nối cho hơn 60 triệu người ở vùng sâu vùng xa tại hơn 70 quốc gia.
Bên cạnh đó, Huawei đã đề xuất một giải pháp sáng tạo AirPON đến các khu vực có mật độ dân số thấp, bao gồm cả những vùng sâu vùng xa thông qua việc tối ưu diện tích sử dụng phòng thiết bị, chi phí lắp đặt cáp quang và mức tiêu thụ điện năng của mạng, nhưng vẫn đảm bảo được tốc độ triển khai nhanh chóng của các mạng lưới liên lạc địa phương.